Xu hướng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt ở một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam

12/11/2022 08:22:12 PM





Upload file:

Các chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu xu hướng cũng như đối tượng áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở các nước trên thế giới có vai trò rất quan trọng trong việc xem xét, điều chỉnh quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam, nhằm phù hợp hơn với tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế.

Hình thức áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt một số quốc gia

Theo TS. Phạm Nữ Mai Anh - Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), thống kê sự thay đổi trong hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) giai đoạn 2008-2018 ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy, xu thế các quốc gia đã chú trọng áp dụng thuế tuyệt đối và hỗn hợp trong đánh thuế TTĐB nhiều hơn đánh thuế theo tỷ lệ %.

Ảnh minh họa: TL.

Hình thức thuế hỗn hợp hiện được áp dụng khá phổ biến tại các nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, như Lào áp dụng mức thuế suất 15 - 30%/giá xuất xưởng của nhà sản xuất và cộng thêm 500 kip Lào hoặc 0,07 USD/bao thuốc lá bán ra. Malaysia áp dụng mức thuế tuyệt đối 0,19 ringgit Malaysia/điếu và 20% tính trên giá xuất xưởng của thuốc lá bán ra. Thái Lan áp dụng mức thuế suất 87% tính trên giá xuất xưởng của thuốc lá bán ra và 1 bath hoặc 0,03 USD cho mỗi gam thuốc lá bán ra.

Hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở một số quốc gia khá lớn

TS. Phạm Thị Thu Hà cho biết, một số nước có nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB cũng khá phong phú, như Thái Lan có 20 nhóm hàng hóa và dịch vụ, của Malaysia thu vào 17 loại hàng hóa, Hungari 22 loại hàng hóa, Thụy Điển 19 nhóm hàng hóa… Như vậy, có thể thấy danh mục những hàng hóa chịu sự điều tiết của thuế TTĐB ở một số quốc gia trên thế giới đề cập ở đây là khá lớn.

TS. Phạm Nữ Mai Anh cho biết, đối với Hoa Kỳ, quốc gia này đang áp dụng đồng thời 3 loại thuế TTĐB, gồm thuế liên bang, thuế tiểu bang và thuế ở địa phương. Các loại hàng hóa chính chịu sự điều tiết của thuế TTĐB gồm có đồ uống có cồn, các sản phẩm thuốc lá, dầu và các sản phẩm từ dầu. Một số dịch vụ cũng phải chịu thuế TTĐB như dịch vụ đường bộ và đường hàng không.

Tại cấp đánh thuế liên bang và tiểu bang, thuế TTĐB được đánh vào nhiều hàng hóa và hoạt động bao gồm xăng và dầu diesel được sử dụng trong giao thông vận tải và hoạt động hàng không, một số đồ dùng thể thao, súng cầm tay, đạn dược, rượu và thuốc lá. Thuế TTĐB ở cấp liên bang còn được đánh trên đồ uống có cồn, thuốc lá, bia, xăng dầu, vận chuyển hành khách bằng đường hàng không và dịch vụ viễn thông. Ở cấp địa phương, thuế TTĐB có thể áp dụng cách thức khác nhau, có sự thay đổi tùy theo tiểu bang và vùng lãnh thổ.

Còn theo TS. Phạm Thị Thu Hà - Khoa Thuế và Hải quan, đối với Đức, thuế TTĐB được đánh vào cà phê và điện. Ngoài ra, Đức còn đánh thuế TTĐB vào rượu, nhiên liệu và thuốc lá. Đối với Thụy Điển: Danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu sự điều tiết của thuế TTĐB rất rộng như rượu, cổ tức, chất thải, năng lượng, xổ số, quảng cáo, chơi cờ bạc, thuốc lá. Quốc gia này cũng có quy định rất đặc biệt khi thực hiện đánh thuế TTĐB vào nhóm bảo hiểm nhân thọ. Cách thức áp tỷ lệ thuế TTĐB ở quốc gia này vào các sản phẩm có cồn được thực hiện tùy theo độ mạnh của rượu…

Sự cần thiết cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam

TS. Phạm Thị Thu Hà cho biết, hiện tại, thuế TTĐB ở Việt Nam được áp dụng trên 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ, gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; rượu; bia; xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên… Cách thức đánh thuế TTĐB ở Việt Nam được thực hiện áp theo tỷ lệ % và mỗi hàng hóa, dịch vụ trong diện đánh thuế TTĐB được quy định mức thuế suất khác nhau trong tính thuế TTĐB phải nộp.

