Chủ tịch VTCA: "Cần xem xét bổ sung một số chi phí được trừ làm căn cứ tính thuế TNDN"

03/31/2020 09:07:55 AM
Theo Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), cần xem xét bổ sung một số chi phí được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như Nghị định của Chính phủ đã cho phép khoản hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt của doanh nghiệp để doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19

 

Để giúp các doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở dùng tiền thuế, tiền thuê đất giãn nộp để làm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh vượt qua dịch bệnh, Bộ Tài chính dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuê và tiền thuê đất với tổng số tiền thuế gia hạn là 80.200 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, đây được xem là giải pháp kịp thời, phù hợp trong lúc dự toán thu, chi NSNN năm 2020 chưa được điều chỉnh. Số tiền 80.200 tỷ đồng là số gia hạn nộp vẫn cố gắng thu trong năm 2020 để không vượt tài khóa năm 2020.

Tuy nhiên, khoản thất thu thực tế do dịch Covid 19 mang lại là quá lớn vì suy thoái, sụt giảm về kinh tế của doanh nghiệp tương ứng với thất thu, hụt giảm 10% thuế GTGT và các ngành đang nộp thuế TNDN chiếm tỷ trọng trong số thu NSNN sẽ không còn thuế TNDN để nộp.

Về đối tượng gia hạn thuế GTGT, TNDN đối với các doanh nghiệp, tổ chức và gia hạn thuế GTGT, TNCN đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề với dịch Covid-19 như: hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; vận tải; dịch vụ ăn uống; du lịch…  theo  dự thảo của Nghi định  của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp.

Nói cách khác, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình này được chiếm dụng 80.200 tỷ đồng tiền thuế để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giả dụ lãi suất tiền vay 8% /năm thì bằng gói giải pháp này Chính phủ đã giảm chi phí cho doanh nghiệp gần 3.000 tỷ đồng lãi vay ngân hàng. Như vậy, Chính phủ đã giành khó khăn về mình để sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp. Chưa tính đến tiền chậm nộp 5 tháng do gia hạn  được miễn là  trên 3.600 tỷ đồng =  (80 200 tỷ x 30 ngày x 5 tháng x 0,03%).

Bà Nguyễn Thị Cúc đánh giá, giải pháp này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có thêm nguồn lực tài chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong mua dịch bệnh và hỗ trợ thị trường góp phần đạt mục tiêu ổn định, phát triển kinh tế năm 2020 được Quốc hội thông qua.

Có thể khẳng định rằng, giải pháp này có tính thực tiễn, khả thi cao  và sẽ được áp dụng rộng rãi cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. 

"Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nghỉ, giảm ngày làm việc dẫn đến thu nhập thấp, không còn hoặc giảm thuế TNCN... tất cả đều đè lên gánh nặng thu NSNN. Trong lúc Việt nam đã tăng chi rất lớn để khắc phục hậu quả Covid 19 với tất cả sự gồng mình của NSNN nhưng vẫn đầy tính nhân văn và nghĩa đồng bào. Theo đó, doanh nghiệp, người nộp thuế cũng cần chung tay, sẻ chia với với đất nước, với chiếc bánh thu NSNN đang giảm giần và chi thì phình to ra"-  Bà Cúc chia sẻ.

Theo tôi, tại thời điểm này việc thuế GTGT, thuế TNDN, tiền thuê đất là 5 tháng là phù hợp. Tuy nhiên nếu chưa đẩy lùi được dịch bênh thì có thể nghiên cứu  xem xét giải quyết gia hạn tiếp cho doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, bà Cúc đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc nghiên cứu có thể trình Chính phủ cho phép bổ sung khoản hỗ trợ của các tổ chức sản xuất kinh doanh bằng tiền, hiện vật nhằm đẩy lùi, khắc phúc dịch Covid -19. Nếu có đủ chứng từ hợp lệ thì được tính vào chi phí được trừ làm căn cứ tính thuế TNDN như Nghị định của Chính phủ đã cho phép khoản hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt của doanh nghiệp đã được trừ vào chi phí tính thuế, để khuyến khích các doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ tạo thêm nguồn lực tài chính đẩy lùi Covid 19  trong giai đọan khó khăn này.

Theo Tạp chí Tài chính doanh nghiệp