Công ty đa quốc gia sẽ phải chịu mức thuế suất 15% kể từ năm 2023

10/12/2021 05:27:57 PM




(TBTCO) - Các công ty đa quốc gia sẽ phải chịu một mức thuế suất tối thiểu 15% kể từ năm 2023 - một cải cách cơ bản về hệ thống thuế quốc tế đã đạt được thỏa thuận cuối cùng vào ngày 8/10/2021, tại trụ sở Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Upload file:

Thỏa thuận lịch sử của 136/140 quốc gia

Thỏa thuận lịch sử với sự đồng thuận của 136 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu cũng sẽ phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận kiếm được của khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và lãi nhất cho các quốc gia và vũng lãnh thổ trên toàn thế giới, để đảm bảo rằng các công ty này nộp đúng số thuế phải nộp của họ tại nơi họ hoạt động và thu lợi nhuận.

Kết quả trên có được sau nhiều năm đàm phán tích cực để đưa hệ thống thuế quốc tế bước vào thế kỷ 21, thế kỷ số. Có 136/140 quốc gia và vùng lãnh thổ quốc gia thành viên của Khuôn khổ xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) OECD/G20 đã nhất trí tham gia Tuyên bố Giải pháp hai trụ cột đối phó với các thách thức thuế phát sinh từ nề kinh tế số (Statement on the Two-Pillar Solution to Address the Tax Challenges Arising from the Digitalisation of the Economy).

Tuyên bố đã cập nhật và hoàn tất Thỏa thuận chính trị tháng 6 do các thành viên của Khuôn khổ BEPS đưa ra, nhằm cải cách một cách cơ bản hệ thống thuế quốc tế.

Với sự tham gia mới nhất của Estonia, Hungary và Ireland, Tuyên bố đã được nhất trí bởi toàn bộ các quốc gia thành viên OECD và G20. Chỉ còn bốn nước là: Kenya, Nigeria, Pakistan và Sri Lanka chưa tham gia.

Giải pháp hai trụ cột sẽ được đệ trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tại Washington D.C vào ngày 13/10/2021 và sau đó là Hội nghị Cấp cao lãnh đạo G20 tại Room ngay trong tháng 10/2021.

Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không xóa bỏ cạnh tranh thuế, nhưng đặt ra các giới hạn đã được đồng thuận quốc tế đối với cạnh tranh thuế, sẽ giúp chính phủ của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới thu được thêm 150 tỷ USD mỗi năm.

Trụ cột một sẽ đảm bảo một sự phân chia lợi nhuận và quyền đánh thuế công bằng hơn giữa các nước đối với công ty đa quốc gia lớn nhất và lãi nhất.

125 tỷ USD sẽ được tái phân bổ cho các quốc gia thị trường

Thỏa thuận sẽ phân chia lại một số quyền đánh thuế đối với các công ty đa quốc gia từ các nước chủ nhà cho các quốc gia thị trường, nơi các công ty này tiến hành kinh doanh và thu lợi nhuận, bất kể họ có hiện diện vật chất tại đó hay không.

Theo đó, các công ty đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 20 triệu EUR/năm và tỷ suất lợi nhuận trên 10% - những người được coi như bên thắng cuộc trong tiến trình toàn cầu hóa sẽ được quản lý bởi các nguyên tắc mới, theo đó, 25% số lợi nhuận vượt mức ngưỡng tỷ suất 10% sẽ được tái phân phối cho các quốc gia thị trường để đánh thuế.

Các nước đang phát triển, với tư cách là thành viên bình đẳng trong Khuôn khổ BEPS đã đóng một vai trò tích cực trong quá trình đàm phán và trụ cột hai, bao gồm một số đặc điểm đảm bảo các quan ngại của các nước năng lực thấp sẽ được xử lý. OECD sẽ đảm bảo rằng các nguyên tắc này sẽ được quản lý một cách hiệu quả và hiệu lực; đồng thời sẵn sàng cung cấp một sự trợ giúp toàn diện về nguồn lực cho các nước có nhu cầu.

Như vậy, theo trụ cột một, hàng năm, quyền đánh thuế đối với hơn 125 tỷ USD lợi nhuận dự kiến sẽ được tái phân phối cho các quốc gia thị trường. Số thuế tăng thêm tính theo tỷ lệ số thu ngân sách hiện hành của các quốc gia đang phát triển dự kiến sẽ cao hơn so với các quốc gia phát triển.

Trong khi đó, trụ cột hai đưa ra mức thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%. Mức thuế suất tối thiểu toàn cầu mới sẽ áp dụng đối với các công ty với doanh thu hàng năm trên 750 triệu EUR, điều này sẽ tạo ra nguồn thu thuế toàn cầu bổ sung 150 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, các lợi ích khác đối với cả người nộp thuế và cơ quan thuế cũng sẽ phát sinh do sự ổn định của hệ thống thuế quốc tế và sự chắc chắn về thuế được củng cố.

“Thỏa thuận hôm nay sẽ làm cho các giao dịch thuế quốc tế của chúng ta công bằng hơn và vận hành tốt hơn” - Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nhận định.

Cũng theo Tổng Thư ký Mathias Cormann, đây là một thắng lợi chủ yếu của chủ nghĩa đa phương cân bằng và hiệu quả. “Đó là một thỏa thuận có ảnh hưởng sâu rộng, đảm bảo hệ thống quốc tế của chúng ta thích hợp với nền kinh tế thế giới số hóa và toàn cầu hóa. Bây giờ chúng ta phải hành động một cách nhanh chóng để đảm bảo sự thực thi hiệu lực của cải cách chủ yếu này” - Tổng Thư ký Mathias Cormann nhấn mạnh.

Hiện các nước đang hướng tới mục tiêu ký một hiệp định đa phương vào năm 2022 để áp dụng từ 2023. Hiệp định này đã được triển khai và sẽ là một công cụ để thực thi các quyền đánh thuế mới được nhất trí tại trụ cột một, cũng như cho việc ngưng và bãi bỏ các quy định liên quan đến hệ thống thuế dịch vụ số (Digital Service Taxes), các biện pháp đơn phương tương tự khác đang tồn tại. OECD sẽ xây dựng các nguyên tắc mẫu để đưa trụ cột hai vào nội luật của các nước vào năm 2023./.

 

Nguyễn Thịnh (tổng hợp)

 

 

Theo Thời báo Tài chính