Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước

12/23/2014 02:44:55 PM




Ngay từ đầu năm 2014, ngành Thuế và Hải quan đã cụ thể hoá các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài chính về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, theo đó cơ quan thuế, hải quan từ trung ương đến cơ sở đã đồng loạt triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu thuế, chống buôn lâu, gian lận thương mại, tích cực thu hồi nợ đọng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đạt được các kết quả tích cực, cụ thể:
Upload file:

 

 

Ảnh minh họa

 

Thứ nhất, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã đề ra các giải pháp chi tiết để quán triệt, thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. Tổng cục Thuế đã tiến hành giao chỉ tiêu phấn đấu thu nội địa năm 2014 cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạo động lực để toàn ngành quyết tâm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, đã triển khai giao dự toán thu hàng quý theo đúng thời hạn, phù hợp với phát sinh kinh tế của từng địa bàn, làm căn cứ để các Cục Thuế triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu hàng tháng, quý phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, Chính phủ. Và Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế; kiểm tra sau thông quan; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành để ngăn ngừa, kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại qua xuất xứ hàng hóa, xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng có dấu hiệu kim ngạch bất thường, thuế suất cao.

 

Thứ hai, từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế các cấp đã thường xuyên kiểm tra, đối chiếu giữa tình hình thực tế với hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế đảm bảo kiểm soát, nắm bắt, theo dõi và quản lý thuế kịp thời. Chú trọng việc rà soát thông tin NNT trên ứng dụng, kịp thời đôn đốc NNT bổ sung thông tin thay đổi gửi cơ quan thuế để cập nhật thông tin phục vụ cho công tác quản lý thuế. Tính từ đầu năm đến ngày 30/11/2014, toàn quốc có 69.619 DN thành lập mới, có 68.169 DN ngừng hoạt động SXKD, tăng 27,9% so với cùng kỳ (trong đó: số DN giải thể, phá sản là 17.845 DN, chiếm 26,2% và bỏ địa điểm kinh doanh là 34.674 DN, chiếm 50,9%) , có 20.163 DN tạm nghỉ sản xuất kinh doanh, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, đến thời điểm 30/11/2014, toàn quốc hiện có 487.633 DN đang hoạt động, tăng 4,1% so với so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: DNNN là 5.499 DN (chiếm tỷ trọng 1,12%); Doanh nghiệp ĐTNN là 13.426 DN (chiếm tỷ trọng 2,75%); Doanh nghiệp NQD là 468.708 DN (chiếm tỷ trọng 96,11%). Đẩy mạnh việc giám sát, đôn đốc kê khai thuế, nhờ đó công tác quản lý, giám sát kê khai thuế ngày càng chặt chẽ và tạo được những chuyển biến tích cực. Tổng số tờ khai thuế của cả nước đạt 92% trên tổng số tờ khai phải nộp, tỷ lệ TK nộp đúng hạn/TK đã nộp đạt 95%. Số TK không nộp chiếm 8% tổng số TK phải nộp và giảm 40% so với cùng kỳ năm 2013. Đối với cơ quan hải quan, đã tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, kịp thời ngăn chặn hành vi xuất khống hàng hóa nhằm mục đích chiếm đoạt tiền thuế GTGT thông qua khấu trừ, hoàn thuế. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hàng TN-TX, hàng gia công, nhập sản xuất xuất khẩu...  Thường xuyên rà soát tài khoản tạm thu, tạm giữ để chuyển nộp ngân sách các khoản quá 90 ngày theo quy định.   

 

Thứ ba, hai cơ quan Thuế và Hải quan thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai hải quan và kê khai thuế đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế nhằm chống các hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các chính sách thuế và quản lý thuế mới đến người nộp thuế, đặc biệt là những nội dung về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã tham mưu giúp Bộ Tài chính hoàn thành việc tổ chức các Hội nghị đối thoại DN năm 2014 giữa Bộ Tài chính với Đại sứ quán Hàn Quốc, với DN Châu Âu; phối hợp với Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Đối với Tổng cục Thuế, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, đã tiến hành rà soát, lược bỏ các hình thức tuyên truyền lạc hậu, không hiệu quả bằng các hình thức tuyên truyền hiện đại, dễ tiếp cận và mang lại hiệu quả cao, trong đó có việc phối hợp với VTV, VOV tăng dung lượng, tần suất phát sóng, đưa tin các vấn đề về thuế để phản ánh kịp thời những hoạt động về thuế đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp.

