Bản tin thuế Số 02 tháng 01 năm 2016

01/16/2016 10:00:25 AM
Hội Tư vấn thuế Việt Nam trân trọng gửi tới Quý bạn đọc bản tin thuế số 02 tháng 01 năm 2016

 

I. CÔNG VĂN

 

1. Công văn số 43/TCT-DNL ngày 06/01/2016 về việc lập hóa đơn trong trường hợp khách hàng không lấy hóa đơn.

 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong quá trình hoạt động kinh doanh, Tổng cục Thuế đồng ý: Trường hợp người mua không yêu cầu xuất hóa đơn (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng hay dưới 200.000 đồng) thì tại từng chi nhánh, Hội Sở chính của Ngân hàng TNHH Một Thành Viên Shinhan Việt Nam được phép lập chung một hóa đơn theo bảng kê cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong tháng tại từng chi nhánh, Hội Sở chính vào cuối tháng đó.

 

2. Công văn số 57/TCT-CS ngày 07/01/2016 về trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn.

 

Công ty Bình Thạnh là tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán (đơn vị phải lập và công bố thông tin về Báo cáo tài chính năm, bán niên) góp vốn đầu tư vào các Công ty con được thành lập theo quy định của pháp luật, nếu Công ty con lập Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 và kết quả kinh doanh ghi nhận trên Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 của Công ty con phát sinh lỗ (không phải là lỗ theo kế hoạch đã được xác định trong phương án kinh doanh trước khi đầu tư) và tổng số vốn đầu tư thực tế của các bên cao hơn tổng giá trị vốn chủ sở hữu thực có của Công ty con thì tại thời điểm lập Báo cáo tài chính bán niên Công ty Bình Thạnh được trích lập dự phòng đầu tư tàí chính dài hạn (căn cứ vào Bảng cân đối kế toán bán niên năm 2015 của Công ty con để tính trích 1ập dự phòng theo quy định) và tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

 

3. Công văn số 58/TCT-CS ngày 07/01/2016 về trích lập dự phòng đối với khoản nợ tồn đọng

 

1. Về việc đăng ký kinh doanh ngành nghề mua bán nợ

 

Ngày 16/12/2014, Văn phòng Chính phủ có công văn 1055/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: trong thời gian chưa ban hành quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề mua bán nợ sau khi Luật đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, chưa cấp đăng ký kinh doanh ngành nghề mua bán nợ cho các doanh nghiệp khác hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

 

2. Về việc trích lập dự phòng

 

Trường hợp Công ty TNHH mua bán nợ Hòa Bình có đăng ký ngành nghề và hoạt động mua bán nợ theo đúng quy định của pháp luật, Công ty có một số khoản nợ mua về nhưng chưa bán được hoặc bán được nhưng đến hạn thanh toán mà chưa thu được tiền thì đều được coi là khoản nợ phải thu; do đó, các khoản nợ phải thu này nếu đủ điều kiện là khoản nợ khó đòi (căn cứ vào thời hạn chưa trả nợ so với kỳ trả nợ) thì Công ty thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC nêu trên. Số trích lập dự phòng tối đa bằng số mà công ty đã bỏ tiền ra để mua nợ.

 

4. Công văn số 75/TCT-CS  ngày 07/01/2016 về kê khai và nộp thuế GTGT, TNDN của Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Việt Nam

 

Trên thực tế, các Chi nhánh không hạch toán đầy đủ được chi phí dịch vụ hỗ trợ vận tải (thiếu các chi phí liên quan tới kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải phát sinh tại Công ty) và khi Công ty uỷ quyền cho các Chi nhánh, đơn vị trực thuộc ký hợp đồng kinh tế thì trên hoá đơn mua hàng ghi tên và mã số thuế của Chi nhánh, đơn vị trực thuộc, các Chi nhánh thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT tại Cục Thuế địa phương dẫn đến Cục Thuế địa phương luôn hoàn thuế GTGT cho Chi nhánh trong khi đó do toàn bộ thuế GTGT đầu ra của hoạt động kinh doanh vận tải được hạch toán tại công ty. Hoạt động kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các đơn vị trong công ty thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT và thuế TNDN tại địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở chính (từ đó dẫn tới đơn vị phụ thuộc có hạch toán chênh lệch thu, chi lớn hơn thì nộp thuế TNDN nhưng đơn vị phụ thuộc hạch toán có chi lớn hơn thu thì không được bù).

