Nhiều thủ đoạn gian lận trong sử dụng hóa đơn

Lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật kinh doanh, nhiều đối tượng đã lách luật, thành lập doanh nghiệp (DN) nhưng không có hoạt động sản xuất kinh doanh thật, mà chỉ để mua, bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước, gây thất thu ngân sách rất lớn. Nhiều vụ mua bán hóa đơn đã bị cơ quan điều tra khởi tố, nhưng dường như chưa có giải pháp “đặc trị” tình trạng này.

Chỉ ra những kẽ hở DN thường sử dụng để gian lận trong sử dụng hóa đơn, bà Lê Thị Duyên Hải cho biết, hiện nay thủ tục đăng ký DN (bao gồm đăng ký mới và thay đổi thông tin) rất thuận lợi, giấy tờ pháp lý của cá nhân đại diện pháp luật hoặc chủ sở hữu chỉ cần 1 trong 3 loại là bản sao (không quy định phải công chứng, chứng thực) chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Hồ sơ nộp điện tử, cá nhân không phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh; các giấy tờ pháp lý nộp kèm theo là bản scan.

Hệ thống đăng ký kinh doanh chưa tự động kiểm soát dữ liệu nên xảy ra nhiều trường hợp có dấu hiệu sử dụng giấy tờ pháp lý của cá nhân không phù hợp khi đăng ký DN; kê khai thông tin đăng ký DN không chính xác; cá nhân đăng ký nhiều DN, sau đó bỏ địa điểm kinh doanh để thành lập DN khác với mục đích mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...

Lợi dụng sự thông thoáng trên, các DN thành lập với mục đích gian lận về hóa đơn thường chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn khoảng 1 - 2 năm, sau đó tạm ngừng hoặc dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục giải thể với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế để tránh bị thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Khi cơ quan thuế nghi ngờ đưa vào thanh tra, kiểm tra thì DN đã làm thủ tục tạm ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, để trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tượng thường xuyên chuyển địa điểm kinh doanh; cá nhân sinh sống ở địa bàn này hoặc có địa điểm kinh doanh ở địa bàn này nhưng trụ sở chính của DN ở các địa bàn khác nơi sinh sống, kinh doanh… Địa điểm kinh doanh không có thật hoặc hợp đồng thuê nhà giả mạo để đăng ký địa điểm kinh doanh; cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế chưa có thông tin kiểm soát địa điểm kinh doanh có đúng địa chỉ đăng ký hay không...

Cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng

Để ngăn chặn triệt để tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, bà Lê Thị Duyên Hải cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng như: cơ quan công an, cơ quan hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo đó, ngành Thuế kiến nghị cần siết chặt lại quy định thành lập DN mới; kiểm soát thông tin của cá nhân tham gia thành lập, quản lý DN; cần đồng bộ, chuẩn hóa và xác thực toàn bộ thông tin định danh cá nhân của các cá nhân tham gia thành lập DN; bổ sung phiếu lý lịch tư pháp vào thành phần hồ sơ đăng ký thành lập DN, hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của các cá nhân tham gia thành lập và quản lý DN để phù hợp với quy định của Luật DN…

Đồng thời, cần sửa quy định để rút ngắn thời gian thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các DN không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký từ 1 năm xuống còn 90 ngày kể từ ngày công khai thông tin người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, nếu DN không báo cáo, không giải trình với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.

Trong công tác phối hợp, bà Lê Thị Duyên Hải đề xuất, cơ quan đăng ký cần tăng cường phối hợp với cơ quan công an trong việc trao đổi, cung cấp thông tin khi cơ quan công an ban hành các thông báo, các quyết định liên quan đến các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật với cơ quan thuế. Đối với cơ quan hải quan thường xuyên trao đổi thông tin, cập nhật danh sách rủi ro cao giữa cơ quan hải quan và cơ quan thuế các địa phương để đánh giá thực tế hoạt động của DN trên địa bàn, từ đó thống nhất các giải pháp quản lý ngăn chặn hoạt động gian lận về hóa đơn và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ngoài ra, các quy định pháp luật về hóa đơn cần được rà soát, đặc biệt là thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), lập HĐĐT. Bởi hiện nay, DN sau khi đăng ký thành lập, việc đăng ký sử dụng HĐĐT được thực hiện bằng phương thức điện tử, chỉ sử dụng chữ ký số cấp cho tổ chức do các tổ chức cung cấp chữ ký số cấp (chữ ký nhân danh) là chưa đảm bảo chặt chẽ, không có thông tin xác thực danh tính của người sử dụng chữ ký số, không có chữ ký số của cá nhân là người lập hóa đơn hoặc chữ ký số của người đại diện pháp luật của DN trên hoá đơn (bản chất chữ ký số nhân danh được hiểu là thay cho con dấu của tổ chức).

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng HĐĐT, Tổng cục Thuế đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp với cơ quan thuế địa phương. Cùng với đó, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành đã chỉ đạo toàn ngành Thuế tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình quản lý thuế nói chung và quản lý HĐĐT nói riêng.

Nhiều doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động nhưng vẫn còn nợ thuế

Thống kê của ngành Thuế cho thấy, số lượng doanh nghiệp (DN) không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong số các DN chấm dứt hoạt động. Cụ thể, năm 2022 là 68.242 DN; 3 tháng đầu năm 2023 là 16.451 DN; lũy kế trên hệ thống quản lý thuế tính đến ngày 17/4/2023 là 384.801 DN. Đáng chú ý trong số DN trên, có nhiều DN vẫn còn nợ thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ khai thuế, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thuế và các doanh nghiệp mua bán hóa đơn đều thuộc nhóm này.