Chủ tịch VTCA: Nên xem xét giảm thuế GTGT, tiền thuê đất cho doanh nghiệp

7/8/2021
TCDN - Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) kiến nghị nên giảm thuế GTGT, tiền thuê đất vì rất hữu ích đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giữ được sự ổn định trong thời gian dịch bệnh đang bùng phát mạnh và có thể phục hồi sau khi dịch bệnh qua đi.

Liên quan đến gói hỗ trợ miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, người dân Bộ Tài chính đang trình Chính phủ, bà Nguyễn Thị Cúc nhận định, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã thực hiện ở những gói hỗ trợ trước đây. Chính sách này chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp có lãi, còn đối với các doanh nghiệp khó khăn thì họ vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) khi có doanh thu.

“Việc giảm thuế GTGT có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Theo dự thảo Nghị quyết, đối với các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng sẽ được giảm 50% thuế GTGT và 50% thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Còn đối với doanh nghiệp có khó khăn, dự thảo đề xuất giảm 30% thuế GTGT. Bộ Tài chính nên cân nhắc mức giảm 30%, hoặc có thể cho giảm 50% giống như đối với hộ kinh doanh”, bà Cúc kiến nghị.

Tuy nhiên, Chủ tịch VTCA cũng cho rằng việc giảm thuế GTGT, dù ở mức 30% hay 50% thì rất hữu ích đối với doanh nghiệp, vì dù doanh nghiệp không có lãi, nhưng cứ có doanh thu là phải nộp thuế. Khi giảm thuế đối với thuế GTGT thì nó sẽ có tác dụng thiết thực cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam.

Bên cạnh đó theo bà Cúc, ngoài thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN của hộ cá nhân kinh doanh, thì còn tiền thuê đất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch dịch vụ lưu trú cũng nên được hỗ trợ vì họ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh không hoạt động được, nhưng họ vẫn phải trả tiền thuê đất. Do vậy, vừa qua Nghị định 52/2021/NĐ-CP có gia hạn tiền thuê đất, nhưng vẫn phải nộp, rõ ràng là họ cũng rất khó khăn.

“Do đó, theo tôi nên xem xét giảm tiền thuê đất đối với các trường hợp thuê đất của nhà nước, mức giảm tiền thuê đất tương ứng với thời gian giãn cách để phòng chống dịch, qua đó giảm thiểu phần nào khó khăn cho doanh nghiệp để họ có thể phục hồi sớm khi dịch bệnh được kiểm soát trở lại”, bà Cúc cho biết.

Cùng với đó, theo bà Cúc doanh nghiệp cũng cần bố trí, sắp xếp lại sản xuất, làm thế nào đó để nắm bắt được các chính sách hỗ trợ về thuế thông qua dịch vụ hỗ trợ về thuế của các đại lý thuế, hỗ trợ doanh nghiệp làm các thủ tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, được hưởng các chế độ ưu đãi về thuế.

Chủ tịch VTCA cho rằng, để đảm bảo chính sách thuế đi vào cuộc sống, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục để được miễn, giảm thuế. Về thủ tục, nên tiếp tục kế thừa các quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị định 52/2021/NĐ-CP để đơn giản hóa thủ tục.

Đặc biệt, chỉ cần làm một lần giấy đề nghị giảm thuế là được giảm thuế TNDN, thuế GTGT. Khi có các văn bản hướng dẫn, cần được tuyên truyền rộng rãi, đồng thời gửi đến người nộp thuế bằng thư điện tử, qua zalo, hoặc qua đại lý thuế để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp để chính sách hỗ trợ đến được với người nộp thuế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

Theo bà Cúc, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp ngày càng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Trong khi đó tất cả các chi phí về tiền lương trả cho người lao động, hoặc chi phí về khấu hao máy móc, trang thiết bị, tiền thuê mặt bằng... vẫn phải chi trả.

“Dù không có doanh thu, nhưng chi phí vẫn phát sinh. Nếu doanh nghiệp nào trước đó có nguồn lực về tài chính thì có thể cầm cự được, nhưng đa phần nhiều doanh nghiệp không phát sinh lãi, mà lỗ rất nặng. Vì vậy, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, Chính phủ cần thực hiện thêm các gói giải pháp mạnh hơn nữa, ngoài giải pháp gia hạn thuế như đã thực hiện trước đây. Việc giảm thuế cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và cấp bách, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có thể giữ được sự ổn định trong thời gian dịch bệnh đang bùng phát mạnh và có thể phục hồi sau khi dịch bệnh qua đi”, bà Cúc nhấn mạnh.

An Nhiên

 

 

Theo Tài chính Doanh nghiệp