Bản tin thuế Số 04 tháng 04 năm 2016

04/23/2016 11:19:07 AM
Hội Tư vấn thuế Việt Nam trân trọng gửi tới Quý bạn đọc bản tin thuế số 04 tháng 04 năm 2016

 

1. Công văn số 1518/TCT-CS ngày 12/04/2016 về thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động sản xuất tôm giống

 

Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động sản xuất giống thủy sản (tôm giống) thuộc hoạt động sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; thu nhập từ hoạt động sản xuất giống thủy sản được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10%.

 

2. Công văn số 1519/TCT-CS ngày 12/04/2016 về chính sách thuế TNDN

 

Trường hợp Công ty mua trong nước và nhập khẩu thuốc lá lá chưa tách cọng về tách cọng thành thuốc lá lá đã tách cọng thì là sản phẩm mới qua sơ chế thông thường, không được xem là hoạt động chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Do đó thu nhập từ thuốc lá lá đã tách cọng bán trong nước và xuất khẩu không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản.

 

Thuốc lá sợi bán trong nước và xuất khẩu, thuốc bao xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB do vậy thu nhập từ thuốc lá sợi bán trong nước và xuất khẩu, thuốc bao xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng điều kiện tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm (giá thành sản xuất hàng hóa, sản phẩm) từ 30% trở lên.

 

3. Công văn số 1547/TCT-KK ngày 13/04/2016 về đôn đốc Doanh nghiệp thực hiện nộp thuế TNDN theo quy định tại Luật Quản lý thuế

 

(1) Về việc đôn đốc doanh nghiệp nộp quyết toán thuế TNDN năm 2015

 

a) Tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế năm 2015 theo đúng quy định...đôn đốc doanh nghiệp nộp Tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2015 và Báo cáo tài chính năm 2015  kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; thực hiện xử phạt nghiêm đối với các doanh nghiệp nộp chậm, không nộp Tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2015

 

b) Căn cứ số thuế TNDN phải nộp trên Tờ khai quyết toán và số thuế TNDN đã tạm nộp quý: kiểm tra, xác định, đôn đốc doanh nghiệp nộp tiền chậm nộp

 

(2) Đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nộp thuế TNDN tạm nộp hàng quý năm 2016.

 

Căn cứ cơ sở dữ liệu quản lý thuế của ngành, tình hình kê khai, nộp thuế TNDN và thuế GTGT; định kỳ hàng quý, chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế quý, cơ quan thuế có trách nhiệm xác định "Danh sách Doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh dự kiến số thuế TNDN tạm nộp hàng quý " để thực hiện rà soát, đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp tạm nộp thuế TNDN đúng với phát sinh thực tế nhằm đảm bảo kịp thời huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước

 

4. Công văn số 1558/TCT-DNL ngày 14/04/2016 về thực hiện hóa đơn điện tử

 

Tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng HĐĐT bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:

 

“Một số trường hợp hóa đơn điện tử không có đầy đủ các nội dung bắt buộc được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.”

 

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, hóa đơn điện tử của Cục đăng kiểm Việt Nam sử dụng cho dịch vụ kiểm tra và chứng nhận chất lượng xe cơ giới nhập khẩu không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua.

 

5. Công văn số 1564/TCT-DNL ngày 14/04/2016 về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

 

Về nguyên tắc Công ty chỉ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2015 các khoản chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của năm 2015.

 

Tuy nhiên, theo nội dung công văn số ACC23022016 ngày 23/02/2016 của Công ty thì năm 2015 Công ty thành lập tổ chức công đoàn theo yêu cầu của Liên Đoàn lao động Quận 1, Công ty đã đóng kinh phí công đoàn năm 2013, năm 2014 theo quy định của Luật Công Đoàn và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP vào năm 2015. Do Công ty đóng kinh phí công đoàn theo yêu cầu của Liên đoàn Lao Động Quận 1 vì vậy trường hợp Công ty thực hiện đúng theo quy định của Luật Công Đoàn Nghị định số 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì phần trích nộp kinh phí công đoàn cho người lao động theo quy định năm 2013, 2014 và năm 2015 được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2015.

 

6. Công văn số 1566/TCT-DNL ngày 14/4/2016 về hướng xử lý đối với một số vướng mắc về chính sách thuế của các Ngân hàng thương mại

 

(1) Về tỷ lệ khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

 

Tổng cục Thuế hướng dẫn công thức xác định tỷ lệ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ áp dụng cho hệ thống Ngân hàng thương mại

 

(2) Về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của các chi phí liên quan đến máy rút tiền ATM.

 

Từ ngày 01/01/2014 trở đi, thuế GTGT đầu vào của các chi phí liên quan đến hoạt động của máy ATM không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá của tài sản cố định hoặc chi phí được trừ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

(3) Về thuế giá trị gia tăng của hàng hóa cho, biếu tặng.

 

Trường hợp khỉ Ngân hàng sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để cho, biếu, tặng khách hàng phải xuất hóa đơn và tính thuế GTGT đầu ra theo quy định.

 

(4) Về thuế nhà thầu của các khoản phí chuyển tiền ra nước ngoài

 

Về nội dung này sau khi báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có công văn số 1924/TCT-DNL ngày 20/5/2015 trả lời Cục Thuế thành phố Hà Nội để hướng dẫn.

 

7. Công văn số 5174/BTC-TCT ngày 15/04/2016 về hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử đối với hoạt động thu phí tự động không dừng.

