Hỏi - Đáp (Thuế GTGT_22.04.2014)

04/22/2014 08:27:36 AM

Câu 1:

 

Tôi muốn hỏi BTC về trường hợp như sau: 1/ DNA thu mua hành lá tươi của nông dân về qua sơ chế sấy khô, sau đó bán cho DNB, DNB mua sản phẩm này về chế biến tiếp để làm sản phẩm gia vị mì tôm. Như vậy DNA khi xuất bán có chịu thuế suất thuế GTGT hay không? 2/ DNA chuyên sản xuất chế biến hàng nông sản (Bao gồm: hành lá sấy khô, bột lá hành, bột tỏi...). Để tạo ra nhưng thành phẩm trên DNA cần mua nguyên vật liệu đầu vào như : Than bùn để làm nhiên liệu chính trong quá trình sấy khô. Vậy số thuế GTGT đầu vào khi nhập than bùn về làm nhiên liệu sẽ được khấu trừ như thế nào trong khi than bùn vừa dùng để phục vụ cho sấy khô hành lá và các dạng bột?

 

Trả lời:

 

Hành lá tươi mua của nông dân rồi qua sơ chế sấy khô, sau đó bán cho DN hay bất cứ ai đều thuộc diện áp dụng thuế suất GTGT 5%. Từ 2014, theo khoản 5, điều 5 TT số 219/2013 thì mặt hàng này bán cho cá nhân hoặc tổ chức đang nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì áp thuế 5%; còn nếu bán cho HTX hoặc DN đang nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì không khai, không tính nộp thuế GTGT.

 

Với câu hỏi của Bạn, nếu DNB đang nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì DNA không khai, không tính nộp thuế GTGT mua sản phẩm này về chế biến tiếp để làm sản phẩm gia vị mì tôm. Còn DNB chế biến thành gia vị mỳ tôm thì DNB khi xuất bán thì xuất hoá đơn GTGT với thuế suất thuế GTGT 10%.

 

Theo khoản 11 của điều 14 TT số 219/2013 thì thuế GTGT đầu vào của than, điện, nguyên vật liệu phục vụ cho việc sấy khô hành tỏi để xuất bán cho DNB nêu trên đương nhiên được kê khai, khấu trừ toàn bộ. Bạn lưu ý rằng tuy Hoá đơn GTGT xuất bán cho diện khoản 5, điều 5 ghi gạch chéo dòng thuế GTGT (giống như Hoá đơn với trường hợp hàng hoá không chịu thuế GTGT) nhưng khi lên Bảng kê hàng hoá dịch vụ bán ra thì đưa vào nhóm doanh thu hàng chịu thuế.

 

Câu 2:

 

Công ty chúng tôi hiện đang kinh doanh mặt hàng gỗ, thực phẩm tươi sống và rau củ quả ở khâu kinh doanh thương mại. Theo khoản 5, điều 5, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn: '5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hoá đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.' Tại khoản 7, Điều 10, Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn về thuế suất 5%: '7. Thực phẩm tươi sống ở khâu kinh doanh thương mại; lâm sản chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.' Căn cứ quy định trên thì: 1/. Trường hợp công ty mua cá, tôm, thịt lợn, thịt bò của cá nhân nuôi trồng và cá nhân bán tại các chợ, sau đó cung cấp cho các công ty áp dụng theo phương pháp khấu trừ. Vậy với các mặt hàng trên công ty áp dụng đối tượng không phải khai thuế hay áp dụng thuế 5%. 2/. Trường hợp Công ty mua gỗ rừng trồng của hộ cá nhân trồng rừng, sau đó công ty bán lại cho các các đơn vị khác thì áp dụng thuế suất thuế GTGT là bao nhiêu %?