 

Thứ tư, xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2014 đến từng đơn vị, chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; Hàng tháng, xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ chi tiết đối với từng người nộp thuế, từng khoản thu, sắc thuế, từng địa bàn, khu vực kinh tế, đồng thời, đề ra các biện pháp thực hiện kế hoạch có hiệu quả để đạt được chỉ tiêu. Cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan (Kho bạc nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, toà án, công an) để thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu hồi đối với người nợ thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày và đã hết thời hạn gia hạn nộp thuế. Nhờ đó, trong năm 2014, Tổng cục Thuế đã thu được 50% số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2013 chuyển sang (trên 30 ngàn tỷ đồng), trong đó bằng biện pháp quản lý nợ là 83%; bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 17%. Tổng cục Hải quan đã thu được 1.785 tỷ đồng nợ thuế của năm 2013 chuyển sang, đạt 63,5% kế hoạch. (Biểu nợ thuế của từng địa phương kèm theo)

 

Thứ năm, tổ chức sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực để tập trung tối đa cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Cùng với thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, việc tổng hợp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thủ đoạn gian lận và chiếm đoạt tiền thuế cũng được chú trọng. Thường xuyên nghiên cứu, đổi mới phương pháp kiểm tra, nâng cao chất lượng phân tích hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra thuế. Bên cạnh đó, toàn hệ thống thuế đã tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sử dụng hoá đơn bất hợp pháp; Thanh tra các doanh nghiệp giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; chuyển giá; doanh nghiệp lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp hoàn thuế lớn; Các lĩnh vực phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài (xuất khẩu tại chỗ, bản quyền, chuyển giao công nghệ, dịch vụ bảo hành, ...); thương mại điện tử, bán hàng qua mạng, kinh doanh trực tuyến; dược phẩm, thiết bị y tế; các doanh nghiệp xã hội hoá; Các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế (kinh doanh hàng nông sản thực phẩm, cà phê xuất khẩu qua đường biên giới đất liền...). Chú trọng sửa đổi, bổ sung quy trình thanh tra, kiểm tra thuế gắn với xây dựng các ứng dụng CNTT phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, xây dựng các tài liệu, giáo trình phục vụ công tác đào tạo, bỗi dưỡng, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Trong 11 tháng đầu năm 2014 cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra được 62.682 doanh nghiệp. Đặc biệt, trong năm 2014 Tổng cục Thuế đã trực tiếp triển khai các đoàn kiểm tra, thanh tra về công tác hoàn thuế GTGT tại các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Lào Cai, Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ngãi, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp và thực hiện khảo sát về hoàn thuế GTGT tại Trà Vinh, Bình Phước, Bến Tre và Vĩnh Phúc.Riêng về thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, năm 2014 ước thực hiện thanh tra, kiểm tra 2.866 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết (bằng 179,80% so với cùng kỳ), giảm lỗ 5.830,16 tỷ đồng (bằng 181,69% so với cùng kỳ), truy thu, truy hoàn và phạt 1.700,81 tỷ đồng (bằng 211,96% so với cùng kỳ). Trong đó, qua thanh tra, kiểm tra đối với 30 doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, rủi ro cao về chuyển giá, cơ quan thuế đã kết thúc thanh tra, kết quả đã giảm lỗ trên 1.600 tỷ đồng, sau khi miễn giảm thuế do ưu đãi đầu tư, đã truy thu thuế TNDN và xử phạt vi phạm trên 600 tỷ đồng…

 

Năm 2015 kinh tế thế giới dự báo phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô đang giảm nhanh và mạnh. Kinh tế nước ta đang phục hồi, dự báo chưa thể tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, Nhà nước đang đẩy nhanh lộ trình thực hiện cải cách thuế, giảm mức điều tiết thu đối với một số sắc thuế lớn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thu hút đầu tư, từng bước khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế.  Trong bối cảnh đó, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xác định nhiệm vụ trọng tâm  trong năm 2015 là:

