Bản tin tuần 1 tháng 7 năm 2021
3/7/2021
Upload file:
Kính gửi: Các Anh, Chị Hội viên Hội Tư vấn Thuế Việt Nam
Văn phòng Hội kính gửi các anh, chị bản tin Tổng hợp văn bản mới tuần 1 tháng 7 năm 2021. Trong đó tiêu biểu có:
1. Công văn số 2393/TCT-DNNCN ngày 1/7/2021 về khai thuế TNCN
(1) Về khai thuế TNCN tháng, quý
Trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ quan đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội,…có phát sinh trả thu nhập từ tiền lương, tiền công nhưng không phát sinh doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì thuộc đối tượng khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.
(2) Về khai thuế TNCN của tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập
Chỉ trường hợp tổ chức, cá nhân phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân mới thuộc diện phải khai thuế thu nhập cá nhân. Do đó, trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thì không thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế Thu nhập cá nhân Theo đó, tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân tháng/quý nào thì không phải khai thuế thu nhập cá nhân của tháng/quý đó.
2. Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19.
Chiều 1/7, Thủ tướng đã thông qua Nghị quyết 68 về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 với tổng mức hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng.
Mục tiêu của Nghị quyết 68 tập trung vào 2 đối tượng: Người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
So với Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, các thủ tục hành chính áp dụng để nhận gói hỗ trợ giảm tới 2/3. Yêu cầu đề ra là chính sách đảm bảo tính khả thi, sao cho mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách, trừ trường hợp đặc biệt là phụ nữ mang thai, người đang nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em bị mắc Covid-19 hoặc phải cách ly.
12 nhóm chính sách cụ thể như sau:
Nhóm thứ nhất là giảm mức đóng bảo hiểm xã hội về tai nạn nghề nghiệp. Hiện quy định là người sử dụng lao động đóng 0.5% thu nhập cho quỹ này.
Theo Nghị quyết 68, mức phí này được giảm trong 12 tháng, nghĩa là không phải đóng tiền nhưng nếu có rủi ro xảy ra, người lao động vẫn được đảm bảo quyền lợi. 11 triệu người sẽ được thụ hưởng chính sách này. Toàn bộ số tiền được giảm đóng này, người sử dụng lao động phải dùng để chi trả cho người lao động.
Nhóm thứ hai, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Chính sách này tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 42 nhưng mức tiêu chí giảm nhiều so với Nghị quyết 42. Thời gian áp dụng là 12 tháng.
Thứ ba, hỗ trợ đào tạo với người lao động, sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Quy định này giúp người lao động và sử dụng lao động được sử dụng kinh phí này để đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi công việc. Mức hỗ trợ với mỗi người là 1,5 triệu/tháng, không quá 6 tháng. Thời gian áp dụng từ 1/7/2021 tới hết 30/6/2022.
Thứ tư, hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1/5 tới 31/12 năm 2021.
Có 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách này, một nhóm (bị tạm dừng hợp đồng lao động từ 15 ngày tới 1 tháng) được hỗ trợ 1,8 triệu đồng và một nhóm (bị tạm dừng hợp đồng lao động trên 1 tháng) được hỗ trợ 3,710 triệu đồng.
Thứ 5, hỗ trợ người lao động ngừng việc. Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc, được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.
Thứ 6, hỗ trợ trẻ em và phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai ngoài các chính sách chung được hỗ trợ 1,7 triệu đồng/tháng. Mỗi trẻ em được hưởng thêm 1 triệu đồng/tháng, chỉ thực hiện hỗ trợ cho một người nuôi dưỡng, hoặc mẹ hoặc bố.
Thứ 7, hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày với công nhân đang phải điều trị Covid-19 hoặc phải cách ly để phòng chống dịch. Những đối tượng này được hưởng hỗ trợ theo số ngày thực tế phải thực hiện các biện pháp cách ly.
Thứ 8, hỗ trợ người lao động trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật phải nghỉ để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ là 3,7 triệu đồng/người.
Thứ 9, hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (được cấp thẻ hành nghề, bị ảnh hưởng sâu, mất việc từ 15 ngày trở lên) với mức hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người
Thứ 10, hộ kinh doanh có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.
Thứ 11, cho vay để trả lương. Chính sách cho vay trả lương để phục hồi sản xuất là một chính sách mới, được vay với mức lãi suất 0%, không phải thế chấp tài sản, mức vay bằng một tháng lương cần trả cho người lao động, áp dụng tối đa 3 tháng. Áp dụng với những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu như kinh doanh dịch vụ.
Thứ 12, hỗ trợ người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của các địa phương để xây dựng chính sách cụ thể nhưng không ít hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc mức 50.000 đồng/người/ngày.