Ngày 30/7, đêm ca nhạc trong khuôn khổ World Tour (Lưu diễn vòng quanh thế giới) của nhóm nhạc BlackPink chính thức kết thúc sau 2 đêm diễn liên tiếp, đồng thời cũng là trở lại châu Á của nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc.
Cả 2 đêm diễn đều thu hút lượng khán giả lớn. Tổng kết 2 đêm diễn của nhóm nhạc nữ nổi tiếng này có khoảng 67.000 vé được bán ra, giá vé trung bình là 5 triệu đồng/vé. Doanh thu ước tính từ cả hai đêm diễn rơi vào khoảng 335 tỷ đồng chỉ từ tiền bán vé. Công ty IME Việt Nam là đơn vị tổ chức show BlackPink tại Hà Nội. Với số thu khổng lồ như vậy, vậy phía Việt Nam thu thuế được bao nhiêu từ sự kiện này?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Thường trực BCH, Phó trưởng Ban đối ngoại Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín phân tích: Theo quy định hiện hành, BlackPink Hàn Quốc và các bên liên quan có nghĩa vụ đóng thuế với ngân sách nhà nước Việt Nam bao gồm: Đối với Bên Việt Nam đứng ra tổ chức đêm biểu diễn sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 5% đối với vé xem văn nghệ được bán ra theo quy định tại khoản 13 Điều 10 Thông tư số 219 năm 2013 của Bộ Tài chính và sau khi trừ các khoản chi phí được trừ theo quy định thì đơn vị này kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với thuế suất 20% tương tự như các doanh nghiệp thông thường.
Đối với Bên nước ngoài là Công ty đại diện năm của 4 nữ nghệ sỹ thuộc đối tượng thu thuế nhà thầu nước ngoài (NTNN) trên cơ sở cung cấp dịch vụ tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 103 năm 2014 của Bộ Tài chính và theo quy định tại Điều 22 Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc năm 1994 và các phiên bản sửa đổi thì thu nhập nhận được của đơn vị này là loại thu nhập khác theo Hiệp định Thuế nên Việt Nam có quyền đánh thuế đối với khoản thu nhập này, trừ trường hợp được miễn thuế theo Hiệp định.
Căn cứ các quy định về quản lý thuế và luật thuế nhà thầu hiện hành thì trước khi Bên Việt Nam chi trả khoản thu nhập cho Bên nước ngoài là Công ty đại diện thì Bên Việt Nam phải thực hiện khấu trừ NTNN vào sổ sách nhà nước Việt Nam với tỷ lệ 5% thuế GTGT và 5% thuế TNDN theo quy định tại mục 1, điểm khoản 2 Điều 12 và khoản 2 điểm khoản 2 Điều 13 Thông tư số 103 nêu trên.
Đối với 4 nữ nghệ sĩ tương tự Bên nước ngoài cũng sẽ phát sinh nghĩa vụ thuế cho phần thu nhập có nguồn gốc tại Việt Nam thông qua việc làm biểu diễn nghệ thuật Bên nước ngoài là Công ty đại diện chi trả tại Hàn Quốc theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 103 năm 2014 nêu trên.
Căn cứ vào Điều 17 Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Hàn Quốc thì thu nhập của nghệ sĩ, vận động viên phát sinh từ cuộc biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam thuộc quyền đánh thuế của Việt Nam đối với phần thu nhập được Công ty đại diện tại Hàn Quốc phân bổ cho cuộc biểu diễn tại Việt Nam. Nghĩa vụ thuế trong trường hợp này tương tự như đối với cá nhân hành nghề độc lập với tỷ lệ thuế là 2% Thuế GTGT và 1% Thuế TNCN theo quy định tại khoản 4 Phụ lục 1 Thông tư số 40 năm 2021 của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, thu nhập của 4 nữ nghệ sĩ liên quan đến cuộc biểu diễn tại Việt Nam do Công ty đại diện tại Hàn Quốc chi nên việc thu thuế có nhiều khó khăn. Do đó, theo ông Được cơ quan thuế Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan chức năng hoặc thực hiện khai thác tư pháp trong lĩnh vực thuế nếu các nghệ sĩ không trung thực hoặc không tuân thủ pháp luật thuế của Việt Nam để tránh thất thu thuế (nếu có).