Nước ngọt có ga không cồn chịu thuế TTĐB?

04/22/2014 03:29:58 PM
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung mặt hàng nước ngọt có ga không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB, với mức thuế suất 10%. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến tranh luận về việc áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng này.

 

Đối với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn, các DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cho rằng chưa đủ bằng chứng thuyết phục việc đánh thuế đối với hàng hóa này vào thời điểm hiện nay, vì số lượng sử dụng không lớn, chưa rõ tác động bất lợi đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, một số cơ quan quản lý nhà nước lại cho rằng, có đủ bằng chứng chứng minh nước ngọt có ga không cồn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Theo Bộ Tài chính, nước ngọt có ga không cồn là nước uống đã được sục khí CO2 bão hòa nhằm tạo cảm giác cay nồng, dễ chịu, nên người dùng thích uống và có thể uống nhiều hơn so với nhu cầu giải khát. Ngoài một phần nước tinh khiết hoặc một số loại có thêm nguyên liệu tự nhiên, phần còn lại trong nước ngọt có ga không cồn đều là chất công nghiệp, như: hương vị, chất màu, chất bảo quản. Mặc dù những chất công nghiệp này có hàm lượng tiêu chuẩn kĩ thuật cho phép nhưng nhiều chuyên gia y tế quốc tế đã cảnh báo một số tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng nếu sử dụng quá mức.

 

Tiến sĩ Mason Colb, đại diện cho Amcham cho rằng nước ngọt có ga bị đánh thuế, trong khi nước ngọt không có ga thì lại không bị đánh thuế. Nước uống có ga thông thường được sản xuất bởi các công ty Việt Nam do nước ngoài sở hữu, như vậy sẽ không bình đẳng giữa các DN. Đưa ra một số hiệu ứng của đồ uống có ga, Tiến sĩ Mason Colb kiến nghị, cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc ảnh hưởng tới sức khỏe của nước ngọt có ga khi đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB.

 

Đứng ở góc độ chuyên gia về thuế, ông Nguyễn Văn Nam, Đại diện Công ty Kiểm toán Price Water House Coopers Việt Nam đã đưa ra những tác động kinh tế của đề xuất áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn. Người tiêu dùng thường quan tâm về túi tiền và sức khỏe, nếu áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt sẽ tăng giá thành sản phẩm, trong khi người tiêu dùng thường uống nước ngọt có ga không cồn.

 

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị chưa nên đưa mặt hàng nước ngọt ga không cồn vào diện chịu thuế TTĐB trong giai đoạn hiện hiện nay, vì các lý do: việc tiêu thụ đường/đầu người của Việt Nam còn ở mức thấp khoảng 15 kg/người/năm so với mức bình quân của thế giới là 23,7 kg/người/năm. Các nhà sản xuất nước ngọt cho biết, nước ngọt có ga không cồn sử dụng lượng đường với tỉ lệ thành phần khoảng 8%-12% theo trọng lượng, nên việc sử dụng đường không nhiều.

 

Tuy nhiên, một số ý kiến lại đồng tình với dự thảo bổ sung mặt hàng nước ngọt có ga không cồn chịu thuế TTĐB. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội các nhà XNK Đồng Nai cho rằng, việc đưa mặt hàng nước ngọt có ga không cồn vào diện chịu thuế TTĐB nếu đáp ứng được nhiều tiêu chí khác thì nên xem xét hoặc có lộ trình thuế suất thấp.  Bà Trương Thị Thu Hà, Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, hiện nay có 63 DN sản xuất nước giải khát có công suất trên 5 triệu lít, tốc độ tăng trưởng khá cao, trung bình 9%/năm. Để bảo vệ sức khỏa người tiêu dùng, bà Hà nêu quan điểm nhất trí với việc đưa mặt hàng nước ngọt có ga không cồn vào danh mục chịu thuế TTĐB, tuy nhiên cần làm rõ khái niệm, phạm vi, đối tượng áp dụng cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường Đại học CNTT Gia Định đồng tình với các lý do cần thiết mà Bộ Tài chính đưa ra để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB trong tình hình mới hội nhập quốc tế, đảm bảo nguồn thu ngân sách và phục vụ lợi ích của đông đảo người tiêu thụ và các DN hoạt động trong lĩnh vực, dịch vụ có quy định chịu thuế TTĐB. Trong đó, mức thuế suất 10% đối với nước ngọt có ga không cồn là phù hợp. 

 

Bà Trương Thị Thu Hà, Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương:

 

Việc tăng thuế đối với mặt hàng rượu, bia cần xây dựng lộ trình và thuế suất trên cơ sở khoa học, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Theo dự thảo Luật thuế TTĐB, từ 1-7-2015 thuế TTĐB của mặt hàng bia là 65%, tăng 15%; mặt hàng rượu trên 20 0 là 65%, tăng 15%, rượu dưới 20 0 là 35%, tăng 10%. Hiện nay, ngành bia-rượu-nước giải khát có 59 DN sản xuất bia, có công suất trên 10 triệu lít; trên 140 DN sản xuất rượu công nghiệp. Với mức tăng thuế TTĐB trên sẽ tác động và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

 

Ông Huỳnh Vương Nam, Vụ chính sách Thuế, Bộ Tài chính:

 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB đã được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan và được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính. Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được 71 ý kiến góp ý cho dự thảo Luật thuế TTĐB. Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, đại đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá cao hơn mức đề xuất tại dự thảo, cũng có ý kiến đề nghị không tăng thuế đối với thuốc lá tại thời điểm 2015.

 

Ông Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ:

 

Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng góp ý cho dự thảo Luật thuế TTĐB nhằm để các quy định sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật thuế TTĐB có tính khả thi, đáp ứng được mục tiêu của dự án luật, chuẩn bị các bước tiệm cận  trước khi Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 5-2014. Qua các luồng ý kiến ban tổ chức sẽ phân tích làm rõ các nội dung dự thảo Luật thuế TTĐB có làm phát triển được kinh tế - xã hội hay không; có phù hợp với thông lệ quốc tế, có phân biệc đối xử với các ngành, hàng trong việc áp thuế TTĐB; các quy định pháp luật, các dự liệu chứng minh có khoa học không…

 

Theo Báo Hải quan