Thuế Phú Thọ: Đẩy mạnh chống thất thu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh

09/13/2019 03:40:50 PM
Để đảm bảo việc thực hiện pháp luật về thuế được nghiêm minh, công bằng, công khai và minh bạch, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN), cơ quan thuế Phú Thọ đang tăng cường công tác quản lý đối với cá nhân kinh doanh với nhiều giải pháp thiết thực.

 

cc
Ước tính, thu ngân sách từ các hộ, cá nhân kinh doanh năm 2019 tăng cao hơn năm 2018.

 

Theo số liệu tổng hợp của Cục Thuế tỉnh Phú Thọ, trong năm 2019, số hộ cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh có 20.550 hộ. Trong đó, số hộ thuộc diện quản lý thu thuế là 12.663 hộ; số thuế lập bộ là 62.957 triệu đồng; ước thực hiện thu năm 2019 là 107.000 triệu đồng (bao gồm số thuế thu theo lập bộ và số thuế phát sinh do hộ sử dụng hóa đơn), tăng 15% so với năm 2018.

Tuy nhiên, công tác quản lý thu thuế cũng như kết quả thu từ lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Số thu thuế chưa tương xứng với thực tế hoạt động kinh doanh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ.

Thực tế, số ghi thu ở lĩnh vực quản lý này chỉ chiếm 1% tổng số thu NSNN trên địa bàn. Bên cạnh đó công tác quản lý, phối hợp thực hiện giữa cơ quan thuế, các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương còn chưa chủ động, quyết liệt, hiệu quả chưa cao.

Để đảm bảo việc thực hiện pháp luật về thuế được nghiêm minh, công bằng, công khai và minh bạch, góp phần tăng thu NSNN, cơ quan thuế Phú Thọ đang tăng cường công tác quản lý đối với cá nhân kinh doanh với nhiều giải pháp thiết thực.

Trong đó, cục thuế sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; triển khai trên diện rộng việc kê khai nộp thuế điện tử. Cục thuế chỉ đạo các chi cục thuế chủ động tham mưu, đề xuất với UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch chống thất thu; chấn chỉnh công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh nhất là trên địa bàn thành phố, đô thị và cơ sở kinh doanh có quy mô lớn; quản lý chặt chẽ, thu đúng thu đủ, thu kịp thời đối với các hộ kinh doanh; chống thất thu đối với các hộ khoán thu.

Đặc biệt, việc thực hiện thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; kết hợp đồng bộ, hài hòa các biện pháp thanh tra, kiểm tra, khảo sát, vận động, tuyên truyền, đấu tranh để người nộp thuế tự giác kê khai doanh thu sát với thực tế.

Chi cục thuế các huyện, thành phố, thị xã và khu vực thực hiện thường xuyên việc kiểm tra chống thất thu thuế trên lĩnh vực ăn uống, thương mại, dịch vụ; cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp có mối quan hệ trong việc cung cấp đầu ra, đầu vào).

Các chi cục thuế chủ trì cùng với cơ quan công an, quản lý thị trường thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, khảo sát tại địa bàn kinh doanh thực tế trong thời gian cao điểm, thời gian thấp điểm để xác định doanh thu bình quân, hoặc thực hiện kiểm tra, khảo sát gián tiếp thông qua dữ liệu từ nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ đầu vào, khách hàng…để xác định các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh hoặc của hộ kinh doanh cùng quy mô, ngành nghề, địa bàn, từ đó xác định mức doanh thu khoán cho phù hợp.

Đối với các chi cục thuế thực hiện sắp xếp, sáp nhập sẽ nhanh chóng ổn định tổ chức ngay sau khi được sáp nhập, không để tình trạng ngắt quãng, có khoảng trống trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyết tâm hoàn thành và vượt kế hoạch được giao trên địa bàn thuộc chi cục quản lý./. 

 

Theo Thời báo Tài chính