Tỷ lệ DN tiếp cận được gói hỗ trợ về thuế là cao nhất

01/05/2021 10:32:41 AM
Ngày 15/10, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”.

 

 

Báo cáo “Đánh giá tác động của Covid-19 và hiệu quả của các chính sách ứng phó với Covid-19 đối với các DN” của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân tiến hành từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10/2020 đối với 450 DN thuộc 6 nhóm ngành là du lịch lưu trú nhà hàng; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; logicstics; dệt may; công nghệ thông tin tại TP Hà Nội, Thanh Hóa, TPHCM cho thấy, có 61% DN hoạt động bình thường; 30% DN cắt giảm quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh và gần 10% DN đã phải tạm dừng hoạt động. Trong số này, có đến 5/6 ngành có số DN phải cắt giảm quy mô lao động và nặng nề nhất là ngành du lịch, lưu trú, nhà hàng.

Dẫn thêm kết quả khảo sát tại hội thảo, PGS,TS Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, vẫn có đến 80% DN được điều tra lần này chưa nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Lý do chủ yếu là do các DN khó đáp ứng, hoặc không đáp ứng được các điều kiện để nhận hỗ trợ với tỷ lệ là 54,68% DN. Trong khi đó, với các DN được nhận hỗ trợ thì tỷ lệ trong ngành du lịch và dệt may là nhiều nhất và tỷ lệ các DN có quy mô từ 50 - 200 lao động trở lên nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với các đơn vị quy mô nhỏ hơn.  

Cũng theo ghi nhận, với hàng loạt các chính sách hỗ trợ như miễn, giãn, giảm lãi vay, phí ngân hàng; gia hạn nộp thuế; gia hạn tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất phải nộp trong năm 2020 thì tỷ lệ các DN nhận được hỗ trợ từ gói “gia hạn nộp thuế’ là cao nhất với 69,23%, trong khi các chính sách hỗ trợ khác như cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn và các khoản nợ của DN; tạm dừng đóng BHXH, kinh phí công đoàn...thì tỷ lệ DN tiếp cận được còn thấp. Đáng chú ý, một số chính sách được đánh giá là không có tác động tích cực như kỳ vọng, như hỗ trợ chi phí logictics đường bộ, đường thủy nội địa; giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu...

Từ khảo sát, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, cần hỗ trợ hơn nữa các DN bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, tập trung vào các giải pháp tiền tệ thông qua việc nới lỏng hơn nữa các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi suất. Trong khi đó, với giải pháp tài khóa, cần tiếp tục miễn giảm thuế, phí; giảm phí BHXH, phí công đoàn; giảm các chi phí thuê hạ tầng. Hơn nữa, các hình thức hỗ trợ cần phù hợp hơn với các DN ở từng ngành, từng lĩnh vực và từng giai đoạn, song song với việc ưu tiên cho các DN có quy mô siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém.

Ngoài ra, trong bối cảnh tác động của Covid-19 tới các ngành kinh tế có sự khác biệt lớn thì việc phân loại, đánh giá, lựa chọn các DN để hỗ trợ cũng cần cẩn trọng và khách quan hơn, tránh hiện tượng trục lợi chính sách.

Về chính sách hỗ trợ lần 2, đa số các DN (trên 50%) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục cho tạm dừng đóng BHXH, giảm tiền thuê đất, gia hạn nộp thuế. Cùng với đó, các DN cũng mong muốn các thủ tục về chính sách hỗ trợ lần 2 sẽ được cải thiện hơn, tập trung chủ yếu vào việc minh bạch thông tin; đơn giản hóa hồ sơ thủ tục; rút ngắn thời gian hướng dẫn làm thủ tục và thời gian xét duyệt./.

Đánh giá ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các thị trường vốn, dòng luân chuyển vốn và hàm ý chính sách trong thời gian tới, TS Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị, mặc dù Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến dòng vốn trong ngắn hạn, nhưng Việt Nam nhiều khả năng sẽ hưởng lợi từ dòng vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, cần phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường vốn và thị trường tài chính để tạo điều kiện cho việc phát triển thị trường vốn hoàn chỉnh hậu Covid-19. Điểm quan trọng nữa là, Việt Nam cần thu hút FDI thông qua cơ sở hạ tầng, năng lực chính sách và lao động chất lượng cao, thay vì các ưu đãi tài chính như trong giai đoạn trước đây.

 

 

Theo Tạp chí thuế