Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Ngân hàng cùng phối hợp để quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử

09/28/2018 09:01:24 AM
Trao đổi với phóng viên TBTCVN ngày 13/9, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), thành viên Tổ soạn thảo Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cho biết.
Ngân hàng là nơi quản lý dòng tiền, do đó rất phù hợp để quản lý thuế TMĐT.
Ngân hàng là nơi quản lý dòng tiền, do đó rất phù hợp để quản lý thuế TMĐT.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, trình Quốc hội không còn quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin chủ tài khoản theo định kỳ. Dự thảo luật chỉ yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp việc mở tài khoản và số tài khoản gắn với mã số thuế của người nộp thuế.

PV: Thưa ông, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, trình Quốc hội có đề xuất ngân hàng thương mại phối hợp với cơ quan thuế cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng theo định kỳ. Quy định này đang có nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Lưu Đức Huy: Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa qua đã được Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có nội dung đề xuất ngân hàng thương mại cung cấp thông tin định kỳ của khách hàng để phục vụ cho việc quản lý thuế. Tuy nhiên, qua tổng hợp các ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhóm soạn thảo đã tổng hợp, báo cáo các cấp lãnh đạo điều chỉnh lại dự thảo. 
 Ông Lưu Đức Huy
 Ông Lưu Đức Huy


Theo đó, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, trình Quốc hội không còn quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin chủ tài khoản theo định kỳ. Chỉ yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp việc mở tài khoản và số tài khoản gắn với mã số thuế của người nộp thuế.

Tôi cho rằng, việc điều chỉnh như dự thảo hiện nay là phù hợp. Vì theo quy định của pháp luật hiện hành, người dân và doanh nghiệp được mở tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau. Luật Quản lý thuế hiện hành cũng có quy định người nộp thuế phải cung cấp thông tin về các tài khoản của mình cho cơ quan thuế. Bên cạnh đó, hiện nay gần 100% doanh nghiệp đang hoạt động đã thực hiện kê khai thuế điện tử. Trên cơ sở các tài khoản của người nộp thuế, cơ quan thuế ngoài việc quản lý thu thuế, còn phục vụ cho việc hoàn thuế của người nộp thuế được tốt hơn.

PV: Theo ghi nhận những phản ánh  về vấn đề này, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất cần phải có sự vào cuộc của ngân hàng trong việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, như ông đã biết, vì sao vẫn có những ý kiến khác nhau về vấn đề này?

- Ông Lưu Đức Huy: Trong các hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo luật, chúng tôi thấy rằng, về nội dung này, có ý kiến cho rằng cần sự phối hợp của ngân hàng trong việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Nhưng cũng có những ý kiến không đồng thuận. Tôi cho rằng điều này là hết sức bình thường. Tuy nhiên, qua các hội nghị lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), chúng tôi thấy về cơ bản các ý kiến đều nhất trí với đề xuất của dự thảo luật.

Đặc biệt, từ khi dự thảo luật đã được Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến và sửa đổi, hoàn chỉnh lần cuối trình Chính phủ, trình Quốc hội thì nhận được ý kiến đồng thuận rất cao. Tôi cho rằng, quy định này là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển khoa học công nghệ 4.0 hiện nay. Nó không chỉ phục vụ cho hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế, mà còn phục vụ cho chính người dân và doanh nghiệp.

PV: Là thành viên trong Ban soạn thảo Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), xin ông cho biết sự cần thiết phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành, trong đó có ngân hàng đối với hoạt động TMĐT?

- Ông Lưu Đức Huy: Để quản lý hoạt động TMĐT, Chính phủ đã giao Bộ Công thương xây dựng cơ chế chính sách để quản lý đối với hoạt động này. Hiện nay, Bộ Công thương đã có thông tư hướng dẫn đối với hoạt động TMĐT. Theo đó, đối tượng áp dụng của thông tư chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có hoạt động TMĐT; hoạt động với tên miền của Việt Nam.

Còn đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT không áp dụng tên miền của Việt Nam, thường gọi là hoạt động TMĐT xuyên biên giới, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành văn bản quy định cho phù hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình Chính phủ ban hành nghị định và đã có thông tư hướng dẫn quản lý mạng internet, mạng xã hội. 

Do đó, trong thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Tôi cho rằng, để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, thì rất cần có sự phối hợp của các bộ, ngành như tôi đã nói trên. Để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, nhất là hoạt động TMĐT xuyên biên giới, tôi cho rằng, một điều hết sức quan trọng, đó là phải quản lý được dòng tiền của tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh hoạt động TMĐT. Để quản lý được dòng tiền, thì không ai khác, cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý giao dịch tiền tệ, đó là Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.

Chính vì điều này, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động TMĐT phải phối hợp với cơ quan thuế như: Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an… để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, trong đó có hoạt động TMĐT xuyên biên giới.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thời báo Tài chính