Cân nhắc chính sách ưu đãi mới cho nhà đầu tư nước ngoài

04/18/2023 10:02:42 AM





Upload file:

TCDN - Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế-Deloitte Việt Nam cho rằng, bên cạnh cơ chế thu thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn, Việt Nam cần cần xem xét ngay các chính sách phù hợp để ứng phó và hỗ trợ doanh nghiệp FDI nếu không muốn mất đi lợi thế trong việc thu hút đầu tư.

Chia sẻ về chủ đề thuế tối thiểu toàn cầu, ông Bùi Ngọc Tuấn cho biết, với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, nhiều công ty đa quốc gia có thể chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế là các quốc gia có thuế suất thấp hoặc không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”). Theo đó, các công ty này mặc dù có lợi nhuận cao nhưng phải nộp thuế TNDN rất thấp, thậm chí không bị đánh thuế.

Để hạn chế vấn đề nêu trên, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng về thuế, OECD và các thành viên Diễn đàn OECD Inclusive Framework (OECD IF) đã hoàn thiện đề xuất xử lý thuế đối với các hoạt động kinh tế kỹ thuật số, bao gồm 2 trụ cột, trong đó Trụ cột 2 đưa ra giải pháp về Thuế suất tối thiểu toàn cầu, với mục tiêu đảm bảo lợi nhuận của các công ty đa quốc gia phải được đánh thuế ở mức tối thiểu là 15%. Đối tượng áp dụng bao gồm các Tập đoàn đa quốc gia có mức doanh thu hợp nhất toàn cầu hằng năm từ 750 triệu EUR.

          

                                Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế-Deloitte Việt Nam

Chính phủ các nước có trụ sở chính của các tập đoàn đa quốc gia, nước đi đầu tư và nhận đầu tư đều đã và đang có những động thái rõ ràng trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, ví dụ: Vương Quốc Anh, Liên minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia,… sẽ áp dụng từ 2024; tại Singapore và Hồng Kông sẽ áp dụng từ 2025.

Từ năm 2024 nhiều nước sẽ thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, nếu Việt Nam chậm trễ ban hành chính sách sẽ ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam là cấp bách đối với hai lĩnh vực thuế và năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, trên cả góc độ cơ hội và thách thức.

Về cơ hội, với mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15%, Việt Nam có cơ hội gia tăng nguồn thu về thuế, cụ thể thông qua việc thu thêm thuế từ các Công ty Việt Nam thuộc phạm vi Trụ cột 2 đầu tư ra nước ngoài và thu thêm thuế từ các công ty đa quốc gia thuộc phạm vi Trụ cột 2 đang đầu tư tại Việt Nam thông qua cơ chế thu thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax - QDMTT), là phần chênh lệch giữa 15% và thuế suất hiệu quả (Effective Tax Rate-ETR) theo hướng dẫn của OECD.

Ngoài ra, việc áp dụng các chính sách trên cũng là cơ hội cho Việt Nam để thúc đẩy cải cách hệ thống chính sách thuế, tăng cường hội nhập thông qua việc giảm thiểu khoảng cách về chính sách giữa nội luật và thông lệ, hướng dẫn quốc tế.

Bên cạnh cơ hội, Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Việt Nam sẽ đối mặt với hai vấn đề chính liên quan đến giữ quyền thu thuế và cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu chậm chân trong việc triển khai các chính sách liên quan đến Trụ cột 2, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế như đã phân tích ở trên, vì khi đó các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột 2, chủ yếu bắt đầu từ năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung, nếu phát sinh, của các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

Việt Nam hiện thu hút được vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ông có thể cho biết, việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như thế nào?

Liên quan đến cạnh tranh thu hút đầu tư, vấn đề dễ nhận ra là các chính sách ưu đãi thuế theo thu nhập hiện tại của Việt Nam, cụ thể là ưu đãi miễn, giảm hoặc thuế suất ưu đãi với thuế TNDN, sẽ mất đi nhiều tác dụng và không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

          

        Việt Nam hiện thu hút được vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cụ thể, thuế suất thuế TNDN tiêu chuẩn của Việt Nam là 20%, nhưng có rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hưởng các ưu đãi theo địa bàn, lĩnh vực, quy mô đầu tư, và theo đó đang nộp thuế ở mức 0%, 5%, 10%... Theo đó, khi các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia của Công ty mẹ của các doanh nghiệp này áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp này sẽ chịu thiệt hại nặng nề do phần thuế bổ sung nộp tại quốc gia của công ty mẹ đối với phần chênh lệch giữa mức thuế suất hiệu quả khi đang hưởng ưu đãi tại Việt Nam và thuế suất tối thiểu 15%.

