Tình huống thuế TNCN_Số 03.2016

06/04/2018 02:16:26 PM

Câu 1: Xin VTCA tư vấn giúp tôi tình huống như sau:

 

Một số cá nhân (cư trú và không cư trú tại Việt Nam) ký hợp đồng môi giới cho Công ty tôi bán hàng ra nước ngoài (xuất khẩu). Quá trình môi giới thực hiện tại Việt Nam. Như vậy trước khi trả hoa hồng môi giới Công ty tôi có phải khấu trừ thuế GTGT và thuế TNCN của các cá nhân cư trú và không cư trú tại Việt Nam không? Thuế suất GTGT và thuế TNCN là bao nhiêu? Nếu cá nhân không cư trú tại Việt Nam là thương nhân thì mức thuế GTGT và thuế TNCN là bao nhiêu?

 

Kính mong VTCA tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn.

 

Hội tư vấn thuế xin trả lời như sau:

 

1. Đối với cá nhân cư trú.

 

- Cá nhân cư trú không kinh doanh.

 

Theo Điều 2 Khoản 2 Điểm c Thông tư  111/2013/TT-BTC - qui định về thu nhập tiền lương tiền công.

 

“c) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.”

 

Và Điều 25 Khoản 1 Điểm i thông tư này – hướng dẫn về khấu trừ thuế TNCN.

 

“i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác

 

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.”

 

Như vậy trường hợp cá nhân không kinh doanh có thu nhập từ hoạt động môi giới, thì bên chi trả thực hiện khấu trừ 10% trước khi thanh toán tiền hoa hồng cho cá nhân đó.

 

- Cá nhân cư trú kinh doanh.

 

Điều 3 Thông tư 92/2015/TT- Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh

 

“1. Nguyên tắc áp dụng

 

a) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh gồm: cá nhân cư trú có phát sinh doanh thu kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định; cá nhân hợp tác kinh doanh với tổ chức theo hình thức xác định được doanh thu kinh doanh của cá nhân.

 

Kinh doanh không thường xuyên được xác định tùy theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực, ngành nghề và do cá nhân tự xác định để lựa chọn hình thức khai thuế theo phương pháp khoán hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này hoặc khai thuế theo từng lần phát sinh hướng dẫn tại Điều này.

 

Địa điểm kinh doanh cố định là nơi cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh như: địa điểm giao dịch, cửa hàng, cửa hiệu, nhà xưởng, nhà kho, bến, bãi, ...

 

b) Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là tổng doanh thu từ kinh doanh trong năm dương lịch...”

 

Và Điều 7. Khai thuế, nộp thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh

 

“1. Nguyên tắc khai thuế

 

a) Cá nhân nộp thuế từng lần phát sinh khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh nếu có tổng doanh thu kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng.

 

b) Cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với tổ chức, tài sản tham gia hợp tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, xác định được doanh thu kinh doanh của cá nhân thì cá nhân ủy quyền cho tổ chức khai thuế và nộp thuế thay. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân tại cơ quan thuế quản lý tổ chức.

 

2. Hồ sơ khai thuế

 

Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân nộp thuế theo từng lần phát sinh gồm:

 

- Tờ khai theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này.

 

- Bản chụp hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

 

- Bản chụp biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;

 

- Bản chụp tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất; ...”

 

Như vậy trường hợp cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu thì khai và nộp thuế tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp của cá nhân đó và gồm các hồ sơ kể trên. Thuế suất GTGT là 5%, và thuế TNCN là 2% trên doanh thu - theo phụ lục 01 của TT 92/2015/TT-BTC.

 

2. Đối với cá nhân không cư trú.

 

Theo Điều 18 Thông tư  111/2013/TT-BTC qui định về thu nhập từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân không cư trú

 

“1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (×) với thuế suất 20%.”

 

Như vậy trường hợp cá nhân không cư trú, không kinh doanh thì đơn vị chi trả khấu trừ 20% thu nhập trước khi thanh toán cho cá nhân.

 

Trường hợp cá nhân có kinh doanh nhưng không có địa điểm cố định thì khai nộp thuế nộp thuế theo từng lần phát sinh như trên. Còn cá nhân kinh doanh là đối tượng không cư trú nhưng có địa điểm kinh doanh cố định trên lãnh thổ Việt Nam thì thực hiện khai thuế như đối với cá nhân kinh doanh là đối tượng cư trú – Điểm d Khoản 1 Điều 2 TT 92: Nộp thuế theo phương pháp khoán).

 

Câu 2: Theo TT95/2015 về việc người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn thì thuộc trợ cấp không tính thuế TNCN, vậy khi người sử dụng lao động chi trả tiền cơm bằng tiền mặt cho người lao động thì có tính thuế TNCN hay không.

 

Xin cảm ơn.

 

Hội tư vấn thuế xin trả lời như sau:

 

Căn cứ quy định tại điểm g5, khoản 2, Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế, TT 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 08 năm 2013 thì:

 

Trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

 

Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 4. Hiệu lực thi hành, TT 10 /2012/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 4  năm 2012 thì từ ngày 01 tháng 5 năm 2012, Dn được thực hiện mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động không vượt quá 680.000 đồng/người/tháng. Việc thực hiện chế độ ăn giữa ca theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ Lao động-Thư­ơng binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong công ty nhà nước. 

 

Theo đó, nếu tiền chi ăn trưa cho cá nhân vượt quá 680.000 đ/tháng thì phần vượt quá sẽ chịu thuế TNCN.

 

Câu 3: Người sử dụng lao động đóng Bảo hiểm nhân thọ có tích lũy cho người lao động. Vậy trong trường hợp này, phí đóng BHNT có phải tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động hay không.

 

Xin cảm ơn. 

 

Hội tư vấn thuế trả lời như sau:

 

Tại khoản 2, Điều 14, Thông tư số 92/2015, sửa đổi khoản 6, Điều 7 của TT số111/2013/TT-BTC như sau:

 

”6. Căn cứ tính thuế đối với tiền tích lũy mua bảo hiểm không bắt buộc là khoản tiền phí tích luỹ mua bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động và tỷ lệ khấu trừ 10%.

 

Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, người lao động chưa phải tính vào thu nhập chịu thuế khi người sử dụng lao động mua bảo hiểm. Đến thời điểm đáo hạn hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua cho người lao động từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Trường hợp khoản phí tích luỹ được trả nhiều lần thì tiền thuế được khấu trừ theo tỷ lệ 10% tương ứng với từng lần trả tiền phí tích luỹ.

 

Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp trước khi trả lương cho người lao động.”

 

Như vậy, trường hợp người sử dụng lao động mua Bảo hiểm nhân thọ có tích lũy cho người lao động, thì phải tính thuế TNCN của người lao động theo quy định trên.

Theo VTCA