 

(1) Về sử dụng hoá đơn, kê khai, nộp thuế của nhà đầu tư BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng:

 

a. Về hoá đơn:

 

- Đơn vị dịch vụ thu phí BOO (TASCO, VETC) trực tiếp lập HĐĐT thu phí và giao cho khách hàng sau khi đã lưu thông qua trạm trên làn thu phí (định kỳ và theo phương thức điện tử).

 

- Định kỳ, đơn vị dịch vụ thu phí BOO và nhà đầu tư BOT thực hiện đối soát dữ liệu doanh thu thu phí và lập Bảng kê thu phí. Căn cứ vào dữ liệu thu phí và Bảng kê thu phí, nhà đầu tư BOT lập hóa đơn GTGT giao trực tiếp cho đơn vị dịch vụ thu phí BOO đối với khoản doanh thu thu phí của nhà đầu tư BOT đồng thời đơn vị dịch vụ thu phí lập hóa đơn GTGT giao cho nhà đầu tư BOT đối với khoản phí dịch vụ được hưởng.

 

b. Về kê khai, nộp thuế:

 

- Đối với nhà đầu tư BOT: căn cứ hóa đơn lập cho đơn vi dịch vụ thu phí, nhà đầu tư BOT kê khai, nộp thuế GTGT đầu ra theo quy định đối với khoản tiền phí thu được của nhà đầu tư BOT.

 

- Đối với đơn vị dịch vụ thu phí BOO: kê khai thuế GTGT đầu ra đối với khoản phí dịch vụ được hưởng, không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với khoản tiền thu phí từ khách hàng thu hộ nhà đầu tư BOT.

 

(2) Về chữ ký điện tử của người mua trên HĐĐT:

 

Trường hợp Công ty TASCO là đơn vị dịch vụ thu phí BOO sử dụng HĐĐT trong hoạt động thu phí tự động không dừng thì trên HĐĐT không phải có chữ ký điện tử của khách hàng. Công ty không phải nhận lại HĐĐT đã gửi cho khách hàng.

 

(3) Về văn bản thoả thuận khi điều chỉnh HĐĐT:

 

Trường hợp HĐĐT đối với hoạt động thu phí tự động không dừng đã lập sau đó phát hiện sai sót theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì các bên không phải lập văn bản thoả thuận để xác nhận sai sót có chữ ký của người mua và người bán mà chỉ lập HĐĐT điều chỉnh sai sót theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

 

Doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của số liệu kê khai, báo cáo.

 

8. Công văn số 5181/BTC-TCT ngày 15/04/2016 về chính sách thuế đối với thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản.

         

(1) Xác định nguyên liệu đầu vào của hoạt động chế biến nông sản, thủy sản được ưu đãi thuế TNDN.

         

Từ kỳ tính thuế năm 2015, doanh nghiệp có hoạt động chế biến nông sản, thủy sản đáp ứng các điều kiện sau thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản:

 

+ Tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm (giá thành sản xuất hàng hóa, sản phẩm) từ 30% trở lên. Nguyên liệu đầu vào của hoạt động chế biến nông sản, thủy sản phải là nông sản, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường (bao gồm cả phụ phẩm của quá trình sơ chế nông sản, thủy sản). Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, tách hạt, tách cọng, cắt, xay, băm, bóc vỏ, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, vỡ mảnh, đánh bóng hạt, hồ hạt, đóng hộp kín khí hoặc được bảo quản thông thường như bảo quản lạnh (ướp lạnh đông lạnh), bảo quản bằng hình thức khác không trái những quy định, hướng dẫn hoặc tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật do cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành.

 

+ Sản phẩm, hàng hóa từ chế biến nông sản, thủy sản không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Tài chính.

 

(2) Xác định việc ưu đãi thuế TNDN đối với hoạt động chế biến nông sản, thủy sản

 

(i) Ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện ưu đãi.

 

Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện ưu đãi khác thì tiếp tục áp dụng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác đồng thời được áp dựng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng chế biến nông sản, thủy sản theo quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và Thông tư số 96/2015/TT-BTC.

 

(ii) Ưu đãi thuế TNDN đối với trường hợp thuê gia công chế biến nông sản, thủy sản.

 

- Trường hợp doanh nghiệp chế biến nông sản, thủy sản trong quá trình chế biến có đi thuê gia công chế biến thì thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của doanh nghiệp thuê gia công được ưu đãi thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện:

 

+ Tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm (giá thành sản xuất hàng hóa, sản phẩm) từ 30% trở lên.

 

+ Sản phẩm, hàng hóa từ chế biển nông sản, thủy sản không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Tài chính.

 

- Trường hợp doanh nghiệp nhận gia công chế biến nông sản, thủy sản cho bên đi thuê gia công được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản nếu đáp ứng các điều kiện:

 

+ Tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản do doanh nghiệp nhận gia công trực tiếp đưa vào phục vụ quá trình gia công chế biến tại doanh nghiệp nhận gia công (không bao gồm giá trị nguyên liệu là nông sản, thủy sản của bên đi thuê gia công) trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm (giá thành sản xuất hàng hóa, sản phẩm) của doanh nghiệp nhận gia công từ 30% trở lên.

 

+ Sản phẩm, hàng hóa từ chế biến nông sản, thủy sản không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Tài chính thì được ưu đãi thuế TNDN.

 

 - Trường hợp doanh nghiệp thương mại thu mua nguyên vật liệu là nông sản thủy sản về để bán thì thu nhập từ hoạt động kinh doanh nông sản, thủy sản không được hưởng ưu đãi thuế TNDN (không phân biệt có hay không đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 2, Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP nêu trên).

Theo VTCA