Chính sách thuế TTĐB thời gian qua có nhiều thay đổi với những kết quả tích cực trong việc định hướng sản xuất tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng, tăng nguồn thu cho NSNN. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, chính sách thuế TTĐB hiện hành còn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, thị trường.

TS. Phạm Nữ Mai Anh cho rằng, việc cải cách chính sách thuế TTĐB có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, bắt nguồn từ một số điểm bất cập của thuế TTĐB. Cụ thể, danh mục hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB ở Việt Nam còn ít so với các sản phẩm chịu thuế TTĐB ở các quốc gia trên thế giới.

Hầu như các quốc gia đã thiết lập mức thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá khá cao để đạt được mục tiêu giảm lượng người hút thuốc, giảm bệnh tật do hút thuốc và tăng cường nguồn thu cho NSNN. Ảnh: TL.

Thứ hai, việc quy định thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng chưa thực sự phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu điều tiết hướng dẫn tiêu dùng và hướng tới bảo vệ môi trường. Ví như, đối với sản phẩm thuốc lá, một trong những mặt hàng gây hại cho sức khoẻ người sử dụng, hiện tại nước ta đang đánh thuế với mức thuế suất 75%. Với việc áp dụng mức thuế suất 75% thì tỷ lệ thuế TTĐB trong giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá trong khi tỷ trọng này theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 70%.

Thứ ba, so với các quốc gia trên thế giới thì Việt Nam vẫn còn nhiều sự khác biệt về phương thức đánh thuế TTĐB. Có 3 phương thức đánh thuế TTĐB được áp dụng phổ biến trên thế giới, đó là cơ cấu thuế tương đối theo tỷ lệ % trên giá bán, cơ cấu thuế tuyệt đối (mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hóa) và cơ cấu thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tính theo tỷ lệ % và thuế tuyệt đối). Ở Việt Nam đang áp dụng phương pháp tính thuế tương đối (theo tỷ lệ % trên giá tính thuế)...

Trước thực trạng trên, TS. Phạm Nữ Mai Anh khuyến nghị, về danh mục hàng hoá dịch vụ chịu thuế TTĐB, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Nhà nước về bảo vệ sức khoẻ người dân và bảo vệ môi trường.

Về thuế suất thuế TTĐB, khảo sát về chính sách thuế TTĐB ở các nước trên thế giới cho thấy, xu thế chung về cải cách thuế TTĐB ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là tăng thuế suất thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá, các sản phẩm đồ uống có cồn. Tuy nhiên, việc tăng thuế cần có lộ trình cả về thời gian và mức thuế điều tiết để các cơ sở kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp, bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, việc tăng thuế cần từ từ với lộ trình dài hạn, minh bạch, tránh tình trạng tăng thuế đột ngột có thể tăng buôn lậu khiến ngân sách thất thu và không đạt mục đích đề ra.

Cần nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối

Theo TS. Phạm Nữ Mai Anh, về phương thức đánh thuế TTĐB, hình thức thuế hỗn hợp đang được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia, do đó phương thức đánh thuế tương đối hoàn toàn như hiện tại Việt Nam đang áp dụng thì chưa thực sự phù hợp. Trong 32 năm qua, việc sửa đổi bổ sung thuế TTĐB chủ yếu là thay đổi thuế suất, phương pháp tính thuế TTĐB theo % không thay đổi.

Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối với một số hàng hoá, dịch vụ chịu thuế. Ví dụ, mặt hàng thuốc lá, Nhà nước cần bổ sung thuế suất tuyệt đối để điều tiết thị trường tiêu thụ một cách hợp lý. Bằng chứng và xu thế trên thế giới cho thấy, thuế thuốc lá sẽ hiệu quả hơn nếu chuyển sang thuế hỗn hợp hoặc tốt hơn nữa là chỉ áp dụng thuế tuyệt đối.

Đức Việt

thoibaotaichinhvietnam.vn