 

Để phù hợp với đặc thù của hoạt động vận tải đường sắt, hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải, Tổng cục Thuế hướng dẫn như sau:

 

1. Về kê khai, nộp thuế GTGT

 

Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh vận tải tại trụ sở chính.

 

- Chi nhánh Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội thực hiện kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải tại cơ quan thuế địa phương.

 

Việc xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh vận tải do Chi nhánh phân bổ về Công ty như sau:

 

Chi nhánh, đơn vị trực thuộc ký hợp đồng kinh tế mua vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh sử dụng tên và MST (13 số) của Chi nhánh, đơn vị trực thuộc. Hàng tháng Chi nhánh lập Bảng phân bổ thuế GTGT đầu vào của Chi nhánh theo hai hoạt động (hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải) căn cứ theo tỷ lệ chi phí của hai hoạt động kinh doanh (lấy theo tỷ lệ chi phí năm trước liền kề theo kết quả kinh doanh đã gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp). Căn cứ Bảng phân bổ, Chi nhánh xác định số thuế GTGT đầu vào đối với hoạt động kinh doanh vận tải chuyển về Công ty để Công ty kê khai khấu trừ tại trụ sở chính và xác định thuế GTGT đầu vào đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải để Chi nhánh kê khai khấu trừ tại cơ quan thuế địa phương.

 

2. Về kê khai và nộp thuế TNDN:

 

Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội thực hiện kê khai, nộp thuế TNDN tại trụ sở chính đối với 2 hoạt động: hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải phát sinh tại chi nhánh, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc.

 

5. Công văn số 81/TCT-DNL ngày 07/01/2016 về hướng dẫn khai thuế GTGT.

 

Trường hợp 3 Tổng công ty VNPT-Net, VNPT-Vinaphone, VNPT-Media và Công ty VNPT-I có các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn với trụ sở chính, các đơn vị hạch toán phụ thuộc thực hiện thông báo phát hành và sử dụng hóa đơn riêng nhưng không có nhu cầu kê khai thuế GTGT riêng thì hàng tháng các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc lập bảng kê số liệu hàng hóa, dịch vụ mua vào và bán ra gửi trụ sở chính để tổng hợp, kê khai thuế GTGT tại trụ sở chính. Trụ sở chính có trách nhiệm tổng hợp khai thuế GTGT chung cho cả đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn.

 

6. Công văn số 91/TCT-CS ngày 08/01/2016 về hướng dẫn chuyển đổi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Trường hợp nếu Công ty đáp ứng điều kiện chuyển đổi ưu đãi thuế TNDN theo diện cơ sở sản xuất mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong Khu Công nghiệp, Công ty bắt đầu sản xuất kinh doanh từ năm 2007 và phát sinh thu nhập chịu thuế từ năm 2009 thì Công ty được chuyển sang áp dụng thuế suất thuế TNDN 15% trong 12 năm từ năm 2007 đến năm 2018; Công ty được miễn thuế TNDN 03 năm, từ năm 2009 đến năm 2011 và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp cho 07 năm tiếp theo, từ năm 2012 đến năm 2018.

 

Do công ty đã kê khai miễn thuế TNDN từ năm 2009 đến năm 2011 và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp từ năm 2012 đến năm 2014, do đó Công ty được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp 04 năm còn lại từ năm 2015 đến năm 2018.

 

Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu Công ty thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì Công ty phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi, mức miễn thuế, giảm thuế) và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng.

