Lượng hồ sơ khai giá chuyển nhượng tăng trung bình 3 lần

Báo cáo kết quả thực hiện công tác thuế năm 2022 của Tổng cục Thuế cho thấy, thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS), nhận thừa kế và nhận quà tặng cả năm 2022 dự kiến đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng tương ứng 97% so với cùng kỳ.

Báo cáo đánh giá, ngoài yếu tố thị trường giao dịch sôi động trong những tháng đầu năm, ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng đã được nâng cao. Tính đến tháng 9/2022, lượng hồ sơ khai giá chuyển nhượng cao hơn giá UBND tỉnh chiếm 72%; trung bình 1 bộ hồ sơ khai giá cao hơn gần 3 lần so với giá UBND tỉnh, thành phố ban hành.

Nhiều trường hợp hồ sơ có giá trị chuyển nhượng kê khai cao gấp nhiều lần so với giá tại bảng giá của UBND tỉnh, thành phố. Nổi bật có hồ sơ kê khai cao hơn khung giá UBND ban hành 77 lần. Điển hình: tại Bà Rịa - Vũng Tàu khung giá UBND quy định là hơn 1 tỷ đồng, giá thực tế chuyển nhượng là hơn 81 tỷ đồng; tại Long An, khung giá UBND tỉnh là gần 400 triệu đồng, giá chuyển nhượng thực tế là hơn 11 tỷ đồng, cao hơn 28 lần; hay tại TP. Hồ Chí Minh khung giá UBND thành phố là hơn 84 triệu đồng, trong khi giá chuyển nhượng hơn 2,3 tỷ đồng, cao hơn 27 lần…

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương

Theo quy định, người bán là cá nhân chuyển nhượng BĐS phải đóng 2% thuế thu nhập cá nhân, còn doanh nghiệp BĐS đóng 20% trên thu nhập và các loại phí, lệ phí khác. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít trường hợp đã tìm cách kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế, nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Đây là hành vi không chỉ gây thất thu thuế cho Nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho hay, để chống thất thu thuế hoạt động chuyển nhượng BĐS, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, cục thuế địa phương tham mưu cho UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh; xây dựng dữ liệu giá giao dịch BĐS để công khai, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong chuyển nhượng BĐS. Bà Lan Anh cho rằng, các giải pháp nêu trên đã mang lại hiệu quả tích cực góp phần nâng cao nhận thức của NNT trong việc thực hiện đúng khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng BĐS, các giải pháp đã góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Cần hoàn thiện đồng bộ chính sách pháp luật

Cùng với chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo toàn ngành về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Kết quả đạt được cho thấy hiệu quả rõ rệt của chủ trương chống thất thu thuế chuyển nhượng BĐS.

Các quy định về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, để quản lý thuế một cách có hiệu quả đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS, ngoài việc tăng cường quản lý thuế cần có quy định đồng bộ của các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản…

Điểm sáng của ngành Thuế

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 do Tổng cục Thuế tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã biểu dương việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của ngành Thuế. Đây là một trong những điểm sáng của ngành Thuế trong năm 2022, kết quả đạt được đã minh chứng cho điều đó.

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS trong năm 2023, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền hoàn thiện chính sách pháp luật, hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Đồng thời, ngành Thuế cũng sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong trao đổi thông tin, dữ liệu quản lý.

Ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS để người dân, doanh nghiệp hiểu, đồng thuận và tự giác chấp hành.

PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, gốc rễ của thất thu thuế chuyển nhượng BĐS là vấn đề kê khai của NNT về giá chuyển nhượng để tính thuế và quyền hạn của cơ quan thuế trong xác định giá tính thuế. Hiện nay, cơ quan thuế không có chức năng điều tra, nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn. Do đó, để quản lý thuế hiệu quả lĩnh vực này, cần nghiên cứu bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, để có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra đặc thù phát hiện gian lận và xử lý gian lận trong kê khai, xác định giá tính thuế.

“Ngoài việc cần có sự đồng bộ của các luật, công tác phối hợp của các ngành có liên quan phải được tăng cường, nghiên cứu bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, thì ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân cũng cần phải được nâng cao hơn nữa” - PGS.TS Lê Xuân Trường nhấn mạnh.

Văn Tuấn