Bổ sung mức thuế tuyệt đối để giảm tiêu dùng thuốc lá

07/10/2018 10:07:47 AM
Đó là ý kiến của ông Rijo M.John, Viện Công nghệ Ấn Độ Jodhpur, chuyên gia và là người có nhiều kinh nghiệm về thuế thuốc lá tại một số quốc gia như Ấn Độ, Ghana, Campuchia.
Chính sách thuế cần được đẩy mạnh
Chính sách thuế cần được đẩy mạnh để giảm tiêu dùng thuốc lá ở các nước đang phát triển.

 

Theo ông, việc bổ sung mức thuế tuyệt đối với thuốc lá ở Việt Nam là rất phù hợp, có tác động tới giảm tỷ lệ tiêu dùng. Tuy nhiên thuế tuyệt đối có điểm yếu là nếu giữ nguyên mức thuế, theo thời gian do lạm phát và thu nhập tăng lên thì tác động đó sẽ giảm đi. Do vậy, ông Rijo M.John cho rằng, bổ sung thuế tuyệt đối nhưng cần phải điều chỉnh định kỳ để đảm bảo tác động của nó tới tiêu dùng.

PV: Xin ông cho biết về xu hướng sản xuất, tiêu dùng thuốc lá trên thế giới hiện nay và chính sách thuế thuốc lá có cần điều chỉnh tương ứng với các thay đổi này không?

- Ông Rijo M.John: Nếu nhìn vào số liệu quốc tế có thể thấy, tỷ lệ hút thuốc ở nhiều quốc gia đã giảm. Tuy nhiên về tiêu dùng vẫn tăng, nhất là có sự chuyển dịch tỷ lệ hút thuốc, ở các nước phát triển giảm nhưng ở các nước đang phát triển vẫn có xu hướng tăng. Quan điểm của tôi, chính sách thuế cần được đẩy mạnh hơn nữa để giảm tiêu dùng ở các nước đang phát triển.

PV: Ông có thể cho biết về xu hướng điều chỉnh thuế thuốc lá trên thế giới để giảm sử dụng thuốc lá trong thời gian vừa qua?

- Ông Rijo M.John: Các nước trên thế giới đang chuyển sang bổ sung thuế tuyệt đối để có thể có hiệu quả hơn đối với việc giảm tiêu dùng, một số nước chuyển sang thuế hỗn hợp, tức là có thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ, một số nước chỉ sử dụng thuế tuyệt đối. 

 Ông Rijo M.John

 Ông Rijo M.John



PV: Có ý kiến cho rằng tăng thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm trong ngành trồng trọt và sản xuất thuốc lá, cũng như các ngành bán buôn, bán lẻ và các ngành kinh tế khác. Ông có bình luận thế nào về ý kiến này?

- Ông Rijo M.John: Tăng thuế có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm là luận điểm khá phổ biến được đưa ra, nhưng điều này không đúng vì chỉ có một số ít quốc gia có tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp này cũng như tỷ lệ nông dân trồng thuốc lá cao, còn trên thực tế ở các nước thì tỷ lệ này tương đối thấp. Người nông dân không chỉ dựa vào cây thuốc lá mà còn dựa vào rất nhiều sản phẩm khác để sinh sống. Thứ nữa, khi người tiêu dùng giảm sử dụng thuốc lá thì họ sẽ chuyển dịch tiêu dùng sang các ngành khác, do đó sản lượng của các ngành sản xuất khác lại tăng lên, kéo theo lao động tăng. Cho nên, ảnh hưởng của việc tăng thuế thuốc lá tới nền kinh tế là tích cực và lâu dài.

PV: Là chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông có thể cho biết, ngoài biện pháp tăng thuế còn có những biện pháp nào khác để giảm số người hút thuốc lá? Thuế thuốc lá có phải là biện pháp hiệu quả nhất để giảm hút thuốc hay không?

- Ông Rijo M.John: Đây là câu hỏi rất thú vị. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, đánh thuế là biện pháp hiệu quả nhất trong việc giảm tiêu dùng. Tất nhiên không phải chỉ có đánh thuế mới có thể giảm tiêu thụ thuốc lá, bởi vì chúng ta còn có những biện pháp khác, như cảnh báo bằng hình ảnh, cấm quảng bá thuốc lá và các biện pháp khác nữa.

PV: Vậy ông có thể chia sẻ thông tin về chính sách thuế thuốc lá của Ấn Độ trong thời gian vừa qua và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam?

- Ông Rijo M.John: Tỷ lệ hút thuốc lá ở Ấn Độ giảm nhiều trong 6 năm qua. Đó là nhờ mức thuế những năm qua tăng khá cao. Một nguyên nhân nữa là việc cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, tỷ lệ bao phủ hình ảnh trên bao thuốc lá ở Ấn Độ là 85%. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho Chính phủ Ấn Độ về các biện pháp phòng chống thuốc lá.

PV: Hiện nay, Bộ Tài chính Việt Nam đang dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại dự thảo lấy ý kiến có đề xuất áp dụng bổ sung thuế tuyệt đối đối với thuốc lá sản xuất trong nước và nhập khẩu, bên cạnh thuế tỷ lệ phần trăm hiện hành. Ý kiến của ông về đề xuất này như thế nào?

- Ông Rijo M.John: Việc bổ sung chính sách thuế tuyệt đối đối với thuốc lá ở Việt Nam là rất phù hợp, có tác động giảm tỷ lệ tiêu dùng, tuy nhiên thuế tuyệt đối có điểm yếu là nếu chúng ta giữ nguyên mức thuế, theo thời gian do lạm phát và thu nhập tăng lên thì tác động đó sẽ giảm đi. Tôi đồng ý bổ sung thuế tuyệt đối nhưng khi chúng ta thiết lập được cơ chế thuế như vậy thì cần phải điều chỉnh định kỳ để đảm bảo tác động của nó tới tiêu dùng.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thời báo Tài chính