Sửa đổi toàn diện Luật Quản lý thuế

10/11/2018 08:41:21 AM
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 20/9 đã rà soát, sửa đổi phần lớn các quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi trước UBTVQH.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi trước UBTVQH.
Với lần sửa đổi toàn diện này, luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thuế trước tình hình mới. 

108 quy định cần được điều chỉnh

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay; đồng thời rà soát và thống nhất giữa Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan. 

Qua rà soát, có 108 điều quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều. Mặt khác có nội dung quan trọng đối với công tác quản lý thuế như: Nguyên tắc quản lý, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan có liên quan, cải cách hành chính trong quản lý thuế, chứng từ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chống chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế... cần được bổ sung, sửa đổi.  

Về quản lý thuế, các quy định cơ bản kế thừa luật hiện hành, đồng thời dự thảo luật đã bổ sung một số nguyên tắc: Áp dụng nguyên tắc bản chất quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Các quy định này góp phần tạo điều kiện tiếp cận với cơ chế quản lý thuế hiện đại và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Dự thảo luật cũng quy định đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc thu nộp, cũng như kết nối chia sẻ thông tin để quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Các nội dung quy định theo hướng chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến quản lý thuế, không nhắc lại nhiệm vụ quyền hạn đã được quy định tại các văn bản pháp luật liên quan. 

Một nội dung được quan tâm tại dự thảo luật là trách nhiệm của ngân hàng thương mại. Theo đó, dự thảo quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc thu, nộp thuế, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản... theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, dự thảo quy định cơ quan Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước. Trường hợp quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ thuế thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế.

Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý thuế 

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong tờ trình và dự thảo luật. Bên cạnh đó, UBTCNS cũng cho ý kiến về một số nội dung khác. Cụ thể, UBTCNS đề nghị bổ sung những nội dung cụ thể về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế; đặc biệt là bổ sung trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương.

Đồng thời, tại khoản 4 về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ngân hàng thương mại, UBTCNS đề nghị quy định theo hướng ngân hàng thương mại thực hiện theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, khi không có khiếu kiện của người nộp thuế. 

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH thống nhất với tính cần thiết phải sửa đổi luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, đây là luật rất quan trọng, được chuẩn bị kỹ lưỡng, nêu được nhiều vấn đề cần thiết. Những năm qua, công tác cải cách, đổi mới quản lý thuế có những bước tiến quan trọng về cải cách, hiện đại hoá ngành Thuế, giảm biên chế, giảm chi phí. Qua đó, nâng cao tính minh bạch, đáp ứng các yêu cầu cải cách tại Nghị quyết 19 của Chính phủ. Việc sửa đổi luật lần này được kỳ vọng sẽ cải thiện tốt hơn công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị phải rà soát thêm một số quy định để thống nhất với các luật hiện hành, như Luật Xử lý vi phạm hành chính.  

Ngoài ra, các thành viên UBTVQH cũng thảo luận, góp ý về một số vấn đề như quyền điều tra của cơ quan thuế, quy định về hóa đơn điện tử, về thẩm quyền xóa nợ thuế…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá đây là dự án luật quan trọng, được sửa đổi toàn diện, chi tiết. Tuy nhiên, điều quan tâm nhất là cần làm rõ những điểm mới nổi bật của dự thảo luật để khắc phục những bất cập trong quản lý thuế, ngăn chặn thất thu thuế, nợ đọng thuế… và có chế tài xử lý cụ thể những tồn tại, hạn chế lâu nay trong quản lý thuế. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh đánh giá tác động để sớm trình UBTCNS thẩm tra chính thức trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới.

 

Theo Thời báo Tài chính