Thủ tục nộp thuế của DN còn 201 giờ/năm

11/21/2014 04:12:53 PM
(TCT online) - “Đây là kết quả rất đáng ghi nhận sau một loạt biện pháp mạnh về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN” - ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đã nhận định như vậy tại hội thảo “Tác động của Luật Đầu tư sửa đổi và chính sách thuế tới việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 20/11 tại Hà Nội.

 

 
Theo đánh giá của ông Quang tại hội thảo, nếu như trước đây thủ tục nộp thuế luôn là vấn đề “đau đầu” với DN thì nay mọi chuyện đã khác, sau khi thực hiện hàng loạt những cải cách về thủ tục hành chính, thủ tục nộp thuế của DN hiện đã giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 201 giờ/năm. 
 
Không chỉ có vậy, các thủ tục khác liên quan đến kinh doanh của DN cũng đã có bước cải thiện rõ rệt. Cụ thể: thủ tục hải quan nhập khẩu và xuất khẩu đã giảm từ 126 giờ xuống còn 63 giờ; bảo hiểm xã hội giảm từ 335 giờ xuống còn 108 giờ; tiếp cận điện (gồm điện áp cao, điện áp cao trung bình, điện áp thấp) giảm từ 402 ngày còn 120 ngày; thủ tục thành lập DN và tiếp cận thị trường giảm từ 32 ngày xuống còn 5 ngày,… Những con số này cho thấy, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam đã có hiệu quả.
 
Ông Quang cũng cho biết, hiện cộng đồng các nhà đầu tư, DN đều phản ứng tích cực với các chính sách mới liên quan đến Luật Đầu tư, đáng chú ý là cải cách thủ tục đầu tư; minh bạch hóa chính sách; các nội dung liên quan đến minh bạch hóa, cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các nhà đầu tư đều muốn tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh mà bằng chứng là xu hướng gia tăng các dự án quy mô lớn của các tập đoàn lớn trên thế giới đến Việt Nam như: Samsung, LG.
 
Ngoài những cải cách đáng kể trong Luật Đầu tư (sửa đổi), hiện Chính phủ cũng rất quan tâm đến khối DN FDI thông qua những chính sách ưu đãi mới về thuế. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, đối với dự án đầu tư được cấp phép mà trong hồ sơ lần đầu đã đăng ký số vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư kèm tiến độ thực hiện đầu tư ở các giai đoạn tiếp theo thì được hưởng ưu đãi thuế theo mức ưu đãi đang áp dụng đối với dự án đầu tư lần đầu; đối với dự án đầu tư được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 01/01/2014 thì ưu đãi thuế được hưởng cho thời gian ưu đãi còn lại được tính từ ngày 01/01/2014. Ngoài ra, DN còn được tính vào chi phí khoản nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động (tối đa 12tr.đ/năm); được tính khoản chi phúc lợi cho người lao động (không quá 01 tháng lương thực tế bình quân/năm); DN không phải đăng ký với cơ quan thuế về định mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu; được tính trừ đối với chi phí mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh, quyền sử dụng thương hiệu. 
 
Những chính sách mới sửa đổi, bổ sung cho thấy, Việt Nam đang rất nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư và đã có kết quả thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính. Ghi nhận những chuyển biến tích cực này, GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN FDI cho biết, không chỉ nhà đầu tư Việt Nam, khoảng 1 tháng nay báo chí quốc tế như Ý, Đức và một số nước khác đều cho rằng, Việt Nam đang có cải tiến rõ về thể chế và môi trường đầu tư. 
 
Hiện nay có 5 tập đoàn lớn đang đầu tư vào Việt Nam, như Samsung đầu tư từ năm 2007, sau nhiều lần tăng vốn đến nay đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam; Microsoft dự kiến sẽ chuyển một nhà máy ở Hungary sang Việt Nam để sản xuất smartphone; Itel quyết định chuyển một nhà máy sang Việt Nam để sản xuất khoảng 80% chip cung cấp cho toàn bộ thế giới. Theo quan sát của ông Mại, trong thời gian tới sẽ có một làn sóng đầu tư mới với chất lượng công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều khiến ông Mại lo lắng là nhiều quy phạm không đưa được vào luật sẽ bị “lách” qua nghị định. Vì vậy, ông Mại đề nghị các nghị định phải nhất quán với tư tưởng của luật, không được lách để làm sai định hướng. Có vậy, Luật Đầu tư và Luật DN mới phát huy hiệu quả, giúp Việt Nam có những DN mạnh trong 5 - 10 năm tới.

 

Theo Tạp Chí Thuế