Dồn lực xử lý nợ đọng thuế

01/05/2021 10:32:41 AM
Báo cáo tình hình nợ thuế của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2020, tổng nợ thuế toàn ngành Thuế đang quản lý là 106.548 tỷ đồng, giảm 2,4% so với thời điểm ngày 31/8/2020. Toàn ngành đang dồn lực để kéo giảm nợ thuế, với quyết tâm cao.

 

Công chức Cục Thuế Thái Nguyên rà soát doanh nghiệp nợ lớn, tránh tình trạng để nợ kéo dài.
Công chức Cục Thuế Thái Nguyên rà soát doanh nghiệp nợ lớn, tránh tình trạng để nợ kéo dài. Ảnh: Tuấn Nguyễn
 

Để kéo giảm nợ đọng thuế, toàn ngành Thuế đang tập trung lực lượng thành lập các đoàn công tác đôn đốc thu nợ đọng thuế; kiểm tra tình hình thực hiện xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách tại cục thuế các địa phương.

9 tháng thu đạt 60% nợ đọng thuế

Ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, năm 2020, toàn ngành Thuế được Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu đạt 33.800 tỷ đồng nợ đọng thuế; mục tiêu phấn đấu toàn ngành thu đạt 40.000 tỷ đồng. Lũy kế tính đến thời điểm ngày 30/9/2020, toàn ngành thu được 20.292 tỷ đồng, đạt 60% chỉ tiêu thu nợ giao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019 thực hiện.

Chia sẻ thêm về tình hình quản lý nợ thuế, ông Đoàn Xuân Toản cho biết, tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 9/2020 toàn ngành đang quản lý là 106.548 tỷ đồng, giảm 2,4% so với thời điểm ngày 31/8/2020; tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 60.071 tỷ đồng, giảm 2,8% so với thời điểm ngày 31/8/2020; tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019; tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế (NNT) đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 46.477 tỷ đồng, giảm 1,9% so với thời điểm ngày 31/8/2020, nhưng tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Phân tích cụ thể về tình hình tăng, giảm nợ thuế, ông Đoàn Xuân Toản cho biết, số nợ thuế đến cuối tháng 9/2020 giảm so với tháng 8, ngoài việc thu nợ đạt tốt, trong tháng 9/2020 cơ quan thuế các cấp thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế theo Nghị quyết 94/2019/QH14 (toàn ngành đã thực hiện khoanh nợ được 2.244 tỷ đồng); giảm số nợ thuế tiêu thụ đặc biệt của một số đơn vị sản xuất lắp ráp ô tô trong nước theo Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

“Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì số nợ thuế tháng 9/2020 vẫn tăng 9,8% là do một bộ phận NNT gặp khó khăn, ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN)” - ông Toản nói.

Tăng cường phối hợp đôn đốc thu hồi nợ thuế

Đề cập đến giải pháp xử lý thu hồi nợ đọng thuế những tháng cuối năm, ông Đoàn Xuân Toản cho biết, toàn ngành tiếp tục bám sát và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính và phương án xử lý nợ đọng thuế đã xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội và Thông tư số 69/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, tập trung giải quyết hồ sơ khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN theo nguyên tắc chặt chẽ, đúng đối tượng, đảm bảo xử lý tối đa số nợ đọng không còn khả năng thu hồi.

Theo Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2020, tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2020 toàn ngành đang quản lý là 8,5%, cao hơn 3,5% so với chỉ tiêu được giao là 5%. Trong đó, tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu trên tổng thu năm 2020 là 4,8%; tỷ lệ nợ thuế không còn có khả năng thu trên tổng thu năm 2020 là 3,7%.

Ngành Thuế đang tiếp tục rà soát xử lý các doanh nghiệp nợ lớn, tổ chức đôn đốc thu ngay các khoản nợ mới phát sinh, tránh tình trạng để tuổi nợ dài gây khó khăn trong việc thu nợ thuế.

 

  Song song với đó, toàn ngành cũng tập trung đôn đốc thu nợ đối với khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp (DN), cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân nợ, đặc biệt tập trung rà soát, phân loại những NNT bị ảnh hưởng trực tiếp và những NNT không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng.

Ông Đoàn Xuân Toản cho biết thêm, đối với NNT bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, cơ quan thuế động viên, thuyết phục, chia sẻ khó khăn, giúp NNT ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh. Song song với đó, ngành Thuế tiếp tục rà soát xử lý các DN nợ lớn, tổ chức đôn đốc thu ngay các khoản nợ mới phát sinh, tránh tình trạng để tuổi nợ dài gây khó khăn trong việc thu nợ thuế. Kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin NNT chây ỳ nợ thuế, không nộp tiền thuế đúng hạn lên báo, đài, trang web cơ quan thuế…, theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Đồng thời cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với các đối tượng lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh để chây ỳ nợ thuế.

Ngoài ra, toàn ngành cũng tăng cường phối hợp với kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư..., thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN; tổ chức các đoàn công tác, đôn đốc thu nợ đọng thuế và kiểm tra tình hình thực hiện xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách tại các cục thuế địa phương.

 

Theo Thơì báo tài chính