Hỏi - Đáp (Thuế GTGT_16.9.2014)

09/16/2014 07:06:17 PM

Câu 1:

 

Theo khoản 3, Điều 14, Chương III của TT219/2013 ngày 31/12/2013 có nội dung: 'Thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả thuế GTGT đầu vào của hoạt động đi thuê những tài sản, máy móc, thiết bị này và thuế GTGT đầu vào khác liên quan đến tài sản, máy móc, thiết bị như bảo hành, sửa chữa trong các trường hợp sau đây không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá của tài sản cố định hoặc chi phí được trừ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành: Tài sản cố định chuyên dùng phục vụ sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh; tài sản cố định, máy móc, thiết bị của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh chứng khoán, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở đào tạo; tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn'. Vậy cụm từ 'thuế GTGT đầu vào khác liên quan đến tài sản, máy móc, thiết bị như bảo hành, sửa chữa..' có bao gồm cả thuế đầu vào của sửa chữa, bảo hành tài sản đi thuê không?Ví dụ như Ngân hàng tôi đi thuê nhà làm trụ sở văn phòng, vậy thuế đầu vào của sửa chữa, tân trang lại văn phòng thuê này thì có được khấu trừ thuế không?

 

Trả lời:

 

Nội dung tại khoản 3, điều 14 Thông tư số 219/2013 mà bạn đọc trích dẫn trong thư hỏi xuất phát từ nguyên tắc chung nhất là hoạt động đầu ra chủ yếu và có doanh thu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.

 

Đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng thì hoạt động chủ yếu của họ là tín dụng (đi vay để cho vay, thu xếp vốn) và trụ sở (kể cả trụ sở đi thuê), thiết bị máy móc của họ chủ yếu là phục vụ cho hoạt động tín dụng (không chịu thuế GTGT). Trong thực tiễn thì nhiều khi trụ sở đi thuê phải sửa chữa nhiều theo nhu cầu công năng cần sử dụng, chi phí sửa chữa, cải tạo, tân trang cũng rất lớn. Vì thế, thuế GTGT đối với việc sửa chữa, cải tạo, tân trang, bảo hiểm, bảo hành,… văn phòng/trụ sở đi thuê, máy móc thiết bị của tổ chức tín dụng sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Đây chính là nội dung quy định mà Bạn đọc đang trích dẫn trong thư hỏi.

 

Câu 2:

 

Công ty chúng tôi được nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà để bán. Theo quy định tại các văn bản hướng dẫn luật thuế GTGT hiện hành thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước (không kể tiền sử dụng đất được miễn, giảm) và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật. Ví dụ : Trong năm 2014 chúng tôi chuyển nhượng dự án có tổng doanh thu là 100 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng là 30 tỷ đồng, tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước là 20 tỷ đồng. Chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, và các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh là 40 tỷ đồng, thuế GTGT đầu vào 10%, tức 4 tỷ đồng. Như vậy, chúng tôi ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN là 100 tỷ đồng. Giá tính thuế GTGT là 100 tỷ – 30 tỷ – 20 tỷ = 50 tỷ đồng. Vậy cho tôi hỏi : Thuế GTGT đầu vào của chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng và các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh là 4 tỷ đồng có được khấu trừ toàn bộ hay không? Hay phải tính tỷ lệ doanh thu chịu thuế trên tổng doanh thu để tính thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

 

Trả lời:

 

Theo quy định tại khoản 2, điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì thuế GTGT đầu vào sử dụng đồng thời cho SXKD có đầu ra chịu thuế GTGT và  không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hoá, dịch vụ bán ra không hạch toán riêng được.

 

Với trường hợp DN của Bạn như thư hỏi thì thuế GTGT đầu vào 4 tỷ đồng không được khấu trừ toàn bộ mà phải phân bổ theo tỷ lệ 50/50 (doanh thu 100 tỷ đồng nhưng không tính thuế GTGT là 50 tỷ đồng là tiền sử dụng đất nộp NSNN và chi phí giải phóng mặt bằng).

 

Câu 3:

 

Theo quy định của TT219/2013 và TT39/2014 thì cá nhân và hộ không kinh doanh sẽ không phải chịu thuế GTGT (và không được cấp hóa đơn) nếu có doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ từ 100tr trở xuống trên 1 năm. Xin cho tôi hỏi là trường hợp cá nhân làm hợp đồng thời vụ cho doanh nghiệp thì có được cấp hóa đơn nhân công để doanh nghiệp cho vào chi phí hợp lý không?

 

Trả lời:

 

Theo quy định tại khoản 1, điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:

 

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

 

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

 

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

 

…”

 

Theo quy định tại khoản 2.5, điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

 

2.5. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

 

a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.

 

…”

 

Căn cứ các quy định trên, để khoản chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho cá nhân làm hợp đồng thời vụ cho doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có chứng từ thanh toán cho người lao động hợp đồng thời vụ theo quy định của pháp luật (phiếu chi, bảng thanh toán lương,…). Người lao động làm hợp đồng thời vụ không cần mua hóa đơn của cơ quan thuế để xuất cho doanh nghiệp làm chứng từ hạch toán chi phí.

 

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài chính