Tình huống thuế số 03-2023
Upload file:
Câu 1. Hỏi: Tôi đi làm được 5 năm nhưng chưa khi nào làm quyết toán thuế TNCN, tôi muốn biết thông tin về các khoản thuế đã nộp và muốn biết bằng cách nào tôi có thể kiểm tra tính chính xác về thông tin nộp thuế thu nhập cá nhân của mình?
Trả lời: (trích trả lời của Tổng cục Thuế tại Công văn số 1483/TCT-KK ngày 24/4/2023)
Từ ngày 10/5/2023, Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế bao gồm dịch vụ Thuế điện tử eTax; eTax Mobile được nâng cấp chức năng cho phép người nộp thuế thực hiện các nghiệp vụ:
- Tra cứu nghĩa vụ thuế;
- Hỗ trợ sắp xếp thứ tự thanh toán theo quy định của Luật Quản lý thuế;
- Lập Giấy nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước theo mã ID, tra soát, điều chỉnh thông tin thu nộp ngân sách nhà nước theo mã ID.
Để triển khai quy định tại Thông tư 19/2021/TT-BTC, Tổng cục Thuế hướng dẫn về việc thu nộp thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu theo mã ID như sau:
- Thứ nhất, triển khai cấp và thông báo mã ID khoản phải nộp cho người nộp thuế.
- Thứ hai, triển khai việc cung cấp thông tin ID khoản phải nộp cho tổ chức phối hợp thu.
- Thứ ba, triển khai hướng dẫn sử dụng ID khoản phải nộp.
Sử dụng mã ID khoản phải nộp
(1) Người nộp thuế sử dụng mã ID khoản phải nộp để thực hiện:
- Tra cứu tình hình xử lý nghĩa vụ thuế của NNT;
- Nộp tiền vào ngân sách nhà nước;
- Tra soát, điều chỉnh thông tin thu nộp ngân sách nhà nước tại Cổng TTĐT của TCT.
(2) Kho bạc Nhà nước, Cổng dịch vụ công Quốc gia, ngân hàng:
- Truy vấn ID khoản phải nộp tại Cổng TTĐT của TCT;
- Sử dụng ID khoản phải nộp tại các thông báo nộp tiền do NNT cung cấp;
- Sử dụng ID khoản phải nộp để kê khai trên Bảng kê nộp tiền, Giấy nộp tiền để hỗ trợ NNT lập chứng từ nộp tiền trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước/ngân hàng;
- Sử dụng ID khoản phải nộp bằng phương thức điện tử qua các dịch vụ do KBNN/Cổng dịch vụ công Quốc gia/ngân hàng cung cấp.
(3) Cơ quan thuế sử dụng mã ID khoản phải nộp để:
- Sử dụng ID khoản phải nộp để theo dõi, quản lý nghĩa vụ thuế của NNT với các nội dung sau:
+ Tiếp nhận chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước có ID khoản phải nộp, xử lý bù trừ khoản phải nộp với khoản đã nộp theo ID.
+ Xử lý hồ sơ đề nghị tra soát, điều chỉnh thông tin thu nộp ngân sách nhà nước theo ID.
Câu 2: Hỏi: Chúng tôi là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề, xin cho biết việc sử dụng đất của tổ chức- doanh nghiệp có liên quan như thế nào tới điều kiện xác định là cơ sở xã hội hóa và được hưởng ưu đãi thuế TNDN?
Trả lời: (trích trả lời của Tổng cục Thuế tại công văn số 1706/TCT-CS ngày 12/5/2023)
Tại Điều 6 Luật đất đai số 45/2013/QH13 quy định về nguyên tắc sử dụng đất:
“1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
- Tại Điều 12 Luật đất đai số 45/2013/QH13 nêu trên quy định về những hành vi bị nghiêm cấm:
"2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”.
Để xác định cơ sở đủ điều kiện là cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề ngoài việc đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP còn phải đáp ứng quy định của các pháp luật liên quan.
Theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg thì cần phải đảm bảo đất sử dụng đúng theo quy định pháp luật. Theo đó, đất sử dụng làm cơ sở xã hội hóa không đúng quy định pháp luật thì cơ sở đó chưa đủ điều kiện để xác định là cơ sở xã hội hóa theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg. Do vậy, Tổng cục Thuế thống nhất với đề xuất của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận: Trung tâm không được hưởng ưu đãi thuế TNDN do Trung tâm sử dụng đất chưa đúng với quy định của Luật Đất đai.
Câu 3: Hỏi: Chúng tôi là Nhà thầu nước ngoài, nếu Hóa đơn của chúng tôi (Nhà thầu) xuất cho Chủ đầu tư không chi tiết theo số lượng, giá trị, máy móc thiết bị mà xuất theo biên bản nghiệm thu từng lần riêng cho phần máy móc, thiết bị quy định tại hợp đồng thầu thì tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu được tính như thế nào?
Trả lời: (trích công văn số 1707/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 12/5/2023 về chính sách thuế nhà thầu)
Hóa đơn Nhà thầu xuất cho Chủ đầu tư không chi tiết theo số lượng, giá trị, máy móc thiết bị mà xuất theo biên bản nghiệm thu từng lần riêng cho phần máy móc, thiết bị quy định tại hợp đồng thầu; Cục Thuế đã xác định tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu đối với hoạt động thương mại của phần giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu nguyên chiếc, có đầy đủ hỗ sơ kỹ thuật là 1%; Đối với phần máy móc, thiết bị không nguyên chiếc (để phục vụ việc vận chuyển máy móc, thiết bị dễ dàng), Cục Thuế đang yêu cầu Nhà thầu cung cấp tiếp hồ sơ đề có cơ sở xác định tỷ lệ thuế TNDN tương ứng.
TCT đề nghị Nhà thầu cung cấp hồ sơ, chứng từ đề Cục Thuế tỉnh căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2013 của Bộ Tài chính, quy định tại khoản 25 Điều 3 và khoản 1 Điều 112 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quyết định theo thẩm quyền.
Câu 4: Hỏi: Xin cho biết ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được quy định như thế nào?
Trả lời: (Trích công văn số 1713/TCT-CS của Tổng Cục Thuế ngày 12/5/2023)
- Tại khoản 5 Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015) quy định:
“5. Bổ sung điểm đ và điểm e vào khoản 1 Điều l3 như sau:
đ) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao;
- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giây, điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương.
Chính phủ quy định Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại điểm này” .
- Tại Điều 1 Nghị định số 57/2021/NĐ-CP ngày 4/6/2021 của Chính phủ về việc bổ sung điểm g Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quy định:
“g) Doanh nghiệp có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
g1) Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà thu nhập từ dự án này chưa được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ kế từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
g2) Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà thu nhập từ dự án này đã hưởng hết ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ) thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
Tổng cục Thuế nhất trí với đề xuất của Cục Thuế thành phố Hà Nội trình bày tại công văn số 9303/CTHN-TTHT, cụ thể: Đối với các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thực hiện từ 1/1/2015 đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13, dự án được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đang được hưởng hoặc đã hưởng hết ưu đãi theo điều kiện khác thì thời gian hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải trừ đi thời gian ưu đãi đã hưởng theo điều kiện khác.
Câu 5: Hỏi: Xin cho biết cách tính thuế tài nguyên với nước thiên nhiên?
Trả lời: (Trích công văn số 1852/TCT-CS ngày 17/5/2023 của Tổng cục Thuế về giá tính thuế tài nguyên)
Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối (m3) hoặc lít (l) theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam. Người nộp thuế phải lắp đặt thiết bị đo đếm sản lượng nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên khai thác để làm căn cứ tính thuế.
Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm: thuế giá trị gia tăng nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trường hợp nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh mà không có giá bán ra thì giá tính thuế tài nguyên do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Giá tính thuế đối với tài nguyên khai thác được xác định ở khâu nào thì sản lượng tính thuế tài nguyên áp dụng tại khâu đó.