Bản tin tổng hợp về các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19

08/05/2021 09:38:27 AM

4/8/2021



Upload file:

 

 

  1. Gói hỗ trợ viễn thông 10.000 tỉ đồng cho người dân, kéo dài trong 3 tháng

Chiều 2-8, Bộ Thông tin và truyền thông đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỉ đồng từ 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Thông tin từ Bộ Thông tin và truyền thông cho biết ngày 2-8, các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỉ đồng. Gói hỗ trợ này sẽ bắt đầu được triển khai từ ngày 5-8-2021 và kéo dài trong 3 tháng.

Đây là phương án hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp - Bộ Thông tin và truyền thông cho biết.

Cụ thể, các hình thức hỗ trợ sẽ bao gồm:

Đối với khách hàng trong toàn quốc sử dụng dịch vụ của bảy doanh nghiệp nói trên:

- Tiếp tục tăng gấp hai lần băng thông cho dịch vụ Internet cáp quang với giá không đổi nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà;

- Miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone;

- Tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới với giá không đổi;

- Giảm giá tới 50% đối với các gói cước data VX3, VX7, cụ thể: gói VX3 (6GB/3 ngày) giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng; gói VX7 (10GB/7 ngày) giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng.

Trong đó, Viettel, VNPT, MobiFone sẽ tiếp tục đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 từ việc trích 5.000 đồng với mỗi gói cước VX3/VX7 được đăng ký/gia hạn thành công.

Đối với khách hàng ở các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16/CT-TTg: tặng 50 phút gọi nội mạng.

Bên cạnh các hỗ trợ về dịch vụ viễn thông nói trên, trong thời gian tới các doanh nghiệp Viettel, VNPT, FPT, CMC sẽ chung tay cùng Bộ Thông tin và truyền thông ra mắt 17 nền tảng mới hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống dịch với giá trị ước tính gần 2.000 tỉ đồng .

  1. Giảm giá nước sạch, gía điện cho người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Tại văn bản 5257/VPCP-KTTH ngày 1/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, để hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biễn phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu:

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền và quy định pháp luật, khẩn trương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

* Trước đó, ngày 31/7/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã ký ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đối tượng được hỗ trợ giảm tiền tiện, giá điện là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố tại thời điểm ngày 30/7/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 có thu một phần chi phí của người cách ly.

  1. 07 thủ tục về BHXH, lao động - tiền lương, việc làm hỗ trợ khó khăn do Covid-19

07 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực BHXH, việc làm, lao động - tiền lương nhằm hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 được ban hành kèm theo Quyết định 777/QĐ-LĐTBXH ngày 09/7/2021 của Bộ LĐTB&XH.

Cụ thể, 07 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực BHXH, việc làm, lao động - tiền lương, bao gồm:

(1) Thủ tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất do đại dịch COVID-19

(2) Thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do đại dịch COVID-19;

(3) Thủ tục hỗ trợ người lao động ngừng việc do đại dịch COVID-19;

Đây là những thủ tục hành chính mới ban hành.

(4) Thủ tục hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch COVID-19;

(5) Thủ tục hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp do đại dịch COVID-19;

(6) Thủ tục hỗ trợ hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

(7) Thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do đại dịch COVID-19 .

Ngoài ra, bãi bỏ thủ tục hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do đại dịch COVID-19.

(Lý do bãi bỏ: Đối với chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), Nghị quyết 68/NQ-CP giao các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ (điểm 12 Mục II).

Nội dung chi tiết của từng thủ tục hành chính được hướng dẫn chi tiết tại Phần 2 Phụ lục kèm theo Quyết định 777/QĐ-LĐTBXH ngày 09/7/2021.

  1. Hồ sơ, thủ tục để doanh nghiệp được vay vốn trả lương ngừng việc

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục để người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất được quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021.

Điều kiện vay vốn

*Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi có đủ các điều kiện sau:

- Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

- Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

*Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có đủ các điều kiện sau:

- Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

+ Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022..

+ Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.

+ Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.

+ Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

- Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh:

+ Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.

+ Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.

+ Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện

- Hồ sơ đề nghị vay vốn gồm:

+ Giấy đề nghị vay vốn theo Mẫu 12a, 12b, 12c tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 23.

+ Danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội theo Mẫu 13a, 13b, 13c tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 23.

+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã/hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); Giấy phép kinh doanh/Giấy phép hoạt động/Chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc pháp luật có quy định); Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài).

+ Giấy ủy quyền (nếu có).

+ Bản sao văn bản về việc người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 (đối với vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh).

+ Phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 38 Quyết định 23.

+ Bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Quyết định 23.

- Người sử dụng lao động tự kê khai, lập danh sách, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với số lao động ngừng việc, số lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động; có trách nhiệm hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 38 Quyết định 23.

- Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động, làm căn cứ để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.

- Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị vay vốn đến Ngân hàng Chính sách xã hội nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25/3/2022.

- Trong 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động.

- Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận tái cấp vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân đến người sử dụng lao động.

 

  1. Chính sách BHXH, BHTN hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19

Tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Chính phủ đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), doanh nghiệp gặp khó khăn do Covi d-19, trong đó có 03 chính sách liên quan đến BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

 Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo đó, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, NLĐ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN cho NLĐ phòng chống đại dịch COVID-19.

Hiện nay, theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ TNLĐ, BNN như sau:

- Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH;

- Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ-BNN, nếu đủ điều kiện quy định, có văn bản đề nghị và được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Với chính sách này, người sử dụng lao động đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì:

NLĐ và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

Hiện hành, theo Luật BHXH 2014, mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ hưu trí, tử tuất như sau:

- NLĐ đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất;

- Người sử dụng lao động hằng tháng đóng bằng 14% quỹ tiền lương đóng BHXH.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng các điều kiện:

+ Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;

+ Thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động;

+ Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020;

+ Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.

Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

  1. Giảm 30 loại phí từ ngày 1.7, hỗ trợ khó khăn bởi dịch Covid-19

Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 hướng dẫn giảm 30 loại phí, lệ phí từ ngày 1.7 đến hết 31.12.2021 để tháo gỡ khó khăn cho nhiều đối tượng, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

  1. Khoản đóng góp Quỹ vắc xin Covid-19 được trừ khi tính thuế TNDN

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 41/2021/TT-BTC ngày 02/6/2021 hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 (Quỹ).

Các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ theo quy định tại Nghị định 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Theo Nghị định 44/2021, hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có:

Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 44/2021 hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

Thông tư 41/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 02/6/2021.

 

  1. Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021

Ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

(Theo Thư viện pháp luật)