1. Công văn số 51/TCT-TNCN ngày 07/01/2021 về chính sách thuế TNCN đối với khoản thanh toán cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
Trường hợp Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam chi trả các khoản thu nhập từ tiền lương từ 02 triệu đồng/lần trở lên cho người lao động vào thời điểm sau khi đã chấm dứt HĐLĐ thì Công ty phải thực hiện khấu trừ thuế TNCN của người lao động theo mức 10% trên tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định theo khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13).
Trường hợp người lao động chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của người lao động sau khi giảm trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì người lao động có thu nhập làm cam kết để không bị khấu trừ 10% thuế TNCN gửi Công ty để Công ty làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.
2. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 hướng dẫn thực hiện về Đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 hướng dẫn thực hiện về Đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020. Nghị định có một số điểm mới như:
Kinh doanh thời vụ không cần đăng ký kinh doanh
Nội dung này được quy định tại Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, quy định các đối tượng sau không cần đăng ký kinh doanh:
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;
- Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến;
- Kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
(Trước đây, Khoản 2 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP không đề cập đến nội dung này).
Từ ngày 04/01/2021 nhóm cá nhân không được thành lập Hộ kinh doanh:
Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định đối tượng thành lập hộ kinh doanh như sau:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
Trước đây khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định đối tượng được thành lập hộ kinh doanh như sau:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.”
Như vậy, theo quy định mới nhóm cá nhân không còn thuộc đối tượng thành lập hộ kinh doanh.
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 04/01/2021.
Đối với các hộ kinh doanh đã được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định 01/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, tại Điều 99 của Nghị định có Quy định chuyển tiếp đối với hộ kinh doanh do hộ gia đình, nhóm cá nhân thành lập như sau:
“1. Hộ kinh doanh do hộ gia đình, nhóm cá nhân thành lập đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động mà không bắt buộc phải đăng ký lại theo quy định tại Nghị định này.
2. Trường hợp hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, thông báo tạm ngừng kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, thông báo chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh thì biên bản họp nhóm cá nhân tham gia hộ kinh doanh được sử dụng thay thế cho biên bản họp thành viên hộ gia đình trong hồ sơ. Hộ kinh doanh nêu trên chỉ thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên nếu có thành viên không tiếp tục tham gia hộ kinh doanh.”