 

7. Công văn số 105/TCT-KK ngày 08/01/2016 về việc chứng từ luân chuyển hàng hóa công ty với đơn vị trực thuộc.

 

Trường hợp Công ty Hal Việt Nam (trụ sở chính tại Hà Nội) có thành lập Chi nhánh tại tỉnh Bắc Ninh, Chi nhánh đăng ký kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế; Công ty có dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại tỉnh Bắc Ninh và giao cho Chi nhánh quản lý thì Chi nhánh thực hiện kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại tỉnh Bắc Ninh theo quy định hiện hành.

 

Sau khi nhà xưởng của Chi nhánh tại tỉnh Bắc Ninh đi vào hoạt động sản xuất:

 

- Nếu Chi nhánh có hạch toán kế toán thì Công ty và Chi nhánh phải sử dụng hóa đơn GTGT khi điều chuyển hàng hóa giữa Công ty và Chi nhánh để Chi nhánh làm căn cứ kê khai khấu trừ thuế tại tỉnh Bắc Ninh.

 

Nếu Chi nhánh không thực hiện hạch toán kế toán, không trực tiếp bán hàng cũng như không phát sinh doanh thu bán hàng tại Chi nhánh thì: Công ty và Chi nhánh sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ khi điều chuyển hàng hóa, vật tư giữa Công ty và Chi nhánh; Công ty thực hiện kê khai thuế GTGT tập trung tại trụ sở chính và nộp thuế  GTGT cho trụ sở chính và Chi nhánh tại Bắc Ninh theo hướng dẫn tại Điểm d Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC. Trường hợp này, Công ty phải có văn bản gửi Cục Thuế thành phố Hà Nội và Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh thông báo về việc: Chi  nhánh tại tỉnh Bắc Ninh không thực hiện hạch toán, kế toán, không trực tiếp bán hàng cũng như không phát sinh doanh thu bán hàng; Công ty thực hiện kê khai thuế GTGT tập trung tại trụ sở chính và nộp thuế GTGT cho trụ sở chính và Chi nhánh theo hướng dẫn tại Điểm d Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

 

8. Công văn số 135/TCT-TNCN ngày 12/01/2016 về triển khai thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tại các Cục Thuế các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 04 đơn vị

 

Trong thời gian thí điểm, khi thu thuế của cá nhân kinh doanh, Đơn vị nhận ủy nhiệm thu thuế sử dụng chứng từ thu thuế do Đơn vị nhận uỷ nhiệm thu thuế phát hành, quản lý và sử dụng như đối với hóa đơn thông thường (theo hướng dẫn Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn phát hành, quản lý và sử dụng hoá đơn) hoặc như đối với hóa đơn điện tử (theo hướng dẫn tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn phát hành, quản lý và sử dụng hoá đơn điện tử). Trường hợp sử dụng Chứng từ thu thuế điện tử thì Đơn vị nhận uỷ nhiệm thu phải chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy nếu cá nhân kinh doanh yêu cầu. Một số nội dung cụ thể như sau;

 

1. Nội dung bắt buộc trên Chứng từ thu thuế bao gồm: tên loại chứng từ; ký hiệu chứng từ; số thứ tự chứng từ; tên liên chứng từ; tên, địa chỉ, mã số thuế của Đơn vị nhận ủy nhiệm thu và cá nhân kinh doanh; tên loại thuế phải nộp, số thuế phải nộp; số thuế đã nộp; tổng số tiền thuế đã nộp ghi bằng chữ; kỳ nộp thuế.

 

2. Phát hành Chứng từ thu thuế của Đơn vị nhận uỷ nhiệm thu

 

Đơn vị nhận uỷ nhiệm thu trước khi sử dụng Chứng từ thu thuế cho việc thu thuế phải lập và gửi Thông báo phát hành Chứng từ thu thuế (theo mẫu số 3.5 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC hoặc mẫu số 2 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC), Chứng từ thu thuế mẫu cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

 

3. Báo cáo tình hình sử dụng Chứng từ thu thuế: trong kỳ không sử dụng Chứng từ thu thuế.

 

II. THÔNG TƯ

 

Ngày 31/12/2015, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 218/2015/TT-BTC về việc Hướng dẫn chính sách và quản lý thuế đối với thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo VTCA