Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam: Giảm thuế là giải pháp cấp bách để giúp doanh nghiệp vượt khó

08/09/2021 04:11:43 PM
(TBTCVN) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã rơi vào cảnh rất khó khăn. Việc giảm thuế là giải pháp cấp bách để họ có thể giữ được sự ổn định và có thể phục hồi sau khi dịch bệnh qua đi.

Doanh nghiệp đang rất cần được giảm thuế để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Khi chính sách được ban hành, cần được tuyên truyền rộng rãi đến người nộp thuế bằng thư điện tử, qua zalo, hoặc qua đại lý thuế để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp để chính sách hỗ trợ đến được với người nộp thuế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

PV: Tại phiên họp thường trực Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhất trí với các giải pháp giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Điều này có nghĩa, nghị quyết hỗ trợ về thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà Bộ Tài chính đang hoàn thiện sẽ sớm được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Bà đánh giá như thế nào về chủ trương này?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, các DN ngày càng khó khăn, nhiều DN phải dừng hoạt động. Trong khi đó tất cả các chi phí về tiền lương trả cho người lao động, hoặc chi phí về khấu hao máy móc, trang thiết bị, tiền thuê mặt bằng... vẫn phải chi trả.

 

 Bà Nguyễn Thị Cúc

Như vậy, dù không có doanh thu, nhưng chi phí vẫn phát sinh. Nếu DN nào trước đó có nguồn lực về tài chính thì có thể cầm cự được, nhưng đa phần DN không phát sinh lãi, mà lỗ rất nặng. Vì vậy, việc giảm thuế cho DN trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và cấp bách, giúp DN vượt qua khó khăn, có thể giữ được sự ổn định trong thời gian dịch bệnh đang bùng phát mạnh và có thể phục hồi sau khi dịch bệnh qua đi.

PV: Về đề xuất các mức giảm thuế, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021, giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với DN, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ... theo bà thì các mức hỗ trợ này có phù hợp không?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì những gói hỗ trợ trước đây đã thực hiện. Chính sách này chỉ có tác dụng đối với các DN có lãi, còn đối với các DN khó khăn thì họ vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) khi có doanh thu.

Nói thế để thấy rằng, việc giảm thuế GTGT có ý nghĩa rất quan trọng đối với DN. Theo dự thảo nghị quyết, đối với các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng sẽ được giảm 50% thuế GTGT và 50% thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Còn đối với DN có khó khăn, dự thảo đề xuất giảm 30% thuế GTGT. Tôi cho rằng, Bộ Tài chính nên cân nhắc mức giảm 30%, hoặc có thể cho giảm 50% giống như đối với hộ kinh doanh. Tôi nói phải cân nhắc vì phải cân đối giữa việc hỗ trợ cho DN với việc cân đối thu, chi ngân sách trong điều kiện ngân sách nhà nước cũng khó khăn về chi cho phòng, chống, điều trị Covid-19. Vì thế, Bộ Tài chính cần tính toán kỹ nên giảm ở mức 30% hay 50%.

Thủ tục miễn, giảm thuế nên đơn giản, dễ thực hiện

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, để đảm bảo chính sách thuế đi vào cuộc sống, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn DN làm thủ tục để được miễn, giảm thuế. Về thủ tục, nên tiếp tục kế thừa các quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị định 52/2021/NĐ-CP để đơn giản hóa thủ tục. Chỉ cần làm một lần giấy đề nghị giảm thuế là được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.

 Tuy nhiên, tôi đánh giá việc giảm thuế GTGT, dù ở mức 30% hay 50% thì rất hữu ích đối với DN, vì dù DN không có lãi, nhưng cứ có doanh thu là phải nộp thuế. Khi giảm thuế đối với thuế GTGT thì sẽ có tác dụng thiết thực cho DN.

