Bản tin thuế đầu năm Bính Thân

02/15/2016 11:03:56 AM
Hội tư vấn thuế Việt Nam xin trân trọng gửi đến bạn đọc tóm tắt một số quy định mới của chính sách thuế đã có hiệu lực trong năm 2015 và sẽ áp dụng kể từ 01/01/2016.

 

 

I. Thuế TNDN

 

1. Phương pháp tính thuế TNDN: Quy định về kê khai, nộp thuế TNDN đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại nước ngoài.

 

2. Xác định thu nhập tính thuế: các loại thu nhập từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia thực hiện dự án đầu tư, nếu bị lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi bù trừ vẫn còn lỗ thì tiếp tục được chuyển sang các năm tiếp theo trong thời hạn chuyển lỗ theo quy định.

 

3. Thời điểm xác định doanh thu để tính thuế TNDN đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua.

 

4. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

 

- Được tính vào chi phí phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường; Hồ sơ xác định giá trị tổn thất được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu và không phải xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn, Ban quản lý Khu CN…

 

- Chi khấu hao tài sản cố định phục vụ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ như: thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị, nội thất, máy, thiết bị là tài sản cố định dùng để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

 

- Chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá đã được Nhà nước ban hành định mức sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế;

 

- Chi trả tiền thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế thì chỉ khi doanh nghiệp đã nộp thuế thay cho cá nhân mới được tính vào chí phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản và thuế nộp thay;

 

- Chi cho người lao động là chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam về chỗ ở thì tiền thuê nhà đó được tính vào chi phí được trừ;

 

- Chi trang phục cho người lao động cả bằng tiền và hiện vật thì được tính vào chi phí được trừ, mức chi tối đa bằng tiền không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm, bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ (không khống chế);

 

- Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ; nếu khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp khi đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ;

 

- Chi của người lao động đi công tác bằng thẻ ngân hàng do cá nhân là chủ thẻ, sau đó được doanh nghiệp thanh toán lại cho người lao động, theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ;

 

- Chi trả tiền điện, tiền nước trong trường hợp doanh nghiệp thuê địa điểm sx-kd trực tiếp thanh toán tiền điện, nước cho nhà cung cấp điện, nước phải có các hoá đơn thanh toán tiền điện, nước và hợp đồng thuê; trường hợp doanh nghiệp thanh toán tiền điện, nước với chủ sở hữu cho thuê phải có chứng từ thanh toán tiền điện, nước đối với người cho thuê địa điểm sx-kd phù hợp với số lượng điện, nước thực tế tiêu thụ và hợp đồng thuê địa điểm;

 

- Doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, có phát sinh khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ;

 

- Chi phí tài trợ cho giáo dục nếu không đúng đối tượng quy định hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN;

 

- Chi tài trợ làm nhà cho người nghèo, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết phải có biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện nhà tài trợ, bên nhận tài trợ;

 

- Khoản chi tài trợ xây dựng cầu mới dân sinh ở địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt được hạch toán vào chi phí;

 

 - Các khoản chi có tính chất phúc lợi, chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí được trừ không vượt quá 1 tháng lương thực tế bình quân trong năm của doanh nghiệp;

 

5. Thu nhập được miễn thuế:

 

- Thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã; thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản của doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp được ưu đãi thuế khi tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm từ 30% trở lên và không thuộc diện chịu thuế TTĐB;

 

- Thu nhập của Văn phòng Thừa phát lại trong thời gian thí điểm theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

 

6. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp:

 

- Từ ngày 01/01/2016, doanh nghiệp thuộc diện đang áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%.

 

- Doanh nghiệp có dự án đầu tư đang được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% thì kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 được chuyển sang áp dụng mức thuế suất 17% cho thời gian còn lại.

 

II. Điểm mới về Thuế GTGT

 

-  Thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác được bổ sung vào đối tượng không chịu thuế.

 

- Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được bổ sung vào đối tượng không chịu thuế.

 

- Bên đi vay khi thực hiện thủ tục bàn giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng thì không phải xuất hóa đơn GTGT.

 

- Bổ sung doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT vào công thức tính phân bổ để xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

 

- Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ bán trong nước thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT cho hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên.

