Cục Thuế Lai Châu: Đảm bảo quyền lợi của công chức khi sáp nhập

06/12/2018 10:36:31 AM
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về việc bố trí, sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế huyện thành chi cục thuế khu vực, Cục Thuế Lai Châu đã hoàn thiện Đề án sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế giai đoạn 1 (năm 2018).
Bộ phận “một cửa” Cục Thuế Lai Châu. Ảnh: NM
Bộ phận “một cửa” Cục Thuế Lai Châu. Ảnh: NM
Đại diện Cục Thuế Lai Châu cho biết, sẽ đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức thuế sau khi sáp nhập.

Thành lập Chi cục Thuế khu vực Than Tân Uyên

Theo đề án của Cục Thuế Lai Châu, trong tháng 7/2018, sẽ sáp nhập 2 chi cục thuế là Than Uyên và Tân Uyên thành Chi cục Thuế khu vực Than Tân Uyên. Sở dĩ sáp nhập 2 chi cục thuế này vì đây là hai huyện vùng cao thuộc khu vực Tây Bắc, nằm ở phía đông nam tỉnh Lai Châu, có số thu nhỏ. Sau khi sáp nhập, diện tích tự nhiên là hơn 1,6 triệu m2; dân số khoảng trên 123.000 người; số lượng đơn vị hành chính cấp xã là 22 đơn vị.

Ông Nguyễn Mạnh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Thuế Lai Châu cho biết, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của hai huyện hiện nay tương đối ổn định, cơ sở hạ tầng hàng năm luôn được nhà nước, tỉnh quan tâm đầu tư, cơ cấu ngành, nghề phù hợp. Chính sách phát triển kinh tế của địa phương chú trọng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu tại chỗ như khai thác thủy điện nhỏ và vừa, sản xuất chế biến chè, cao su, macca,… gắn với các dịch vụ du lịch suối khoáng nóng.

Về tình hình quản lý thuế của chi cục thuế khu vực sau khi sáp nhập, đại diện Cục Thuế Lai Châu cho biết, tổng số hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là 896 hộ. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là trên 280 đơn vị. Tổng các loại thuế, phí, lệ phí và thu khác trong năm 2018 khoảng 110 tỷ đồng; năm 2019 số thu dự kiến tăng lên khoảng 126,5 tỷ đồng; năm 2020 số thu dự kiến vào khoảng 145 tỷ đồng.

Như vậy, việc sáp nhập này không ảnh hưởng đến tình hình quản lý thu, cũng như số thu so với hiện nay. Về nguyên tắc xử lý số thu trên địa bàn, ông Chiến cho biết năm 2018 và các năm tiếp theo, số thu phát sinh trên địa bàn của huyện nào sẽ nộp vào ngân sách của huyện đó, không thực hiện điều tiết số thu từ huyện này sang huyện khác.

Bố trí sử dụng  đúng người, đúng việc

Đại diện Cục Thuế Lai Châu cho biết, việc thành lập chi cục thuế khu vực phải đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế trên địa bàn; đồng thời thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 503/QĐ-TCT ngày 29/3/2010 của Tổng cục Thuế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các chi cục thuế, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Cơ cấu tổ chức bộ máy mới phải đảm bảo đầy đủ các chức năng quản lý các loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác trên địa bàn theo quy định; vận hành có hiệu quả và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc bố trí sử dụng công chức đúng người, đúng việc, tiết kiệm hợp lý, đảm bảo nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên sâu và hiệu quả công tác.

Về việc bố trí cán bộ cấp trưởng khi thực hiện sáp nhập, ông Chiến cho biết, sẽ ưu tiên bố trí các chức danh tương đương trong đơn vị, trường hợp không bố trí được thì xem xét bố trí vị trí cấp phó và được ưu tiên bố trí cấp trưởng khi đơn vị có nhu cầu. Đối với cấp phó, trong thời gian sáp nhập, số lượng cấp phó được giữ nguyên; đồng thời có kế hoạch sắp xếp lại số lượng cấp phó theo quy định.

“Trong quá trình sắp xếp công chức khi sáp nhập, nếu công chức giữ chức vụ lãnh đạo được bố trí chức vụ thấp hơn, thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đến hết nhiệm kỳ bổ nhiệm theo quy định của nhà nước. Do đó, quyền lợi của cán bộ, công chức sẽ được đảm bảo”, ông Chiến nói.

 

Theo Thời báo Tài chính