Bên cạnh đó, chúng tôi thấy rằng, ngoài thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN của hộ cá nhân kinh doanh, thì còn tiền thuê đất của các DN, đặc biệt là các DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch dịch vụ lưu trú cũng nên được hỗ trợ, vì họ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh không hoạt động được, nhưng họ vẫn phải trả tiền thuê đất. Do vậy, vừa qua Nghị định 52/2021/NĐ-CP có gia hạn tiền thuê đất, nhưng vẫn phải nộp, rõ ràng là họ cũng rất khó khăn.

PV: So với các chính sách hỗ trợ trước đây, thì chính sách hỗ trợ lần này rất thực chất đối với DN, người dân vì họ được giảm thuế, chứ không chỉ được gia hạn. Điều này chắc hẳn là các DN đang rất mong chờ khi dịch bệnh đã khiến họ rất khó khăn, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Chính sách giảm thuế rõ ràng là rất cần thiết đối với DN trong thời điểm này. Thay vì họ chỉ được gia hạn nộp thuế tức chỉ chậm lại thôi, chứ vẫn phải nộp. Còn bây giờ được miễn giảm, nghĩa là không chỉ gia hạn, mà là không phải nộp số tiền thuế được miễn, giảm nữa. Một vấn đề khác mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP cho phép DN được gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất. Theo quy định tại nghị định này, đến 30/7/2021 là hết hạn làm thủ tục gia hạn về thuế và tiền thuê đất.

Tuy nhiên, trong tháng 7/2021 nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 bùng phát, do đó DN không kịp làm thủ tục gia hạn. Tôi cho rằng vì lý do khách quan, DN không kịp làm thủ tục thì có thể xem xét cho phép DN được tiếp tục làm các thủ tục để gia hạn về thuế và tiền thuê đất.

Hiện nay tôi thấy rằng, một số cục thuế đã có thông báo nếu DN nằm trong vùng cách ly, khi chậm nộp hồ sơ khai thuế thì không bị tính tiền chậm nộp do dịch bệnh. Điều này là rất cần thiết đối với DN hiện nay.

Bên cạnh đó, DN cũng cần bố trí, sắp xếp lại sản xuất, làm thế nào đó để nắm bắt được các chính sách hỗ trợ về thuế thông qua dịch vụ hỗ trợ về thuế của các đại lý thuế, hỗ trợ DN làm các thủ tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, được hưởng các chế độ ưu đãi về thuế.

PV: Xin cảm ơn bà!

 * Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme):

Giảm thuế là chiếc “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp

Trước bối cảnh đại dịch bùng phát với nhiều tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), trong quý I và II/2021, với đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP; Nghị định số 52/2021/NĐ; Nghị định số 57/2021/NĐ-CP... để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của DN.

Thực tế cho thấy các chính sách ưu đãi nêu trên được ban hành và thực thi trong thực tiễn hỗ trợ rất nhiều cho DN để giảm gánh nặng về tài chính, vượt qua khủng khoảng, khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, một lần nữa dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 của Bộ Tài chính được chờ đợi như chiếc “phao cứu sinh” cho DN trước “cơn bão” làn sóng dịch bệnh thứ 4 này.

Có thể khẳng định, các nội dung hỗ trợ về thuế trong dự thảo có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp, phần nào giảm bớt khó khăn trong khi điều kiện sản xuất kinh doanh cầm chừng và thu nhập của người dân thì thu hẹp. Số tiền được miễn giảm DN sẽ đưa vào vốn lưu động, đỡ phải vay vốn để nhập nguyên liệu sản xuất Qua đó, cộng đồng DN Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cảm nhận được sự đồng hành, sẻ chia của Bộ Tài chính, của Chính phủ trước những khó khăn, rủi ro của DN. Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của Bộ Tài chính, Chính phủ trong giai đoạn này để doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn từ đại dịch gây ra.

 

Nhật Minh - Tố Uyên (thực hiện)

 

Theo Thời báo Tài chính