Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020: Tranh cãi cách tính doanh thu

01/05/2021 10:32:36 AM
Chính thức có hiệu lực ngày 3/8, Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu (DT) năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
 
Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 thể hiệnsự chia sẻ của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Ảnh: Mạnh Hà

                 Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Ảnh: Mạnh Hà

 

Quy định này được kỳ vọng giúp DN giảm bớt khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, còn không ít ý kiến khác nhau về cách xác định tổng DT để DN được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này.

Việc giảm thuế TNDN, theo Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14, chỉ áp dụng cho thu nhập phát sinh trong năm 2020 của các DN có tổng DT năm không quá 200 tỷ đồng. Do đó, những trường hợp DN mới thành lập trong năm 2020 (kỳ tính thuế năm 2020 không đủ 12 tháng) sẽ được phân bổ DT theo thời gian thực tế DN hoạt động trong năm 2020. Khi quyết toán thuế TNDN, trường hợp số thuế tạm tính giảm của các quý cao hơn số thực tế được giảm, thì DN phải kê khai nộp bổ sung số tiền thuế còn thiếu và tiền chậm nộp theo quy định. Trường hợp số thuế tạm tính giảm của các quý thấp hơn số thực tế được giảm, thì cơ quan thuế xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trên cơ sở lấy ý kiến của các DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Dự thảo Nghị định vẫn còn thiếu quy định về việc xác định tổng DT trong trường hợp DN có thời gian tạm ngưng kinh doanh; chưa tính đến tình huống phát sinh là DN tự xác định DT của DN dưới 200 tỷ đồng, và đã thực hiện giảm số thuế tạm nộp, nhưng DT thực tế khi quyết toán lại trên 200 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với trường hợp DN có thời gian tạm ngưng kinh doanh, Dự thảo không quy định rõ tổng DT năm 2020 được xác định theo tổng DT thực tế, hay là tổng DT danh nghĩa (đủ 12 tháng) như trường hợp của DN mới thành lập? Trong khi đó, về bản chất, DN tạm ngưng kinh doanh vẫn được coi là có tồn tại trên thực tế. Trong trường hợp này, DN vẫn có DT trong thời gian tạm ngưng (kể cả DT bằng 0).

Do vậy, VCCI đề xuất, để tạo thuận lợi trong việc thực thi, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định xác định tổng DT năm 2020 trong trường hợp DN có thời gian tạm ngưng kinh doanh theo hướng là tổng DT thực tế của năm 2020.

Còn việc tạm nộp thuế và quyết toán thuế theo năm, theo VCCI, được hiểu là DN tự dự kiến tổng DT trong kỳ tính thuế. Nếu cho rằng DT không quá 200 tỷ đồng, thì DN tự giảm 30% số tiền tạm nộp thuế TNDN của quý. Khi quyết toán, nếu số thuế phải nộp lớn hơn số thuế tạm nộp của quý thì DN phải nộp bổ sung và tính tiền chậm nộp. Theo Nghị định 91/2014/NĐ-CP, nếu số tiền tạm nộp thấp hơn từ 20% trở lên so với số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán, thì DN phải nộp lãi chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số tạm nộp với số quyết toán. Thời gian bị phạt tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý IV đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.

Tuy nhiên, quy định của Dự thảo Nghị định chưa tính đến tình huống phát sinh là khi DN tự xác định DT của DN dưới 200 tỷ đồng, và đã thực hiện giảm số thuế tạm nộp của quý, nhưng DT thực tế khi quyết toán lại trên 200 tỷ đồng. Khi đó, ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế nộp thiếu (không được miễn giảm), DN còn phải nộp thêm tiền chậm nộp cho phần thuế không được miễn giảm này. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường như hiện nay, DT biến động liên tục khiến nhiều DN khó dự đoán được chính xác DT trong năm 2020.

Để tạo thuận lợi cho DN, VCCI khuyến nghị, Dự thảo Nghị định nên bổ sung quy định về ngưỡng DT phải nộp tiền chậm nộp (ví dụ như 300 tỷ đồng). Theo đó, nếu DT của DN trên 200 tỷ đồng nhưng dưới ngưỡng này, thì chỉ cần bổ sung số tiền thuế nộp thiếu mà không có nghĩa vụ phải trả tiền chậm nộp. Nếu DT trên ngưỡng này, DN sẽ phải bổ sung số tiền thuế còn thiếu và tính thêm tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Trái với quan điểm nêu trên, một số ý kiến đồng tình với quy định của Dự thảo Nghị định. Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, không nên tách riêng trường hợp DN có thời gian tạm ngưng kinh doanh để áp dụng cách tính tổng DT theo thực tế, mà nên tính tổng DT theo đủ chu kỳ kinh doanh là 12 tháng. Việc tách riêng như vậy gây khó áp dụng trong thực tế và không đảm bảo tính công bằng giữa các DN.

Ông Nam cũng không đồng thuận với đề xuất bổ sung quy định về ngưỡng DT phải nộp tiền chậm nộp đối với DN có DT thực tế khi quyết toán vượt trên 200 tỷ đồng so với lúc kê khai. Theo ông Nam, không nên đặt ra vấn đề này, nhất là đối với DN đã làm ăn có lãi, trong khi nhiều DN đang gặp vô vàn khó khăn vì Covid-19. Nếu bổ sung quy định này sẽ triệt tiêu ý nghĩa hỗ trợ của Nhà nước đối với những DN là đối tượng dễ bị tổn thương trước các tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, tạo điều kiện cho các DN tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, là tiền đề giúp các DN phát triển, chuyển đổi thành DN có quy mô lớn hơn, tiếp tục đóng góp lại cho ngân sách nhà nước. Chính sách giảm thuế TNDN này thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước đối với DN, bởi theo ước tính của Bộ Tài chính, việc giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng DT không quá 200 tỷ đồng sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng.

Theo Baodauthau.vn