Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia

05/19/2016 03:23:22 PM
Sáng ngày 18/5/2016, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ “Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020”, với những nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương.

 

Chủ trì hội nghị gồm các ông: Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ; ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ; ông Micheal Trueblood – Giám đốc phòng Phát triển kinh tế và quản trị nhà nước thuộc USAid Việt Nam.

 

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam và ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký đã tham dự hội nghị. Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Thuế, lãnh đạo một số Vụ của Bộ Tài chính và Tổng cục thuế cũng đã tham dự hội nghị.

 

Tại báo cáo đánh giá kết quả thực hiện NQ 19/CP-2014 và NQ 19/CP-2015 do đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ trình bày, chỉ số nộp thuế và BHXH trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016 của Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam tăng được 4 bậc so với năm 2015, xếp thứ 168 trong tổng số 189 quốc gia được đánh giá. Cụ thể, số giờ nộp thuế và BHXH bình quân của doanh nghiệp là 770 giờ/năm (thuế 497g + BHXH 273g), giảm được 102 giờ, trong đó: số giờ nộp thuế giảm 40 giờ, số giờ nộp BHXH giảm được 62 giờ.

 

Đánh giá của WB chưa phản ánh đầy đủ kết quả cải cách trong lĩnh vực thuế thời gian qua vì báo cáo môi trường kinh doanh 2016 của WB căn cứ vào cơ sở dữ liệu về chính sách thuế và các thủ tục hành chính thuế tại thời điểm đến 31/12/2014 (có độ trễ 2 năm). Do đó, nếu tính toán đầy đủ các nội dung cải cách về thuế đến cuối năm 2015 thì số giờ nộp thuế chỉ còn là 119 giờ/năm, đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 19 CP-2015 đã đưa ra là số giờ nộp thuế của Việt Nam bằng với mức trung bình của ASEAN 4 năm 2015.

 

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định các kết quả đã đạt được trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo NQ 19 CP năm 2014 và 2015 trong lĩnh vực thuế, hải quan và BHXH, cũng như gợi ý các định hướng công việc để đảm bảo thực hiện thành công Nghị quyết 19/CP-2016. Thứ trưởng đã phân tích khó khăn lớn nhất gặp phải trong việc cải thiện chỉ số nộp thuế và BHXH trong thời gian này là việc làm sao để cải thiện chỉ số mức huy động thuế và BHXH, yếu tố cấu thành chỉ số đánh giá xếp hạng của quốc gia trong báo cáo của WB. Chỉ số mức huy động hiện tại của Việt Nam là 39,4% trên lợi nhuận, trong đó huy động cho các khoản bảo hiểm bắt buộc là 24,8%, thuế là 14,6%. So sánh với thông lệ quốc tế, mức huy động về thuế hiện nay của các nước nhóm G20 ở mức 30-32%, của Singapore là 15-17% (đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là 7%). Như vậy, có thể thấy mức huy động cho các khoản bảo hiểm bắt  buộc của Việt Nam hiện là rất cao. Một số ý kiến tham luận của các Hiệp hội doanh nghiệp tại Hội nghị cũng phân tích mức huy động BHXH hiện nay là quá cao và đang tiếp tục tăng thêm do việc nâng mức lương tối thiểu của người lao động, và lộ trình thu BHXH đến 2018 sẽ tính trên cơ sở tổng thu nhập thực nhận của người lao động. Việc tăng chi phí nhân công từ việc tăng huy động cho BHXH quá cao đã tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã đề nghị Văn phòng Chính phủ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ lưu ý và có báo cáo kiến nghị Chính phủ xem xét định hướng chính sách về thu BHXH hợp lý để có thể tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 19CP-2016.

 

Cùng với Nghị quyết 19/2016/NQ-CP lần này, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đây là các chủ trương và biện pháp lớn của Chính phủ mới nhằm mục tiêu: “Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo”.

 

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Lê Mạnh Hà nêu rõ quan điểm Chính phủ coi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế, Chính phủ cam kết bảo vệ môi trường an toàn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh. Ông Hà cho biết, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh việc giám sát thực hiện Nghị quyết 19 của các bộ, ngành, địa phương, các kiến nghị của DN sẽ được giải quyết dứt điểm và công khai kết quả giải quyết trên trang thông tin điện tử... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. 

Theo USAID