 

Thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2015, đảm bảo số thu nội địa không kể dầu thô vượt tối thiểu 8-10% dự toán pháp lệnh đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan thuế quản lý (dự toán pháp lệnh năm 2015 là 731.600 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 93.000 tỷ đồng; thu nội địa là 638.600 tỷ đồng); nhiệm vụ thu của cơ quan Hải quan là 260.000 tỷ đồng.

 

Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014.

 

Tổ chức triển khai thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trong năm 2014, để đưa chính sách vào cuộc sống, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, Luật Hải quan, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hoá công tác thuế, hải quan theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

 

Tăng cường kỷ luật kỷ cương nội ngành, thực hiện tốt chương trình phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan thuế, hải quan các cấp.

 

Để thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015, 2 cơ quan Tổng cục Thuế và hải quan đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm năm2015 như sau:

 

Chỉ đạo các Cục Thuế, Hải quan tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra; kịp thời tháo gỡ, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; Tổ chức triển khai thực hiện tốt có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, Luật Hải quan, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn. Chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, đặc biệt phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từ đó tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu và dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Đồng thời, xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp thực hiện. Tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện thu đối với từng đơn vị, kịp thời tổng hợp, phân tích tình hình kim ngạch XNK chịu thuế, mức thuế suất ảnh hưởng đến số thu đối với các mặt hàng có kim ngạch XNK lớn để kiến nghị điều chỉnh mức thuế suất phù hợp.

 

Thực hiện mạnh mẽ việc tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế theo phương thức hiện đại, đảm bảo hình thức, nội dung phải đa dạng, phong phú. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung các chính sách mới như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, Luật Hải quan, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó chú ý nội dung về cải cách thủ tục hành chính thuế, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, không thu thuế GTGT đối với phân bón, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ....Hoàn thành việc đánh giá cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, ban hành Quy trình “một cửa” đảm bảo thực hiện thống nhất viêc tiếp nhận, giải quyết TTHC tại cơ quan thuế các cấp. Nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị đối thoại với người nộp thuế từ khâu tuyên truyền, phổ biến đến tổ chức hội nghị và giải đáp vướng mắc trong và sau hội nghị. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc thuộc thẩm quyền, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động XNK của doanh nghiệp, không gây phiền hà sách nhiễu tiêu cực; tăng cường sự phối hợp, bảo đảm thời gian giải quyết công việc nhanh gọn, chính xác. Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế theo quy chế đã ban hành và cần nhân rộng mô hình tổ chức các “tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế”.

 

Phối hợp có hiệu quả với các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu để xác định chính xác số đơn vị đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích. Tăng cường kiểm tra tổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh nhưng thực tế có kinh doanh để đưa vào diện quản lý thuế. Tập trung rà soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước để có biện pháp thu hồi kịp thời. Kiên quyết xử lý doanh nghiệp không nộp, chậm nộp hồ sơ khai thuế. Cập nhật số lượng tờ khai phải nộp vào dữ liệu của cơ quan thuế, thông báo, nhắc nhở NNT nộp tờ khai thuế đúng qui định, kịp thời xử lý vi phạm. Thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế chặt chẽ, đúng quy định, phát hiện và xử lý kịp thời những hiện tượng lợi dụng chính sách để hoàn thuế bất hợp pháp. Chỉ đạo Hải quan địa phương thực hiện kiểm soát hồ sơ, giám sát hàng hóa XNK; Kịp thời ngăn chặn hành vi xuất khống hàng hóa nhằm mục đích chiếm đoạt tiền thuế GTGT thông qua khấu trừ, hoàn thuế; Tăng cường quản lý, giám sát hàng TNTX, hàng gia công, SXXK...;

 

