"Nên thu gọn các đối tượng chịu thuế GTGT"

1/8/2021
TCDN - Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) kiến nghị, cần thu gọn lại các đối tượng chịu thuế GTGT với các tiêu chí rõ ràng để đảm bảo tính liên hoàn của chính sách thuế cũng như tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, trong những năm gần đây hệ thống pháp luật về thuế của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, có những cải cách theo thông lệ quốc tế và đã tính đến yếu tố cụ thể của Việt Nam.

“Trong quá trình thực hiện, các luật thuế đã được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, những thay đổi về thuế đôi lúc làm mất tính cơ bản của đạo luật thuế và theo đó một số luật thuế cần phải hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp”, Chủ tịch VTCA nói.

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Cúc, luật thuế GTGT là đạo luật cơ bản, chiếm số thu cao nhất. Tuy vậy, trong việc sửa đổi quy định của luật thuế này đã làm giảm đi tính liên hoàn của thuế GTGT.

 

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Bà Cúc dẫn chứng, trước đây, mặt hàng phân bón và thức ăn gia súc, là đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 5%. Với quan điểm phát triển nông nghiệp để phục vụ cho sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn muốn chuyển nhóm mặt hàng này từ chịu thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT.

Luật thuế GTGT đã sửa đổi, chuyển nhóm mặt hàng trên từ chịu thuế GTGT 5% sang diện không chịu thuế. Việc chuyển sang không chịu thuế tưởng là tốt nhưng thật ra chưa hợp lý. Bởi vì không chịu thuế GTGT thì sẽ không phải chịu thuế đầu ra nhưng lại không được khấu trừ thuế đầu vào. Điều này đã khiến cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, thức ăn gia súc gặp bất lợi, ảnh hưởng tới sản xuất.

Bên cạnh đó việc quy định thuế suất thuế GTGT được căn cứ vào nguồn gốc nguyên vật liệu làm ra sản phẩm nên chưa thật sự rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực thi.

Cụ thể, theo quy định hiện hành: sản phẩm bằng đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng... và các sản phẩm thủ công khác sản xuất, chế biến từ nguyên liệu chính là: tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng… như: rèm, mành bằng tre, trúc, nứa, chổi tre; đũa tre, đũa luồng áp dụng thuế suất 5%. Như vậy tăm tre, đũa tre, chổi tre sẽ có thuế suất 5% nhưng tăm nhựa, đũa nhựa, tăm gỗ, đũa gỗ, chổi sợi nhựa lại có mức thuế suất 10%.

“Cùng một sản phẩm tăm, đũa… nhưng lại có 2 mức thuế GTGT khác nhau vì sử dụng nguyên liệu khác nhau. Điều đó làm người nộp thuế khó tách bạch trong việc viết hóa đơn GTGT tính thuế đúng theo quy định, đặc biệt là khâu kinh doanh thương mại bán lẻ. Đơn cử như quầy hàng bán tăm, đũa nhưng lại chịu hai thuế khác nhau do nguyên liệu sản xuất ra tăm, đũa… khác nhau”, bà Cúc nói.

Chủ tịch VTCA kiến nghị: “Chúng tôi cho rằng, xu hướng hoàn thiện hệ thống chính sách thuế GTGT cần hướng đến thu hẹp dần đối tượng chịu thuế GTGT, đơn giản hóa cách phân loại thuế suất, giảm thiểu thuế suất 5% và tiến tới áp dụng thống nhất một mức thuế suất để đảm bảo tính liên hoàn của chính sách thuế.  

Nếu trong thời gian trước mắt, chưa đủ điều kiện áp dụng thống nhất được 1 loại thuế suất thuế GTGT thì nên xem xét hướng dẫn cụ thể việc xác định sản phẩm, dịch vụ không chịu thuế, không kê khai tính thuế, thuế suất 5%, thuế suất 10% một cách rõ ràng, chi tiết để người nộp thuế thực hiện thuận lợi”.

Ngoài ra theo bà Cúc nên xem xét lại Điều khoản quy định không kê khai tính thuế. Luật thuế GTGT gốc, không có Điều khoản này, nhưng trong quá trình quản lý đã bổ sung thêm nội dung: không kê khai tính thuế về mặt số học tương tự như thuế suất 0% (không nộp thuế GTGT đầu ra, được khấu trừ thuế GTGT đầu vào). Như vậy là chưa phù hợp với đạo lý của thuế GTGT.

Cùng với đó, các quy định về hoàn thuế, khấu trừ, miễn giảm thuế cần phải rõ ràng, minh bạch hơn cho người nộp thuế, cơ quan thuế dễ thực thi, thống nhất trong thực hiện.

“Việc xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện lại chính sách thuế là điều cấp thiết, làm cho chính sách ngày càng đồng bộ, kết hợp với cải cách thuế sẽ tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ. Đồng thời cũng nâng cao hiệu quả hiệu lực của công tác thuế”, Chủ tịch VTCA nhấn mạnh.

Theo Tài chính Doanh nghiệp