Giảm nợ thuế thành công nhờ rốt ráo xử lý, thu hồi nợ đọng

01/22/2021 09:52:37 AM
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2020, toàn ngành thu hồi được gần 28.500 tỷ đồng tiền nợ thuế. Tính đến cuối năm 2020, tổng số tiền nợ thuế do ngành Thuế quản lý là 89.796 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Người nộp thuế làm thủ tục thuế tại bộ phận một cửa Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên
Người nộp thuế làm thủ tục thuế tại bộ phận một cửa Chi cục Thuế khu vực Phổ Yên – Phú Bình, Thái Nguyên. Ảnh: Tuấn Nguyễn
 

Theo đó, tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu là 7%; tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng thu là 4%. Đáng chú ý, có 42/63 địa phương có tổng số tiền nợ thuế giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Đã thu được gần 28.500 tỷ đồng tiền thuế nợ

Theo ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế), năm 2020, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ là một trong những nhiệm vụ chịu tác động mạnh nhất bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, toàn ngành Thuế đã thu hồi được gần 28.500 tỷ đồng tiền thuế nợ. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ gần 19.400 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế 9.100 tỷ đồng.

Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động đến phần lớn các doanh nghiệp (DN), hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ở nhiều nơi bị đình trệ. Bên cạnh đó, lũ lụt xảy ra bất thường tại các tỉnh miền Trung khiến nhiều DN thêm khó khăn, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ thuế. Tuy nhiên, để hoá giải những thách thức do tác động của thiên tai, dịch bệnh, Tổng cục Thuế đã đặt nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) trong sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho NNT được gia hạn thời hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp theo Luật Quản lý thuế và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ là công tác trọng tâm.

Cùng với đó, toàn ngành cũng đẩy mạnh xử lý, khoanh, xoá nợ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) và tăng cường quản lý, thu hồi nợ thuế, hạn chế thấp nhất nợ mới phát sinh. Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2020, bộ phận quản lý nợ các cấp trong toàn ngành đã thực hiện các biện pháp đôn đốc và thu hồi được 385.754 tỷ đồng tiền thuế mà NNT nộp sau khi đã hết thời hạn được gia hạn, chiếm 31% tổng số thu ngành Thuế quản lý năm 2020.

Thực hiện quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP và Nghị định 109/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn thời hạn nộp thuế là 87.232 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc và thu hồi được 96% số tiền thuế và tiền thuê đất hết thời gian được gia hạn vào NSNN. Còn khoảng 3.490 tỷ đồng tiền thuế nợ do NNT khó khăn chưa có nguồn nộp vào ngân sách, cơ quan thuế các cấp đang tập trung đôn đốc NNT nộp kịp thời các khoản thuế còn nợ trên vào NSNN.

42/63 địa phương có tổng số tiền nợ thuế giảm

Cùng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, toàn ngành Thuế đã khoanh, xoá nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội đối với 495.123 NNT, số tiền được xử lý là 24.155 tỷ đồng. Trong đó, xử lý khoanh nợ không còn khả năng thu đối với 442.412 NNT, tổng số tiền nợ thuế được khoanh là 22.614 tỷ đồng, bằng 129% so với nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, toàn ngành Thuế đã ban hành trên 36.959.000 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến NNT, đạt 100% số DN phải thông báo. Cơ quan thuế các cấp cũng kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Theo đó, toàn ngành đã ban hành hơn 139.000 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản; ban hành 22.659 quyết định cưỡng chế hoá đơn…

Ngoài việc đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện 714 lần công khai thông tin, số tiền nợ thuế của gần 140.000 NNT chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật để NNT nâng cao tính tuân thủ, tự giác thực hiện nghĩa vụ với NSNN, giảm tối đa nợ mới phát sinh.

Ông Đoàn Xuân Toản cho biết thêm, trong năm 2020, Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đã tập trung xây dựng Thông tư quy định hồ sơ và trình tự thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 69/2020/TT-BTC nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình quản lý và cưỡng chế nợ thuế. Đồng thời, rà soát những vướng mắc trong quá trình quản lý nợ để sửa đổi, bổ sung quy trình quản lý, cưỡng chế nợ theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu, điện tử hoá hệ thống quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả quản lý nợ thuế.

Đề cập đến nhiệm vụ công tác thu hồi hợ đọng thuế những ngày đầu năm, đại diện Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cho biết, năm 2021, Tổng cục Thuế giao bộ phận quản lý nợ thuế các cấp triển khai các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế đạt tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2020 chuyển sang. Năm 2021, tiếp tục kéo giảm nợ thuế xuống dưới 5% so với số thu vào ngân sách, không để tăng nợ mới. Tiếp tục tổ chức xử lý khoanh, xoá nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội và quy định của Luật Quản lý thuế.

Cùng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, toàn ngành Thuế đã khoanh, xoá nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội đối với 495.123 người nộp thuế, số tiền được xử lý là 24.155 tỷ đồng. Trong đó, xử lý khoanh nợ không còn khả năng thu đối với 442.412 người nộp thuế, tổng số tiền nợ thuế được khoanh là 22.614 tỷ đồng, bằng 129% so với nhiệm vụ được giao.

 

Theo Thời báo Tài chính