VTCA tổ chức thành công buổi cập nhật chính sách thuế, kế toán cho Đại lý thuế và Doanh nghiệp

19/1/2022
Ngày 18/1 vừa qua, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đã tổ chức Lớp cập nhật kiến thức số 01 năm 2022 cho đại lý thuế và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực thuế

Lớp cập nhật kiến thức số 01 năm 2022 của VTCA thu hút 140 học viên tham gia

Để giúp các doanh nghiệp, đại lý thuế nắm bắt kịp thời các thay đổi về chính sách và gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh chịu tác động của Covid-19 của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, VTCA tổ chức lớp Cập nhật kiến thức online số 01/2022 vào ngày 18/01/2022.

Đối tượng tham gia lớp học là các cá nhân có chứng chỉ hành nghề đại lý thuế theo quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý hành nghề làm dịch vụ thủ tục về thuế và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực thuế.

Bên cạnh các nội dung về các giải pháp của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế liên quan đến xác định chi phí tính thuế Thu nhập doanh nghiệp, thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân khi quyết toán thuế năm 2021, ông Nguyễn Hữu Tân - Chuyên viên cao cấp, Chánh văn phòng VTCA đã trình bày nội dung chính của Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định 123/2020/NĐ-CP; Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Lưu ý doanh nghiệp về hiệu lực thi hành và việc xử lý chuyển tiếp quy định tại Thông tư số 78 /2021/TT-BTC, ông Nguyễn Hữu Tân nhấn mạnh, Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này và của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.

Riêng trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (đối tượng ko phải trả tiền dịch vụ) không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử. Thời gian tối đa 12 tháng được tính một lần kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động từ trước 01 tháng 7 năm 2022; hoặc kể từ thời điểm đăng ký bắt đầu sử dụng hoá đơn đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới thành lập từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.

Về xử lý chuyển tiếp, Thông tư 78 /2021/TT-BTC quy định, đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày Thông tư này được ban hành đến hết ngày 30/6/2022, trường hợp cơ quan thuế thông báo thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018, Thông tư số 68/2019/TT-BTC và Thông tư này thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

Trường hợp chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng CNTT mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì thực hiện báo cáo về cơ quan thuế Mẫu số 03/DL-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cùng với việc nộp tờ khai thuế GTGT.

Đối với hóa đơn của cơ quan thuế đã đặt in theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 nếu có ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn giống với hướng dẫn tại Thông tư này và nội dung phù hợp với quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì cơ quan thuế được sử dụng hóa đơn đã đặt in để bán cho các đối tượng được mua hóa đơn từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Phần giải đáp vướng mắc, Giảng viên đã trao đổi giải đáp đầy đủ đáp ứng các yêu của của học viên tại buổi học.

Vào buổi chiều cùng ngày, Bà Phạm Thị Loan, Trưởng phòng, Cục Quản lý giám sát Kế toán Kiểm toán Bộ tài chính đã trình bày những vấn đề hết sức thiết thực về đối với công tác kế toán tại Doanh nghiệp, đó là những nội dung cần lưu ý khi hạch toán kế toán, lập Báo cáo Tài Chính theo các quy định hiện hành và một số nội dung về chế độ kế toán DNNVV, Hộ, cá nhân kinh doanh và giảng viên đã giải đáp các vướng mắc của học viên.  

Vơi sự tham gia rất nghiêm túc, sôi nổi của các học viên và sự truyền đạt, giải đáp đầy đủ của các giảng viên, lớp cập nhật đã đạt được mục tiêu đề ra và thành công tốt đẹp.