 

Trả lời:

 

Việc Bạn nêu phải căn cứ vào quy định của điều 5, điều 10 Thông tư số 219/2013 cũng với việc xác định rõ đối tượng mua hàng là ai để áp thuế GTGT cho đúng khi xuất hoá đơn GTGT. Mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản chưa qua chế biến thành sản phẩm khác luôn áp dụng mức thuế suất 5% đối với khâu kinh doanh thương mại nhưng với người mua khác nhau thì cách ghi hoá đơn cũng khác nhau.

 

1-     Trường hợp công ty mua cá, tôm, thịt lợn, thịt bò của cá nhân nuôi trồng và cá nhân bán tại các chợ, sau đó cung cấp cho các công ty áp dụng theo phương pháp khấu trừ thì ĐƯƠNG NHIÊN XUẤT HOÁ ĐƠN GTGT THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 – Tức là áp dụng đối tượng không phải khai, tính nộp thuế GTGT. Ngược lại cũng các mặt hàng này mà bán cho cá nhân, tổ chức khác áp dụng thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì phải tính thu đủ thuế GTGT là 5%.

 

2-     Trường hợp công ty của Bạn mua gỗ rừng trồng của cá nhân trồng rừng để bán cho các công ty khác thì cũng áp dụng quy định tại khoản 5 – điều 5 TT số 219/2013 như trường hợp 1 vì gỗ rừng trồng đương nhiên là sản phẩm trồng trọt rồi. Riêng lâm sản là gỗ măng thì áp dụng mức thuế suất 10% (theo quy định của Luật thuế GTGT và khoản 7, điều 10 của TT số 219/2013) khi Bạn xuất hoá đơn GTGT bán cho các công ty khác, kể cả họ là DN đang áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Định nghĩa về lâm sản cho mục đích áp dụng thuế GTGT được quy định tại khổ cuối của khoản 7 này, Bạn đọc có thể đối chiếu để áp dụng cho đúng.

 

 

Câu 3:

 

Công ty tôi (tính thuế theo phương pháp khấu trừ)có mua mặt hàng gỗ keo chỉ qua sơ chế thông thường của các hộ dân tự trồng rồi xuất bán lại cho Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật. Tôi muốn hỏi theo TT 219/2013/BTC thì mặt hàng gỗ keo này khi bán cho Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật thì áp dụng thuế suất nào? 5%, 10% hay không phải kê khai, tính nộp thuế? Và khi Nghị định 209-2013/NĐ-CP có hiệu lực thì TT 131/2008/BTC hướng đẫn thực hiện Luật thuế GTGT 13/2008/QH12( Có quy định cụ thể mặt hàng gỗ là 10%) có còn hiệu lực hay không?

 

Trả lời:

 

Mặt hàng gỗ keo chỉ qua sơ chế thông thường của các hộ dân tự trồng để bán cho DN của bạn đương nhiên là sản phẩm trồng trọt rồi, cho nên khâu đầu tiên (người dân bán) sẽ không chịu thuế GTGT, khâu kinh doanh thương mại sẽ áp thuế suất 5%  (bao gồm xuất bán cho Công ty làm nguyên liệu giấy, hoặc Công ty xuất khẩu).

 

Nay, theo quy định của TT 219/2013/BTC thì mặt hàng gỗ keo này (chỉ qua sơ chế thông thường mua của các hộ dân tự trồng), DN của Bạn xuất khi bán cho Công ty sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật thì không phải kê khai, tính nộp thuế nếu công ty này là đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

 

Đối với mặt hàng gỗ: Nếu gỗ là lâm sản thì áp dụng mức thuế suất 10% (theo quy định của Luật thuế GTGT và khoản 7, điều 10 của TT số 219/2013). Định nghĩa về lâm sản cho mục đích áp dụng thuế GTGT được quy định tại khổ cuối của khoản 7 này, Bạn đọc có thể đối chiếu để áp dụng cho đúng.

 

Hiện nay Bộ Tài chính đang soạn thảo Thông tư thay thế TT số 131/2008, Bạn đọc vui lòng chờ đợi hoặc có thể tham gia ý kiến với chúng tôi vào bản dự thảo đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

 

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài chính