Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030: Tăng điều tiết đối với đất và bổ sung thuế đối với nhà để hạn chế đầu cơ

5/5/2022
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, Tổng cục Thuế nghiên cứu tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ.

PV: Thưa bà, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo bà, nội dung quan trọng nhất trong chiến lược này là gì?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó đưa ra các nội dung rất cụ thể về cải cách hệ thống chính sách, thể chế thuế. Có một nội dung rất quan trọng, đó là công tác quản lý thuế. Chiến lược cũng hướng đến mô hình quản lý thuế phục vụ chính phủ điện tử, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để làm được điều này, đòi hỏi đội ngũ thực hiện chính sách thuế phải đổi mới để đáp ứng được yêu cầu của chiến lược cải cách hệ thống thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc

Có thể nói, khi có một hệ thống chính sách thuế tốt, muốn triển khai thành công thì con người rất là quan trọng. Nếu chúng ta có phương pháp quản lý thuế hiện đại, nhưng con người không đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, tinh thông về nghiệp vụ, chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp… thì không thể nào xây dựng, cũng như thực hiện thành công chiến lược cải cách hệ thống thuế. Bởi vậy, mục tiêu xây dựng ngành Thuế Việt Nam phải hiện đại, tinh gọn, đảm bảo, hiệu lực, hiệu quả được thể hiện ở năng lực cán bộ quản lý, từ chuyên môn nghiệp vụ, đến ứng dụng công nghệ thông tin.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân

PV: Như bà vừa nói, ngoài hệ thống chính sách, con người là một trong những yếu tố rất quan trọng, quyết định để thực hiện thành công chiến lược cải cách hệ thống thuế. Bà có cho rằng, trong khi nhân lực có hạn với số lượng doanh nghiệp lớn như hiện nay, ngành Thuế rất cần sự chung tay phối hợp của các bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Đúng như vậy, để quản lý thuế hiệu quả, ngoài việc hoàn thiện về chính sách pháp luật, quy trình, nâng cao năng lực của công chức thuế, cơ quan thuế phải phối kết hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan như: các bộ, ngành để kết nối dữ liệu; phối hợp với các đại lý thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế. Vì hiện nay ngành Thuế có hơn 4 vạn cán bộ, công chức thuế, nhưng số lượng doanh nghiệp trên 800 nghìn đơn vị, hàng triệu hộ kinh doanh, hàng chục triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân, nếu không có sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị thì việc quản lý sẽ rất vất vả.

PV: Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm trong chiến lược cải cách, đó là ngành Thuế sẽ nghiên cứu tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ. Ý kiến của bà về nội dung này ra sao?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Hiện nay vấn đề quản lý thuế đối với nhà, đất, cũng như hoạt động kinh doanh bất động sản là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã thông qua Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó giao Bộ Tài chính đưa ra mức điều tiết đối với hoạt động kinh doanh bất động sản để đảm bảo tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đảm bảo nhà ở cho người dân. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn.

Quản lý chặt dòng tiền khi mua bán bất động sản

Theo bà Cúc, việc mua bán bất động sản hiện nay cần phải quản lý chặt. “Đối với các nước, việc chứng minh thu nhập cũng như nguồn tiền để mua, bán bất động sản rất chặt chẽ. Với doanh nghiệp phải chứng minh số vốn đầu tư, cá nhân cũng phải chứng minh nguồn thu nhập của mình là từ tiền lương tiền công, thừa kế... Chứ như hiện nay không bắt buộc phải chứng minh thu nhập, cứ có tiền, có vàng, có ngoại tệ là có thể giao dịch, mua bán bất động sản, như vậy rất khó kiểm soát, dẫn đến việc bất bình đẳng trong điều tiết về thuế” - bà Cúc nói.

Hiện nay, chính sách về thuế về nhà đất là chính sách rất phức tạp, có đến 7 - 8 loại thuế liên quan đến hoạt động này. Mỗi loại thuế lại đang nằm ở một văn bản khác khau, cần phải thống nhất và phải có sự điều tiết cho phù hợp. Có trường hợp các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ chênh lệch địa tô, ví dụ, khi đang ở nhà trong ngõ, nhưng khi Nhà nước quy hoạch mở đường, xây dựng công trình phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội như khu công nghiệp, sân bay... khiến giá đất tăng lên, giá trị tăng thêm này lại đang vào tay của tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, chứ Nhà nước không được hưởng lợi. Do đó, phải điều tiết lại mức thuế cho phù hợp. Nhiều nước hiện nay khoản chênh lệch địa tô này Nhà nước thu lại một phần, nhưng ở nước ta hiện nay chưa có chính sách này.

Từ thực tế đó, chúng ta cần đưa ra chính sách điều tiết với bất động sản cho phù hợp. Nhưng việc điều tiết này với đối tượng nào, thì cần phải được tính toán kỹ lưỡng.

PV: Xin cảm ơn bà!

Thống nhất quy định về ưu đãi thuế trong các luật về thuế

Nói về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, bà Cúc cho biết, có một nội dung bà rất tâm đắc, đó là chính sách ưu đãi về thuế sẽ chỉ được quy định tại các văn bản pháp luật về thuế. Đây là luật gốc, là cơ sở để thực hiện các quy định, ưu đãi về thuế. Theo bà Cúc, chính sách ưu đãi về thuế hiện nay nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Ví dụ, chính sách ưu đãi về thuế đối với người có công đang được quy định ở Pháp lệnh Người có công; ưu đãi đầu tư nước ngoài cũng có thể quy định tại các văn bản pháp luật khác không phải là văn bản pháp luật về thuế...

Chiến lược lần này đưa chính sách ưu đãi về thuế chỉ được quy định tại các văn bản pháp luật về thuế, điều này đảm bảo sự bình đẳng, công bằng, hướng đến một chính sách thuế minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện. Khi thống nhất tất cả các chính sách ưu đãi vào các luật về thuế, việc ưu đãi sẽ thống nhất, đúng đối tượng, không ưu đãi tràn lan.

“Trước đây khi chúng ta mới bắt đầu mở cửa, chúng ta có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng hiện nay việc thu hút đầu tư không phải là số lượng, mà điều chúng ta cần là chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp. Hiện nay, việc thu hút đầu tư phải là các lĩnh vực mũi nhọn của đất nước, lĩnh vực công nghệ cao, hoặc địa bàn khó khăn, miền núi... Như vậy phải chuyển dịch ưu đãi, loại bỏ những ưu đãi không còn phù hợp và có quy định thống nhất” - bà Cúc nói.

Bà Cúc cũng cho rằng, việc rà soát ưu đãi về thuế hiện nay còn đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, thống nhất với hệ thống chính sách thuế của các nước. “Chiến lược cải cách hệ thống thuế một mặt bỏ những chính sách ưu đãi không còn phù hợp, mặt khác cũng chuyển dịch những ưu đãi mới đảm bảo công bằng, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo bình đẳng, công bằng” - bà Cúc nói.

 

 

Theo Thời báo Tài chính