Nếu Việt Nam không có chiến lược và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mới và hợp lý, Việt Nam sẽ đối mặt với bất lợi lớn trong việc giữ chân và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các “đại bàng” là các tập đoàn đa quốc gia lớn, và hệ sinh thái các doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của những nhà đầu tư lớn nêu trên, theo đó tác động là rất lớn trong dài hạn.

Để giải quyết bài toán về thuế tối thiểu toàn cầu, theo ông Việt Nam cần phải ứng xử như thế nào để vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư?

Thứ nhất, để giữ quyền đánh thuế, Việt Nam nên cân nhắc áp dụng cơ chế QDMTT từ 2024. QDMTT là cơ chế được thiết kế nhằm giúp các quốc gia nhận đầu tư có thể giành quyền đánh thuế bổ sung, dựa trên công thức tương đồng với công thức của OECD về thuế suất hiệu quả, thuế bổ sung,… theo đó sẽ không phát sinh thuế đánh trùng giữa quốc gia công ty mẹ và quốc gia nhận đầu tư.

Đây là cơ chế đặc biệt quan trọng cần ưu tiên xem xét, cũng là biện pháp phản ứng nhanh theo khuyến nghị của OECD. Các cơ chế khác không đạt chuẩn (ví dụ như áp dụng chung một mức thuế suất thuế TNDN 15%) nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc thu thừa vì thuế suất hiệu quả khi áp dụng trong nhiều trường hợp sẽ cao hơn 15%. Việc này vừa gây thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư, vừa gây khó khăn trong việc áp dụng, và không thể hiện được sự hội nhập chính sách thuế của Việt Nam với quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam cần xem xét ngay các chính sách phù hợp để ứng phó và hỗ trợ nhà đầu tư nếu không muốn mất đi lợi thế trong việc thu hút đầu tư. Với việc các cơ chế ưu đãi theo thu nhập hiện tại sẽ mất đi nhiều tác dụng, Việt Nam cần cân nhắc các chính sách ưu đãi mới dựa trên chi phí như hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí nhân lực, các chi phí hỗ trợ sản xuất,… cho đối tượng phù hợp.

Việc ưu đãi theo chi phí, cụ thể thông qua hỗ trợ trực tiếp nêu trên, có ưu điểm là được đối xử một cách thuận lợi theo công thức của OECD khi tính toán ETR, đủ hấp dẫn để doanh nghiệp cân nhắc, và cũng phù hợp với định hướng của Việt Nam để giữ chân và thu hút các nhà đầu tư lớn, đầu tư về nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Để giữ vị thế cạnh tranh, Việt Nam cũng nên lưu ý động thái của các quốc gia trong vùng để cạnh tranh thu hút đầu tư.

Thứ ba, việc sửa đổi nội luật để áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu là tương đối phức tạp vì liên quan đến Luật Thuế TNDN và pháp luật khác có liên quan về đầu tư, lao động… cũng như các điều ước, cam kết quốc tế,… cùng với việc cần đảm bảo mục tiêu đồng bộ nội luật cũng như duy trì tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, trong khi yêu cầu hiện tại là cấp bách, khuyến nghị cần áp dụng từ năm 2024.

Theo đó, về mặt hình thức, trước khi có những sửa đổi cụ thể trong các Luật liên quan, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để Việt Nam có thể áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu phù hợp từ 2024, với hai mục tiêu chính về việc tuyên bố áp dụng cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn (QDMTT) để đảm bảo quyền thu thuế bổ sung của Việt Nam và giải pháp chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đảm bảo vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư. Sau đó, trong các năm 2024 và 2025 Việt Nam có thể tiếp tục cân nhắc giải pháp lâu dài về sửa đổi các pháp luật liên quan.

Cơ chế thu thuế tối thiểu toàn cầu là một cuộc chơi mới của các nước phát triển, và đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều là các nước đang phát triển, nhận nguồn vốn FDI nhiều như Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, với đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, cần tập trung thêm nhiều nguồn lực nhằm nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ phù hợp để giữ chân các nhà đầu tư, trong điều kiện không vi phạm các điều ước quốc tế về bảo hộ đầu tư, trợ cấp chính phủ…

Nếu không đủ hấp dẫn, sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn lớn, đang được ví như đại bàng, sẽ cần phải xem xét như sự dịch chuyển của ong chúa đầu đàn kéo theo hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác trong hệ sinh thái, chuỗi cung ứng đầu vào... sang quốc gia khác. Hệ lụy về thu ngân sách nhà nước có thể không quá lớn, nhưng nếu có dự dịch chuyển đầu tư, thì sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng vạn lao động, mất cân đối trong cán cân thương mại, giảm sút niềm tin của các nhà đầu tư hiện tại và tương lai… sẽ mang đến nhiều hệ quả khó lường trước được trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế-Deloitte Việt Nam

An Nhiên

taichinhdoanhnghiep.net.vn