Sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 20

07/29/2019 08:56:11 AM
Hiện Tổng cục Thuế đã tập hợp các ý kiến vướng mắc của doanh nghiệp (DN), xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị định mới trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ trong năm nay để thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP(NĐ 20).
Tổng cục Thuế đã truy thu trên 1.400 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra
Tổng cục Thuế đã truy thu trên 1.400 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra xác định lại giá giao dịch liên kết trong 2 năm 2017 - 2018.

Trao đổi với báo chí xung quanh kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về những vướng mắc liên quan đến quy định khống chế lãi vay tại NĐ 20, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã cho biết như vậy.

Quy định khống chế lãi vay phù hợp với thông lệ quốc tế

Theo ông Đặng Ngọc Minh, nội dung NĐ 20 phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó quy định tại Khoản 3 Điều 8 NĐ 20 được xây dựng dựa trên thông lệ quốc tế, theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và G20 về việc áp dụng những chuẩn mực quốc tế chung trong việc chống xói mòn cơ sở thuế, phù hợp với đặc thù hưởng ưu đãi vùng miền, lĩnh vực của Việt Nam.

“Việc ban hành NĐ 20 theo chỉ đạo của Chính phủ là rất kịp thời, ngay trước thềm Hội nghị APEC năm 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức, đã được các nước và các tổ chức đánh giá cao. Đồng thời, đây cũng là điều kiện quan trọng để Việt Nam trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS)” - ông Minh nói.

Ông Jonathan Leigh Pemberton - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, việc các tập đoàn đa quốc gia tận dụng sự khác biệt về chính sách giữa các quốc gia để chuyển lợi nhuận là hiện tượng phổ biến nổi lên hiện nay. Trong đó, các hành vi chuyển giá thông qua các công cụ tài chính, điển hình là công cụ lãi vay. Bên cạnh đó, hành vi chuyển giá cũng có thể xảy ra đối với các DN nội địa có quan hệ liên kết đang được hưởng các ưu đãi thuế.

Xuất phát từ thực tế này, nhằm mục tiêu ngăn chặn hành vi chuyển giá thông qua chi phí lãi vay, cũng như các khoản chi phí có tính chất tương tự, OECD và G20 đã khuyến nghị áp dụng quy định khống chế chi phí lãi vay đối với các tập đoàn, công ty mẹ con, DN có giao dịch liên kết với ngưỡng giới hạn nằm trong khoảng từ 10% - 30% lợi nhuận thuần trước thuế và lãi (EBITDA). Do đó, chuyên gia của WB cho rằng, việc Việt Nam quy định khống chế ở mức 20% là phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, từ góc độ thực hiện cam kết quốc tế, quy định khống chế chi phí lãi vay tại NĐ 20 cũng là bước chuẩn bị kịp thời đối với chính sách trong nước khi Việt Nam gia nhập, trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn thực hiện các cam kết quản lý thuế quốc tế đa phương - Inclusive Framework ngày 22/6/2017, trong đó các nước cùng áp dụng quy định khống chế chi phí lãi vay nhằm chống xói mòn và bảo vệ nguồn thu quốc gia.

Sẽ xây dựng nghị định thay thế khi hướng dẫn Luật Quản lý thuế sửa đổi

Theo đại diện Tổng cục Thuế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống thuế từ nay đến cuối năm 2019 là tham mưu xây dựng các văn bản Quy phạm pháp luật thi hành Luật Quản lý thuế sửa đổi. Riêng đối với NĐ 20, ông Minh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện tổng kết 2 năm thực hiện NĐ 20 và tiến hành rà soát, đánh giá tính phù hợp của quy định về giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN (TNDN) với các quy định, thông lệ quốc tế và thực tiễn công tác quản lý thu thuế.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo về kết quả thực hiện NĐ 20, trong đó đã nêu những đề xuất, những cách thức giải quyết. Theo đó, Bộ Tài chính đang xây dựng các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trong đó có nghị định thay thế NĐ 20. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của các hiệp hội, ngành hàng, các DN về NĐ 20 nói chung và Khoản 3 Điều 8 nói riêng và sẽ báo cáo Chính phủ tại dự thảo nghị định trên” - ông Minh nói.

Cũng liên quan đến việc xây dựng nghị định thay thế NĐ 20, nhấn mạnh các giải pháp sẽ thực hiện trong 6 tháng cuối năm của hệ thống thuế, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ Tài chính, ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế sẽ tham mưu cho các cấp ban hành các văn bản thi hành Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, gồm 5 nghị định và 8 thông tư; trong đó đặc biệt là nghị định chung và nghị định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết (nghị định thay thế NĐ 20 - PV).

NĐ 20 đã góp phần tăng thu hàng nghìn tỷ đồng

Theo Tổng cục Thuế, với việc nỗ lực thực hiện NĐ 20 đã mang lại những kết quả ban đầu đáng ghi nhận, số lượng DN tự nguyện kê khai giao dịch liên kết đã tăng lên qua các năm. Đến nay, các đơn vị đã có sự chuyển biến, thay đổi rõ rệt về nhận thức, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ trong việc kê khai về đối tượng áp dụng và lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành Thuế do hầu hết các DN có phát sinh giao dịch liên kết là các đơn vị có quy mô lớn, tiềm năng phát triển cao.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, qua 2 năm (2017 - 2018) và 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và truy thu trên 41.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 5.000 tỷ đồng, giảm lỗ 86.000 tỷ đồng. Đặc biệt công tác thanh tra, kiểm tra xác định lại giá giao dịch liên kết đã phát huy hiệu quả, truy thu trên 1.400 tỷ đồng, giảm lỗ trên 13.700 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 12.000 tỷ đồng.

 

Theo Thời báo Tài chính