Cần sự phối hợp của các ngân hàng trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế

12/14/2022 08:13:11 AM

(TBTCO) - Trong quá triển khai thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) cần có dữ liệu để phân tích, đánh giá rủi ro, từ đó mới chỉ ra được đối tượng cần kiểm soát. Tuy nhiên, để xây dựng cơ sở dữ liệu, cần sự hợp tác của các ngân hàng trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế.

Chủ động khai thác thông tin giao dịch thương mại điện tử

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng cho biết, quán triệt chỉ đạo của Tổng cục Thuế, thời gian qua cục thuế đã tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài; tăng cường rà soát quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT đăng ký, kê khai, nộp thuế kinh doanh TMĐT.

Trong đó, cục thuế đã tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cục thuế về chính sách, nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, các sắc thuế phải nộp đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT nhằm đảm bảo các tổ chức, cá nhân nắm rõ được chính sách thuế, tự thực hiện kê khai, nộp thuế.

Các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh phối hợp để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Ảnh: TL.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hải Phòng cho biết, cục thuế tăng cường phối hợp với các phòng, ban chuyên môn trên địa bàn, UBND các xã, phường, thị trấn để phát hiện nắm bắt các địa điểm, các đối tượng có kinh doanh TMĐT trên địa bàn nhưng không đăng ký kê khai nộp thuế theo quy định.

Đồng thời, rà soát tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ TMĐT bằng biện pháp khai thác thông tin qua công tác phối hợp với các sở, ngành, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn; trực tiếp theo dõi những trang báo mạng phổ biến, trang Facebook, Tiktok, Youtube, Instagram chuyên quảng cáo sản phẩm hoặc bán hàng có số lượng người theo dõi và tương tác lớn để lấy thông tin về người bán.

Theo ông Trường, cục thuế tiếp nhận thông tin từ Tổng cục Thuế về các cá nhân, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp có giao dịch bán hàng tại các sàn TMĐT như Tiki, Lazada, Shopee và các giao dịch đáng ngờ, thông tin từ các ngân hàng về các cá nhân nhận được tiền chuyển khoản từ các tổ chức trong nước và nước ngoài như Facebook, Google…

Từ đó, Cục Thuế TP. Hải Phòng gửi công văn và danh sách các đối tượng có giao dịch trên đến các đơn vị thuộc và trực thuộc cục thuế để kiểm tra, làm việc với người nộp thuế (NNT), xác định chính xác số thuế phải nộp. Đồng thời theo dõi, đôn đốc, nhận báo cáo hàng tháng và hướng dẫn các đơn vị xử lý nếu có phát sinh thuế từ các giao dịch này.

Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT đối với các công ty có giao dịch, trả phí dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài; rà soát kĩ các ngành nghề cho thuê nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ du lịch, bán lẻ, thời trang vì những ngành nghề này dễ phát sinh phí dịch vụ đặt phòng, phí quảng cáo trên các trang web của các tổ chức nước ngoài.

Kết quả, trong 9 tháng năm 2022, đối với cá nhân có hoạt động kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ TMĐT: Đã hướng dẫn, đôn đốc 9 cá nhân kê khai thu nhập trên 59 tỷ đồng từ các website nước ngoài như Facebook, Google đối với hoạt động sáng tạo nội dung, số thuế phát sinh phải nộp 4,190 tỷ đồng; 1 cá nhân có thu nhập từ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử kê khai và nộp thuế 30 triệu đồng.

Ngân hàng phải phối hợp để xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế

Tuy nhiên, ông Trường cho hay, vẫn còn nhiều khó khăn trong kiểm soát hoạt động TMĐT, tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 65 ngân hàng phản hồi, nhưng đa phần từ chối với nhiều lý do; một số ngân hàng báo cáo chưa phát hiện cá nhân, tổ chức trên địa bàn TP. Hải Phòng có thu nhập từ các trang mạng lớn như Google, Facebook, Youtube... và các nội dung chuyển khoản liên quan đến doanh thu bán hàng online.

Các cá nhân nhận được thu nhập từ nước ngoài áp dụng rất nhiều cách để tránh việc truy vết của cơ quan thuế: thanh toán qua các Cổng thanh toán nước ngoài về tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để nhận tiền, hoặc có thể đặt mua hộ hàng quốc tế và thanh toán hộ các cá nhân khác tại Việt Nam và nhận lại tiền VNĐ từ các cá nhân này.

Một số cá nhân khác yêu cầu bên chi trả tiền mặt trực tiếp tại ngân hàng qua hệ thống chuyển tiền Western Union, SWIFT… chứ không chuyển khoản qua tài khoản, nên cơ quan thuế cũng khó truy vết được luồng tiền về qua sao kê ngân hàng.

Cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển mạnh thời gian gần đây. Ảnh: Văn Nam.

Còn theo đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội, việc xây dựng cơ sở dữ liệu khó khăn do dữ liệu cung cấp từ phía các ngân hàng, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển còn chưa kịp thời, nhiều đơn vị còn chưa có nhận định đúng về việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, quy định về chế độ bảo mật thông tin, một số đơn vị vẫn còn gặp vướng mắc hạn chế trong hạ tầng công nghệ thông tin dẫn đến không cung cấp được dữ liệu cho cơ quan thuế theo yêu cầu.

“Về nội dung kiểm soát đối tượng, cơ quan thuế gặp khó khăn trong công tác xác minh thông tin của cá nhân do thông tin giao dịch ngân hàng không được cập nhật thường xuyên, phải thu thập thông tin của thời gian trước thời điểm phát sinh, sau đó mới thực hiện công tác xác minh, dẫn đến tại thời điểm xác minh cá nhân đã chuyển đi nơi khác, không liên hệ được với NNT” - đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay.

Khuyến nghị các giải pháp để triển khai tại các cơ quan thuế địa phương, đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu các mô hình kinh doanh mới, nhận diện mô hình để đề nghị ngân hàng thương mại, sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin.

Tiếp tục các biện pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, phối hợp chặt chẽ các công tác triển khai quản lý với các sở, ngành trên địa bàn để thu thập thông tin người bán. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan quản lý phường xã, cơ quan quản lý thị trường trên địa bàn để triển khai xác minh hoạt động của các cá nhân kinh doanh trên địa bàn.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh có phát sinh hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế

Theo Tổng cục Thuế, sau hơn 8 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài - NCCNN (từ ngày 21/3/2022 đến nay) đã có 42 NCCNN đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Sĩ… tổng số thuế đã nộp hơn 3.444 tỷ đồng. Trong đó, gần 1.900 tỷ đồng các NCCNN đã khai, nộp trực tiếp qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN và phần còn lại do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay. Trong đó, 6 NCCNN lớn như Facebook (Meta), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Đức Việt

thoibaotaichinhvietnam.vn