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phấn đấu đạt mức tối thiểu 14,65% trên số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế (kế hoạch thanh tra đạt tối thiểu 1,65%, nhiệm vụ kiểm tra tại trụ sở NNT đạt tối thiểu 13%), thanh tra, kiểm tra 100% hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp có số hoàn thuế lớn. Truy thu vào NSNN đảm bảo đạt ít nhất 80% số kết luận truy thu và phạt qua thanh tra, kiểm tra. Đẩy mạnh công tác chống thất thu thông qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế gắn với tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; Thực hiện tốt cơ chế phối hợp liên ngành để ngăn ngừa, kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại qua xuất xứ hàng hóa, xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng có dấu hiệu kim ngạch bất thường, thuế suất cao. Chú trọng kiểm soát hải quan, phòng chống buôn lậu; thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống gian lận thương mại trong điều kiện môi trường thông quan điện tử.

 

Thực hiện giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế trong lĩnh vực thuế, hải quan. Tăng cường đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật. Thực hiện rà soát, phân loại nợ; giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá và đề xuất các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Rà soát danh sách NNT cố tình trây ỳ hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa điểm đăng ký để phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật và thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN. Chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố về công tác quản lý nợ thuế phân loại nợ thuế, đôn đốc nợ thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong thu hồi nợ thuế. Tập trung xử lý thu hồi thuế nợ đọng: Phân loại, lập danh sách các doanh nghiệp có độ rủi ro cao để theo dõi và có biện pháp quản lý chặt chẽ; rà soát các doanh nghiệp có nợ thuế lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa XK, nhập gia công, TNTX; ...

 

Tập trung thực hiện quyết liệt các chương trình, đề án thuộc Chiến lược cải cách hệ thống thuế, hải quan giai đoạn 2011-2020, nhất là những nội dung của Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2015 đảm bảo lộ trình và yêu cầu đã đề ra, trong đó tập trung những nội dung, nhiệm vụ và chỉ tiêu dự báo sẽ không hoàn thành đúng kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cải cách hệ thống thuế, hải quan giai đoạn 2016-2020. Trên sở sở kết quả đã đạt được trong năm 2014, tiếp tục tăng cường công tác khai thuế qua mạng Internet theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và chú trọng chất lượng, hạn chế tối đa việc gửi các báo cáo giấy và nhập dữ liệu thủ công trên cơ sở khắc phục những hạn chế trong đường truyền, hạ tầng mạng, nâng cấp, tích hợp các ứng dụng liên quan. Thực hiện nộp thuế điện tử tại 63/63 địa phương trong năm 2015. Triển khai thí điểm hình thức hóa đơn điện tử có xác thực; mở rộng thu thuế qua hệ thống các ngân hàng thương mại.

 

Tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền để pháp lý hóa các tiêu chí, tiêu thức ấn định doanh số đối với hộ, cá nhân kinh doanh (nguyên tắc xác định chi phí hoạt động đối với hoạt động kinh doanh của hộ, trong đó lưu ý các yếu tố như đường phố, chi phí điện nước tiêu dùng hàng tháng của hộ kinh doanh…) đảm bảo sát đúng với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo công bằng xã hội. Thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin hộ khoán trên trang điện tử của Tổng cục Thuế, chú ý phải đánh giá kết quả thực hiện việc công khai, từ đó rút ra mặt hạn chế gì, những nội dung cần lưu ý để chấn chỉnh, bổ sung kịp thời. Tiếp tục rà soát các quy trình, nghiệp vụ và công khai kịp thời các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

 

Căn cứ Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính quy định về điều động, luân phiên, luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức của đơn vị; căn cứ quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thực hiện phân cấp quản lý cán bộ cấp, thủ trưởng cơ quan thuế, hải quan các cấp thường xuyên rà soát quy chế làm việc, quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản tại đơn vị mình để kịp thời sửa đổi, bổ sung và bố trí phân công chức đảm bảo phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT và tăng cường trách nhiệm của công chức, viên chức thuế, hải quan. Cơ quan quản lý cấp trên thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị, vướng mắc của NNT và cơ quản lý cấp dưới, đồng thời xem kết quả kiểm tra, giám sát là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại, bình xét thi đua đối với tập thể, cá nhân./.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài chính