Giảm thuế giá trị gia tăng giúp bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng

02/23/2022 07:29:05 PM




(TBTCO) - Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP được triển khai áp dụng kể từ ngày 1/2/2022 đã nhận được sự phản hồi tích cực của người dân và xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc giảm thuế giá trị gia tăng góp phần giảm giá thành sản phẩm, từ đó kính thích sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, giảm nguy cơ tăng lạm phát.
Upload file:

Giá ổn định nhờ được giảm thuế giá trị gia tăng

Khảo sát tại một số siêu thị, chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, sau khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP chính thức được áp dụng từ 1/2/2022, đến nay hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ, hộ kinh doanh trên địa bàn đã nắm được chính sách này và thực hiện giảm thuế cho người tiêu dùng. Nhiều người cho biết, cũng nhờ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), nên giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm khá ổn định, không tăng giá, mặc dù trong những ngày vừa qua thời tiết rất bất lợi, ảnh hưởng đến nguồn cung.

Chị Tạ Thị Ngọc Yến ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, thị trường hàng hóa sau tết thường tăng giá do nhiều gia đình, cơ quan, tổ chức gặp mặt ăn uống. Năm nay một phần do dịch bệnh, người dân ít tổ chức các hoạt động ăn uống, một phần cũng nhờ được giảm thuế GTGT, nên hầu hết các mặt hàng thiết yếu giá cả khá ổn định. “Mặc dù mấy ngày vừa qua Hà Nội mưa và rét, nhưng tôi thấy giá các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau xanh tại các chợ truyền thống cũng như siêu thị khá ổn định. Tôi cũng tìm hiểu thì thấy rằng, giá cả ổn định là nhờ được giảm thuế” - chị Yến nói.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Theo đại diện Lottemart Việt Nam, việc điều chỉnh giá mới được bộ phận vận hành của siêu thị thực hiện với 17 nhóm ngành hàng kể từ đầu tháng 2/2022. Người tiêu dùng khi mua sắm tại hệ thống siêu thị GO!, Big C và các siêu thị Tops Market trên toàn quốc đã có thể kiểm tra thông tin thuế GTGT mới trên hóa đơn với mức thuế đã giảm từ 10% xuống còn 8%.

Cùng với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhiều hệ thống khách sạn, nhà hàng tại Hà Nội đã bắt đầu áp dụng biểu thuế GTGT mới từ đầu tháng 2/2022. Việc giảm thuế không chỉ nhằm thực hiện theo dúng quy định của Chính phủ, mà còn giúp cho hệ thống khách sạn, nhà hàng thu hút khách hàng, kích cầu người dân sử dụng dịch vụ trong bối cảnh bình thường mới. “Tuần vừa rồi gia đình tôi có đoàn khách từ TP. Hồ Chí Minh ra, do nhà không được rộng, nên chúng tôi có thuê phòng ở khách sạn thì thấy giá khá hợp lý. Có lẽ do được giảm thuế GTGT nên giá phòng mới giảm như vậy” - Chị Tú Anh ở Đống Đa chia sẻ.

Giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển

Nói về chính sách giảm thuế GTGT, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, việc giảm thuế sẽ giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển, bởi chính sách này sẽ tác động đa chiều đến nền kinh tế, khiến người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

“Hiện nay, hầu hết các hàng hóa, dịch vụ đều chịu thuế suất thuế GTGT là 10%, nên giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% thì chính sách này sẽ có độ bao phủ, tác động rất rộng. Đặc biệt, thuế GTGT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, do đó khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền. Điều này là rất cần thiết trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh như hiện nay” - ông Được nói.

Chính sách thuế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo luật sư Lê Thị Hồng Vân, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) một lần nữa thể hiện sự quan tâm sâu rộng của Đảng, Nhà nước, với sự sống còn của các danh nghiệp, hợp tác xã, cũng như đời sống người dân. Doanh nghiệp tin tưởng hơn vào các chính sách của Đảng, Nhà nước, người dân cũng đặt nhiều niềm tin vào sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, góp phần thực hiện an sinh xã hội.

“Bản thân tôi là người hành nghề luật, đã từng tiếp cận nhiều sự thay đổi của hệ thống pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên, trong năm vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành rất nhiều chính sách ưu việt nhằm hướng tới nền kinh tế đất nước, cũng như đời sống người dân. Khi các chính sách này được áp dụng sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tất cả đều bình đẳng như nhau để cùng phát triển, thì nền kinh tế sẽ sớm phục hồi và lớn mạnh.” - bà Vân nói.

Ông Được cũng cho biết, việc giảm thuế GTGT làm cho cán cân cung - cầu của nền kinh tế được gần nhau hơn, từ đó thị trường sẽ xác lập mức giá mới thấp hơn mức giá khi không giảm thuế. Điều này cũng sẽ góp phần vào công cuộc giảm tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới.

Bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao chính sách giảm thuế của Chính phủ, luật sư Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law cho rằng, việc giảm 2% thuế GTGT là một chính sách bứt phá chưa từng có, bởi thuế GTGT là một sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả các hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân. Chính vì vậy, việc giảm thuế sẽ giúp cho cả doanh nghiệp, người dân đều được hưởng lợi. “Việc ban hành chính sách này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phục hồi sản xuất do đã bị ngừng trệ trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, đồng thời kích thích người dân mua sắm, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh” - bà Vân chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, những tác động tích cực của việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% còn giúp doanh nghiệp giảm tiền vốn chi ra để trả tiền thuế GTGT ở các khâu đầu vào khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) trong tổng doanh số mua vào của doanh nghiệp. Số tiền này sẽ được đưa vào tái đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

 

Nhật Minh

 

Theo Thời báo Tài chính