Hỏi - Đáp (Khấu Hao TSCĐ_04.04.2014)

04/04/2014 03:21:52 PM

 

Câu 1: 

 

Kính thưa quý Bộ! Theo khoản 3 điều 13 thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ tài chính quy định: 'Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ theo quy định tại Thông tư này và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.' Như vây cứ nghĩa là cứ có bất kỳ biến động tăng tài sản cố định nàolà doanh nghiệp lại phải thông báo với cơ quan thuế phải không ạ?

 

Trả lời:

 

Tại khoản 2, điều 13 Thông tư số 45/2013 có quy định: “Căn cứ khả năng đáp ứng các điều kiện áp dụng quy định cho từng phương pháp trích khấu hao tài sản cố định, doanh nghiệp được lựa chọn các phương pháp trích khấu hao phù hợp với từng loại tài sản cố định của doanh nghiệp”.

 

Cùng với quy định tại khoản 3 có thể hiểu rằng từng loại TSCĐ cần áp dụng thống nhất phương pháp khấu hao và thời hạn khấu hao, cho nên với loại TSCĐ đã có, nay chỉ thay đổi từng cá thể TSCĐ thì không nhất thiết phải thông báo với cơ quan thuế. Đối với TSCĐ thuộc loại mới/khác với loại đã có thì DN cần thông báo cho cơ quan thuế.

 

Câu 2:

 

Doanh nghiệp Em đang gặp trường hợp mua TSCĐ từ quỹ Phát triển KHCN theo điểm 1.2b điều 2 thông tư 105/2012/TT-BTC: b) Mua máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ trực tiếp sử dụng vào việc sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp. Trong thông tư này hướng dẫn 'Doanh nghiệp ghi giảm quỹ tương ứng và không phải trích khấu hao theo dõi hao mòn TSCĐ'. Tuy nhiên, Theo thông tư 244/2009/TT-BTC có hướng dẫn về hạch toán quỹ PTKHCN thì khi dùng quỹ PTKHCN cho hoạt động SXKD ghi giảm quỹ và đưa vào thu nhập (Nợ 356/Có 711), TSCĐ kể từ thời điểm chuyển sang mục đích sản xuất kinh doanh trích khấu hao đưa vào chi phí sản xuất theo quy định của chế độ kế toán. Câu hỏi: Giữa thông tư 244/2009/TT-BTC hướng dẫn hạch toán trích khâu hao là phù hợp với theo dõi sổ sách TSCĐ. Tuy nhiên thông tư 105/2012/TT-BTC hướng dẫn không trích khấu hao theo dõi hao mòn TSCĐ. Như vậy, nếu áp dụng theo quy định hiện hành thì xử lý tình huống này như thế nào phù hợp với chế độ kế toán? Theo dõi TSCĐ như thế nào? Chi phí khấu hao TSCĐ (nếu có) có được tính vào chi phí hợp lý không? Rất mong Anh Chị giải đáp giúp. Trân trọng cảm ơn.

 

Trả lời:

 

Vấn đề căn bản của việc có tính/trích khấu hao vào giá thành/chi phí hay không đối với TSCĐ được mua sắm bằng Quỹ PTKHCN là ở chỗ Quỹ này được hình thành từ nguồn nào.

 

Quy định của TT số 105/2012 dựa trên cơ sở: (i) TSCĐ chỉ được tính/trích khấu hao 01 lần cho mục đích hạch toán chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; (ii) Quỹ PTKHCN được trích từ lợi nhuận trước thuế.

 

Trong khi đó, TT số 244/2009 giải quyết vấn đề kỹ thuật hạch toán và yêu cầu quản trị  của DN. Bút toán ghi tăng TN/ghi giảm Quỹ khi mua sắm, đồng thời vẫn tính trích khấu hao bình thường như TSCĐ được mua sắm bằng các nguồn khác suy cho cùng vẫn bảo đảm được nguyên tắc khấu hao 01 lần, xử lý được cân bằng Nợ/Có.

 

Trong trường hợp 1 vấn đề mà có 2 văn bản do cùng một cơ quan, cùng một cấp ban hành thì Bạn đọc cần thực hiện theo nguyên tắc của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó TT số 105/2012 được ban hành sau nên có hiệu lực áp dụng thay vì thực hiện theo quy định của TT số 244/2009.

 

Câu 3:

 

Công ty chúng tôi thành lập và hoạt động trong khu công nghiệp, thuê đất của công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tháng 7 năm 2004 (sau ngày có hiệu lực của Luật đất đai 2003). Toàn bộ tiền thuê đất thanh toán một lần cho toàn bộ thời gian thuê, và công ty chúng tôi được cấp GCN QSD đất năm 2006. Theo quy định tại thông tư 45/2013/TT-BTC thì không ghi nhận là TSCĐ vô hình đối với thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê (thời gian thuê đất sau ngày có hiệu lực thi hành của Luật đất đai 2003, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Nhưng trường hợp của công ty tôi có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có được ghi nhận là TSCĐ vô hình hay không. Kính mong Bộ Tài chính xem xét giải đáp. Xin cám ơn.

 

Trả lời:

 

Tại Điều 2, TT số 45/2013/TT-BTC quy định:

 

“2. Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả...”

 

Quy định tại khoản 2, Điều 3, TT số 45/2013 về tiêu chuẩn nhận biết TSCĐ:

 

“Mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, mà không hình thành TSCĐ hữu hình được coi là TSCĐ vô hình.

 

Những khoản chi phí không đồng thời thoả mãn cả ba tiêu chuẩn nêu tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.”

 

Các tiêu chuẩn đó (khoản 1, điều 3) là

 

a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;

 

b) Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;

 

c) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.

 

Quy định về xác định nguyên giá TSCĐ (Tại điểm đ, khoản 2, điều 4 TT số 45/2013):

 

- TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất bao gồm:

 

+ Quyền sử dụng đất được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp (bao gồm quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sử dụng đất không thời hạn).

 

+ Quyền sử dụng đất thuê trước ngày có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2003 mà đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã được trả tiền còn lại ít nhất là năm năm và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Nguyên giá TSCĐ là quyền sử dụng đất được xác định là toàn bộ khoản tiền chi ra để có quyền sử dụng đất hợp pháp cộng (+) các chi phí cho đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, lệ phí trước bạ (không bao gồm các chi phí chi ra để xây dựng các công trình trên đất); hoặc là giá trị quyền sử dụng đất nhận góp vốn.”

 

Đối chiếu với các quy định trên, trường hợp của DN Bạn nếu như tiền thuê đất trả trước còn thời gian lớn hơn hoặc bằng 5 năm (ít nhất đã trả hết năm 2018) thì đươcj các định là TSCĐ Vô hình

 

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài chính