 

III. Thuế TNCN

 

- Về việc xác định đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán

 

Từ năm 2015 cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) nộp thuế theo phương pháp khoán là cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề  trừ cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế theo từng lần phát sinh, cho thuê tài sản, đại lý bán đúng giá.

 

- Về việc xác định doanh thu tính thuế có sử dụng hoá đơn đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán

 

Từ ngày 01/01/2016, cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn thì doanh thu tính thuế được căn cứ vào doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn.

 

- Về việc cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề

 

Cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh nhiều ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo từng ngành nghề. Trường hợp không xác định riêng được từng ngành nghề thì cơ quan thuế được quyền ấn định doanh thu khoán của từng ngành nghề.

 

- Về việc điều chỉnh doanh số khoán

 

Cá nhân nộp thuế khoán có thay đổi về hoạt động kinh doanh thì phải khai điều chỉnh để cơ quan thuế xác định lại doanh thu khoán, mức thuế khoán và các thông tin khác.

 

- Đối với cá nhân cho thuê tài sản:

 

- Bên thuê tài sản khai và nộp thuế thay nếu trong hợp đồng có thoả thuận bên thuê là người nộp thuế.

 

- Cá nhân khai thuế theo từng hợp đồng, hoặc khai thuế cho nhiều hợp đồng trên một tờ khai nếu tài sản cho thuê tại địa bàn có cùng cơ quan thuế quản lý.

 

- Cá nhân cho thuê tài sản được lựa chọn khai thuế theo từng kỳ thanh toán hoặc khai thuế một lần theo năm, không phải quyết toán thuế đối với doanh thu cho thuê tài sản.

 

- Về việc khai thuế tại Công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp: Doanh nghiệp thực hiện khai thuế theo tháng hoặc quý và không phải khai quyết toán thuế đối với nghĩa vụ khấu trừ thuế TNCN của các cá nhân làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp.

 

- Về một số nội dung khác trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh: Cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp

 

- Sửa đổi, Bổ sung khác về Chính Sách Thuế TNCN:

 

+ Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc, không có tích lũy về phí bảo hiểm thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. 

 

+ Khoản chi về phương tiện đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

 

+ Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản tiền chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

 

+ Không tính vào thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn đối với lợi tức của doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên.

 

+ Đối với doanh thu, thu nhập nhận được bằng ngoại tệ phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo quy định.

 

+ Cá nhân không phải quyết toán thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ bảo hiểm không bắt buộc do người sử dụng lao động mua và đóng góp cho người lao động đã khấu trừ thuế 10%.

 

+ Trường hợp người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam nhưng trước khi xuất cảnh chưa làm thủ tục quyết toán thuế thì có thể uỷ quyền quyết toán thuế.

 

+ Các mẫu biểu, tờ khai tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC đã thay thế toàn bộ mẫu biểu, tờ khai tại Thông tư 156/2013/TT-BTC.

 

IV. Thuế TTĐB (TT 195/2015/TT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2015)

 

1. Bổ sung quy định mới về giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) do cơ sở kinh doanh nhập khẩu bán ra.

 

2. Sửa đổi tỷ lệ % khống chế về giá làm căn cứ tính thuế  TTĐB so với giá bán của cơ sở kinh doanh thương mại từ 10% xuống 7%, đồng thời làm rõ cách xác định thế nào là cơ sở kinh doanh thương mại.

 

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế đối với trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại, cụ thể như sau:

 

Đối với cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu

 

Đối với cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán trong tháng của cùng loại sản phẩm do cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.

 

4. Bổ sung làm rõ giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, cụ thể như sau:

 

Riêng đối với mặt hàng thuốc lá giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm cả khoản đóng góp bắt buộc và kinh phí hỗ trợ quy định tại Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

 

5. Bổ sung về trường hợp không thuộc diện chịu thuế TTĐB, cụ thể như sau:

 

- Hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hoá từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hoá được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ hai loại hàng hóa sau: hàng hóa được đưa vào khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan có dân cư sinh sống, không có hàng rào cứng và xe ô tô chở người dưới 24 chỗ.

 

- Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch và tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.

Theo VTCA