Chuyển biến tích cực sau khi Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực

01/05/2021 10:32:41 AM
Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020, trong đó có nhiều quy định mới tăng cường quản lý kinh doanh qua mạng, mở ra triển vọng quản lý hiệu quả hơn hoạt động này.

Nộp thuế kinh doanh qua mạng

Đầu tháng 7, lực lượng chức năng đã phát hiện một kho hàng lậu cực lớn tại Lào Cai, doanh thu 10 tỷ đồng mỗi tháng thông qua hình thức bán hàng livestream trên Facebook.

Có thể nói, kinh doanh trên mạng là mỏ vàng của nhiều người, nhưng vẫn là một khoảng trống lớn trong quản lý thuế của nhà nước. Vì vậy, Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ 1/7 có nhiều điều chỉnh, mở ra triển vọng quản lý hiệu quả hơn hoạt động này. Trên thực tế, nhiều người kinh doanh qua mạng đã có ý thức nộp thuế, chỉ cần được hướng dẫn đầy đủ thông tin.

Anh Đinh Huy Hùng được cơ quan thuế mời đến để trực tiếp hướng dẫn làm thủ tục kê khai thuế. Anh Hùng có hoạt động kinh doanh lập trình ứng dụng trên các thiết bị di động bắt đầu từ cách đây 3 năm.

Sau khi có những tư vấn rõ ràng, đầy đủ về nộp thuế cho lĩnh vực mới, anh Hùng đã hoàn thành nghĩa vụ nộp 200 triệu đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

Chuyển biến tích cực sau khi Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực - Ảnh 1.

Hoạt động kinh doanh qua mạng mang lại tiện ích cho nhiều người nhưng đang ở tình trạng tự phát. (Ảnh: Dân trí)

Còn với anh Huân, khi bắt đầu làm dịch vụ trung gian chạy quảng cáo trên nền tảng số từ 4 năm trước, anh cũng chưa nghĩ tới việc phải nộp thuế như thế nào. Đến nay, sau khi được hướng dẫn, anh Huân đã tự giác nộp số thuế của 4 năm kinh doanh.

Nhằm hướng dẫn các đối tượng nộp thuế như anh Huy và anh Huân, mới đây, Cục Thuế TP Hà Nội đã tổ chức tập huấn đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với các cá nhân có phát sinh doanh thu lớn từ hoạt động thương mại.

Bên cạnh những cá nhân kinh doanh online, việc quản lý doanh nghiệp hoạt động xuyên biên giới như Facebook, Google hay Netflix cũng là vấn đề khá đau đầu, bởi hoạt động lõi của các doanh nghiệp này là quảng cáo, cung cấp dịch vụ phim, giải trí…

Là một nền kinh tế mở, đã hội nhập sâu rộng với thế giới, các cơ quan chức năng cũng phải nỗ lực trong xây dựng luật và thực thi chính sách sao cho vừa không bảo hộ ngược, vừa không bị thất thu thuế.

Thách thức quản lý thuế các nền tảng xuyên biên giới

Theo nhiều chuyên gia, việc các nền tảng xuyên biên giới không đặt máy chủ tại Việt Nam là nguyên nhân khó quản lý thu thuế các nền tảng này. Tuy nhiên, cũng có đại biểu Quốc hội cho rằng, đây không hẳn là rào cản phải lưu ý tới khi giải bài toán thu thuế xuyên biên giới.

"Chúng ta đừng nói rằng vì máy chủ đặt ở Việt Nam mà chúng ta không thu được, chúng ta phải sử dụng quan hệ kinh tế quốc tế, quan hệ về luật pháp trong thỏa thuận giữa các quốc gia với nhau. Anh nào kinh doanh ở quốc gia nào, anh phải tuân thủ luật pháp quốc gia đó", ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho hay.

Chuyển biến tích cực sau khi Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực - Ảnh 2.

Thực tế, nhiều người kinh doanh qua mạng đã có ý thức nộp thuế. (Ảnh: Dân trí)

Bên cạnh vận dụng các thỏa thuận quan hệ quốc tế, các đại biểu Quốc hội và cơ quan quản lý cũng đặc biệt nhấn mạnh về những chế tài phải thật sự mạnh, đủ sức răn đe khi các nền tảng xuyên biên giới không tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, hoặc nộp chưa đúng, chưa đủ.

Hoạt động kinh doanh của các nền tảng xuyên biên giới đặt ra những yêu cầu phức tạp hơn để quản lý. Do vậy, Luật Quản lý thuế 2019 đã nhấn mạnh tới sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan mới có thể mong sớm thực thi, đưa luật đi vào cuộc sống.

Đã có những chuyển biến nào đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng Google, YouTube và Facebook? Để tránh thất thu hàng tỷ USD tiền thuế mỗi năm, những thách thức nào đang đặt ra với cơ quan quản lý?

Những câu hỏi trên phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 15/10, với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam.

Xem lại chương trình Vấn đề hôm nay ngày 15/10 Tại đây

 

 

Theo vtv.vn