Tình huống thuế TNCN_Số 05.2016

06/04/2018 02:16:26 PM

Câu 1: Câu hỏi về thuế TNCN

 

- Doanh nghiệp A chi quà tết thiếu nhi cho con em nhân viên của DNA là 1.000.000đ/cháu.

 

Vậy khoản chi này có bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN không?

 

Hội Tư vấn thuế Việt Nam xin trả lời:

 

Tại tiết đ7, điểm đ, Điều 2 TT 111/2013/TT-BTC có quy định:

 

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

 

 

đ.7) Các khoản lợi ích khác.

 

Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng...

 

Vậy khoản chi: Doanh nghiệp A chi quà tết thiếu nhi cho con em nhân viên của DNA là 1.000.000đ/cháu là khoản thu nhập tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

 

Câu 2: Kính gửi hội tư vấn thuế,

 

Tôi có câu hỏi như sau:

 

Ông A là người nước ngoài sang Việt Nam làm việc từ tháng 04/2016, tới hết tháng 07/2016 thì ông A về nước. Từ tháng 04-07/2016 ông A có mặt ở VN là 109 ngày (ít hơn 183 ngày). Trong trường hợp này ông A là cá nhân không cư trú của Việt Nam và sẽ bị đánh thuế là 20% trên tổng thu nhập chịu thuế.

 

Lương của ông A có cơ cấu như sau:

 

Lương cơ bản: 100,000,000/tháng (1)

 

Trợ cấp tiền ăn: 680,000/tháng (theo quy chế công ty) (2)

 

Tiền đi lại 300,000/ tháng (theo quy chế công ty) (3)

 

Tiền làm thêm giờ trong tháng: 2,000,000 (4)

 

Tiền làm thêm giờ (phần làm thêm chênh lệch tăng): 1,000,000 (5 = 50% (4))

 

Vậy trong các khoản thu nhập trên của ông A như trên thì thu nhập nào bị đánh thuế 20%, vì sao

 

Kính mong quý Hội giải đáp thắc mắc.

 

Trân trọng,

 

Hội tư vấn thuế Việt Nam trả lời như sau:

 

Tại Điều 18 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn:

 

          “1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (×) với thuế suất 20%.

 

          2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư  trú được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ được tính xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC…”

 

Tại tiết g.5, điểm g, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn:

 

            “…Trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.”

 

            Hiện hành, theo Thông tư  số 10/2012/TT-LĐTBXH ngày 26 tháng 4 năm 2012, quy định mức ăn giữa ca 680.000 đồng/người/tháng. Theo đó, nếu doanh nghiệp chi mức 680.000 đồng/người/tháng thì không phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

 

          Tại các tiết đ.5, điểm đ, Khoản 2, Điều 2 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC, đã được sửa đổi bởi khoản 4, Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn như sau:

 

đ.5) Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón tập người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo quy chế của đơn vị.

 

* Tại điểm i, khoản 1, Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế TNCN như sau:

 

          1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

 

Căn cứ các Quy định trên, Thu nhập tính thuế TNCN của Ông A gồm lương (1) và tiền làm thêm giờ tính theo tiền lương ngày làm việc bình thường cho số giờ làm thêm.

 

Câu 3: Doanh nghiệp A có phát sinh các hợp đồng lao động dưới 3 tháng. Những lao động này đã đăng ký mã số thuế và làm cam kết thu nhập chưa đến mức chịu thuế.

 

Xin hỏi:

 

1. Doanh nghiệp A phải quyết toán thuế TNCN cho các lao động trên hay lao động thuộc đối tượng quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế?

 

Hội Tư vấn thuế Việt Nam xin trả lời:

 

Tại khoản 1, Điều 21, Thông tư 92/2015/TT-BTC có hướng dẫn:

 

1. Sửa đổi, bổ sung tiết a.3 điểm a khoản 1 Điều 16 thông tư 111/2013/TT-BTC:

 

“a.3) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có ủy quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

 

Theo quy định nêu trên thì cuối năm công ty bắt buộc phải khai quyết toán thuế TNCN cho tất cả nhân viên công ty (Kể cả những nhân viên đã nghỉ việc) và cá nhân đó có thể ủy quyền cho công ty quyết toán thay nếu chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập từ công ty.

 

2. Doanh nghiệp A có phải tổng hợp các khoản lương chi trả cho các lao động này vào các mẫu Nhóm 05 - Tổ chức, cá nhân trả thu nhập khấu trừ thuế đối với tiền lương, tiền công của thông tư 92/2015/TT-BTC để nộp cho cơ quan quản lý thuế không?

 

Doanh nghiệp Kê khai vào Phụ lục 05­2/BK­TNCN

Theo VTCA