Tăng thuế đối với rượu, bia để bảo vệ sức khỏe giống nòi

07/31/2014 04:36:14 PM
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7-2014, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được Bộ Tài chính chính thức trình Chính phủ sau gần nửa năm xin ý kiến các bộ, ban, ngành, địa phương, DN và người dân. Một trong những nội dung không gây nhiều tranh cãi và được kỳ vọng đem lại hiệu quả cao đối với đời sống kinh tế - xã hội là việc nâng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia.

 

"Hậu quả" từ giảm thuế đối với đời sống kinh tế - xã hội

 

 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014) thông qua. Để bảo đảm kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện công tác tuyên truyền và chuẩn bị điều kiện quản lý cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế, Bộ Tài chính đề nghị hiệu lực thi hành của dự án Luật là từ ngày 1-7-2015.

 

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính lý giải việc tăng thuế hai mặt hàng rượu bia là nhằm hạn chế sử dụng mà trước hết là "khắc phục hậu quả" hạ thuế tăng sức mua trong thời gian qua.

 

Nhìn lại giai đoạn trước ngày 1-1-2010, thuế TTĐB đối với bia được phân biệt thành 2 loại: bia chai, bia lon (áp dụng thuế suất 75% có trừ vỏ lon) và bia tươi, bia hơi (áp dụng 30% trong năm 2006, 2007 và 40% trong năm 2008). Năm 2008, thực hiện yêu cầu gia nhập WTO, Quốc hội đã thông qua Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 quy định áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với tất cả loại bia là 45% từ ngày 1-1-2010 đến 31-12-2012 và 50% từ ngày 1-1-2013.

 

Việc thống nhất mức thuế suất, qua đó điều chỉnh giảm thuế suất đối với bia chai từ 75% xuống 45% - 50% là nhằm hỗ trợ ngành bia, nhất là các cơ sở sản xuất bia nhỏ của địa phương tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho địa phương. Đến nay, các cơ sở sản xuất bia địa phương đã phát triển đủ mạnh và có thể cạnh tranh được trên thị trường.

 

Đối với rượu, trước ngày 1-4-2009, thuế suất thuế TTĐB là 65% đối với rượu từ 40 độ trở lên; 30% đối với rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ và 20% đối với rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả, rượu thuốc. Với Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12, thuế suất rượu được áp dụng thống nhất lại thành 2 loại: rượu từ 20 độ trở lên áp dụng 45% từ ngày 1-1-2010 đến hết ngày 31-12-2012 và 50% từ ngày 1-1-2013; rượu dưới 20 độ áp dụng 25% từ ngày 1-4-2009.

 

Việc hạ thuế suất đối với rượu, bia đã làm tăng sức mua. Thực tế theo thống kê, năm 2013 lượng rượu, bia tiêu thụ trên cả nước là 3 tỷ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người, khiến Việt Nam trở thành “quán quân” uống bia ở khu vực ASEAN, đứng thứ ba châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản) và đứng thứ 28 trên thế giới về lượng tiêu thụ rượu, bia.

 

Cần hạn chế

 

Một nghiên cứu mới đây do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới công bố khẳng định: Rượu, bia là chất gây hại, tác động bất lợi trực tiếp và gián tiếp đến nhiều cơ quan trên cơ thể con người. Rượu, bia là nguyên nhân gây ra bệnh của 30 mã bệnh tật thuộc Bảng phân loại bệnh quốc tế ICD10, cũng là nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh khác và gây tử vong cho 3,3 triệu ca trên toàn cầu (năm 2012).

 

Không chỉ dừng lại ở việc gây hại cho sức khỏe người sử dụng, việc lạm dụng rượu, bia còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng, tạo ra gánh nặng với ngân sách quốc gia. Theo nghiên cứu này, phí tổn về kinh tế đối với gia đình và xã hội hàng năm chiếm khoảng 3% GDP; 60% số vụ tai nạn giao thông, 68% vụ bạo lực gia đình, 38% vụ gây rối trật tự an toàn xã hội tại Việt Nam có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia.

 

Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng quá nhiều rượu, bia, Bộ Tài chính đề nghị nâng thuế suất thuế TTĐB của bia từ 50% lên 65% từ ngày 1-7-2015 hoặc tăng thuế suất thuế TTĐB có lộ trình trong 3 năm (50% lên 55% từ 1-7-2015; tăng lên 60% từ 1-1-2017; lên 65% từ 1-1-2018); của rượu từ 20 độ trở lên từ 50% lên 65%; của rượu dưới 20 độ từ 25% lên 35%.

 

Cần kiểm soát sản phẩm "ngoài luồng"

 

Đồng tình với chủ trương tăng mức thuế TTĐB đối với rượu, bia, bà Vũ Thị Minh Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho rằng, theo quy luật cung cầu, thuế tăng khiến giá tăng sẽ làm giảm cầu tiêu thụ, qua đó đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng. Bà Hạnh cũng nhấn mạnh: "Không cần phải lo ngại đối với việc giảm mức thu nộp ngân sách của các DN sản xuất và kinh doanh rượu, bia do tăng thuế, bởi lẽ kinh nghiệm của nhiều nước đã cho thấy, mức phí tổn cho tiêu thụ rượu bia cùng những chi phí gián tiếp để giải quyết những hậu quả do lạm dụng rượu bia gây ra thường lớn hơn nhiều lần so với mức đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ sản xuất, kinh doanh mặt hàng này".

 

Bà Hạnh ví dụ: Đức là quốc gia tiêu thụ rượu, bia đứng thứ 9 trên toàn cầu đã thống kê thiệt hại do sản phẩm này gây ra là khoảng 20 tỷ Euro trong khi doanh thu của ngành công nghiệp sản xuất rượu, bia chỉ đạt 17 tỷ Euro và nộp ngân sách chỉ có 3,5 tỷ Euro. Tại Việt Nam, năm 2012, 3 tỷ lít bia tương đương 3 tỷ USD, ước tính khoảng 3% số thu ngân sách cả nước, chưa kể những chi phí tiêu thụ và chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả do lạm dụng rượu, bia. Trong khi đó, đóng góp của ngành sản xuất rượu, bia, nước giải khát ở Việt Nam chỉ tương đương 800 triệu USD (chỉ bằng 1/4 mức phí tổn nêu trên).

 

Cũng nhất trí chủ trương tăng thuế suất và phải tăng ngay vào thời điểm 1-7-2015, song, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đưa ra kiến nghị ở một khía cạnh khác. Bà Cúc cho biết, theo quy định của Luật Thuế TTĐB, người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân có sản xuất, NK hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ chịu thuế.

 

Như vậy, Luật không có quy định không thu thuế hay miễn thuế đối với rượu tự nấu, sử dụng trong dân nhưng sản phẩm này hiện nay lại đang được sử dụng rất nhiều và không kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Thực tế, hầu như cơ quan Thuế chưa thể quản lý thu thuế TTĐB đối với sản xuất rượu tự nấu. Do vậy, bên cạnh việc tăng thuế để hạn chế tiêu dùng rượu, bia, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu thêm các biện pháp để kiểm soát rượu tự nấu để đảm bảo mục tiêu định hướng tiêu dùng của thuế TTĐB, đồng thời đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ thuế với tất cả các đối tượng.

Theo Báo Hải Quan