DELOITTE: THÔNG CÁO BÁO CHÍ

03/05/2016 12:50:53 PM
Hội thảo Kinh nghiệm triển khai IFRS tại các nước đang phát triển

 

Sáng ngày 8/3/2016, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Deloitte tổ chức “Hội thảo Kinh nghiệm triển khai IFRS tại các nước đang phát triển”. Tham dự Hội thảo có đại diện các vụ chức năng trực thuộc Bộ Tài chính; đại diện Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước; đại diện các Hội nghề nghiệp về kế toán – kiểm toán – thuế; đại diện các doanh nghiệp kiểm toán lớn; đại diện của Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế và Deloitte,…

 

Tại hội thảo, Ông Hans Hoogervorst - Chủ tịch Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế và Ông Stephen Taylor, Chuyên gia tư vấn cấp cao về IFRS của Deloitte sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai và áp dụng IFRS tại các nước đang phát triển cũng như kinh nghiệm áp dụng đối với Việt Nam.

 

Trong 10 năm gần đây, việc áp dụng các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) đã phát triển nhanh chóng và được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Trong số 140 quốc gia được khảo sát, có 116 nước yêu cầu toàn bộ hoặc hầu hết những doanh nghiệp nội địa áp dụng IFRS. Đa số những quốc gia còn lại cho phép áp dụng IFRS. Tất cả các tổ chức có tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới như G20, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Hội đồng Ổn định Tài chính Quốc tế (FSB) và Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) đều ủng hộ và hỗ trợ việc áp dụng IFRS trên toàn cầu.

 

IFRS đóng góp giá trị to lớn đối với tính bền vững của nền kinh tế toàn cầu: IFRS tạo sự minh bạch, đồng thời, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình bằng cách giảm bớt lỗ hổng thông tin giữa nội bộ và bên ngoài công ty. Ngoài ra, IFRS giúp các doanh nghiệp và thị trường hoạt động hiệu quả hơn nhờ có một chuẩn mực phạm vi toàn cầu và đáng tin cậy, áp dụng cho cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi. IFRS cũng hỗ trợ giảm thiểu chi phí về vốn và chi phí báo cáo.

 

Hiện nay ở Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp đang áp dụng các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) trong việc lập Báo cáo tài chính (BCTC) theo luật định, chỉ có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc niêm yết trên thị trường quốc tế lập BCTC theo IFRS. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như phục vụ cho mục tiêu kêu gọi vốn đầu tư, các doanh nghiệp cần có một bản BCTC lập theo IFRS đầy đủ, minh bạch, chính xác và có độ tin cậy cao.

 

Báo cáo “Việt Nam 2035” thực hiện bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đưa ra đề xuất rằng các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam cần thống nhất với IFRS, nhằm phát triển các thị trường vốn theo chiều sâu và thu hút hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, việc áp dụng IFRS sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng với tầm nhìn Việt Nam 2035, các chính sách của ASEAN cũng như theo kịp đà phát triển của những nền kinh tế thành công khác trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng trên thị trường phẳng toàn cầu với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

 

Nhân dịp này, ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính, phát biểu: “Song hành với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, công cụ kế toán và kiểm toán của Việt Nam cũng được cải cách và hoàn thiện phù hợp, trong đó đặc biệt là việc áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán, kiểm toán đã được Luật hóa. Trên thực tế, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã áp dụng các Chuẩn mực kiểm toán do IFAC ban hành, công bố. Đặc biệt là các Chuẩn mực kiểm toán đã được cập nhật mới, áp dụng gần như nguyên vẹn Chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay khi mà nền kinh tế thị trường đang dần được hoàn thiện, thị trường chứng khoán đang phát triển, đầu tư nước ngoài mở rộng mạnh mẽ thì yêu cầu áp dụng IFRS là sự cần thiết cấp bách, khách quan. Trong bối cảnh đó, “Chiến lược phát triển kế toán - kiểm toán Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030” đã khẳng định việc Việt Nam quyết tâm áp dụng IFRS, đồng thời Luật Kế toán 2015 cũng đã bổ sung “nguyên tắc giá trị hợp lý”. Đó chính là sự chuẩn bị chủ động, cần thiết. Tuy nhiên, kinh nghiệm áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong điều kiện nền kinh tế thị trường chuyển đổi đòi hỏi cần có lộ trình phù hợp để từng bước tiến tới áp dụng hoàn toàn IFRS là các vấn đề rất quan trọng, cần có sự tư vấn, hỗ trợ của IASB và chuyên gia của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.”

 

Ông Hans Hoogervorst, Chủ tịch Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế - phát biểu: “Một trong những câu hỏi lớn dành cho Việt Nam, hay đúng hơn là bất kỳ quốc gia nào đang cần cập nhật các chuẩn mực kế toán, là liệu có nên áp dụng IFRS hay điều chỉnh để phù hợp với những yêu cầu trong nước. Hầu hết các quốc gia đều cân nhắc trước vấn đề này, và đại đa số chọn áp dụng IFRS và không điều chỉnh gì. Tôi rất khuyết khích Việt Nam tham gia cộng đồng các quốc gia áp dụng IFRS bằng việc áp dụng nguyên vẹn bộ Chuẩn mực IFRS bởi những lợi ích mà IFRS đem lại cho nền kinh tế quốc gia. Với tư cách là Chủ tịch IASB, tôi cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong từng giai đoạn triển khai áp dụng IFRS.”

 

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam chia sẻ: “Năm 2016 ghi dấu ấn 30 năm đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam, 25 năm phát triển của ngành Kiểm toán Độc lập Việt Nam. Ngành kiểm toán độc lập đã khẳng định vai trò quan trọng cốt yếu và là công cụ không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường. Trong giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, thông qua áp dụng IFRS, nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng sẽ có thể được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế ví dụ như tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững, phát triển đội ngũ nhân sự kiểm toán,... Với kinh nghiệm dày dặn trong việc tư vấn áp dụng IFRS trên toàn cầu, Deloitte cam kết hỗ trợ Bộ Tài chính, thông qua Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, xây dựng lộ trình và triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam; đồng thời sẽ tư vấn, trợ giúp các doanh nghiệp có nhu cầu lập báo cáo tài chính theo IFRS.”./.

Theo Deloitte