(TBTCO) - Thực hiện theo tinh thần của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các nghị quyết, quyết định và Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, mục tiêu hướng đến của phương pháp tính thuế hỗn hợp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đảm bảo yếu tố điều chỉnh tăng thuế TTĐB sản phẩm thuốc lá theo lộ trình, góp phần hạn chế tiêu dùng thuốc lá bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá” được Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp Hội Tư vấn thuế Việt Nam tổ chức ngày 22/9, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.
Đây là những con số cho thấy tác hại đáng báo động của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội. Chính vì vậy, việc phòng chống tác hại của thuốc lá hiện nay không còn là việc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà của toàn xã hội, của cả quốc gia và đã trở thành hoạt động chung trên toàn thế giới.
Bà Nguyễn Thị Cúc cho hay, mặc dù Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2021 đã tính đến phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB... Tuy nhiên, qua một thập kỷ qua (2011-2021) chưa áp dụng được phương pháp tính thuế hỗn hợp. |
Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh, nhận thức được tác hại của thuốc lá, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã sớm vào cuộc nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và xã hội, hạn chế ảnh hưởng của khói thuốc lá nơi công cộng. Ngày 25/1/2013, Chính phủ ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020”; và tiếp đó là “Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030” được ban hành theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023. Thuốc lá hiện nay là mặt hàng chịu thuế TTĐB tại Việt Nam với mức thuế suất 75% trên giá xuất xưởng.
Để tăng cường hiệu quả của việc phòng chống tác hại thuốc lá, tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Chính phủ ban hành theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022, đặt ra giải pháp đối với chính sách thuế TTĐB là xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối (phương pháp hỗn hợp) đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam tham luận tại hội thảo.
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, trong 33 năm qua, các luật sửa đổi, bổ sung thuế TTĐB chỉ thay đổi thuế suất, phương pháp tính thuế TTĐB theo % không thay đổi. Trong khi đó, nhiều nước áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc tương đối kết hợp với tuyệt đối. Xu hướng quốc tế hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho hay, thực hiện theo tinh thần của Luật thuế TTĐB và các quyết định, nghị quyết và Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, mục tiêu hướng đến của phương pháp tính thuế hỗn hợp thuế TTĐB đảm bảo yếu tố điều chỉnh tăng thuế TTĐB theo lộ trình, góp phần hạn chế tiêu dùng thuốc lá bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nhân dân theo mục tiêu đặt ra đối với từng nhóm đối tượng theo chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Trong đó, xây dựng cơ cấu mô hình thuế hỗn hợp trên cơ sở xác định tỷ lệ thuế suất tương đối, mức thuế tuyệt đối bằng tiền trên một bao thuốc hợp lý và gia tăng theo lộ trình để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu sức khỏe công đồng, thu NSNN và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và người lao động liên quan đến ngành thuốc lá.
Toàn cảnh hội thảo.
Đồng thời, khảo sát tình hình thực tế của thị trường thuốc lá để xây dựng số liệu giả định, có tính đến các nhãn hàng chủ yếu để xây dựng số liệu giả định chính sách thuế tăng sau khi điều chính thuế theo phương pháp hỗn hợp.
“Đi đôi với việc áp dụng phương pháp tính thuế TTĐB hỗn hợp, tăng thuế theo lộ trình, để hạn chế sử dụng thuốc lá cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phi thuế như tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thuốc lá không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Tăng cường chống thuốc lá nhập lậu, thực hiện nghiêm vùng cấm hút thuốc lá, tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với việc hút thuốc lá…” - bà Cúc nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu và chuyên gia đã tập trung thảo luận các nội dung: Đánh giá tổng quan về chính sách và quản lý thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Việt Nam hiện nay, sự cần thiết của việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá; chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng các nước trên thế giới về việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá; đánh giá tác động của việc điều chỉnh chính sách thuế TTĐB đối với thuốc lá đến kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước; chia sẻ, thảo luận về định hướng chính sách thuế TTĐB đối với thuốc lá, một số gợi ý, kiến nghị trong việc xây dựng chính sách thuế TTĐB trong thời gian tới./.