Đại lý thuế có thể tham gia vào lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử

10/01/2021 04:39:19 PM
TCDN - Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) khuyến cáo, đối với các hộ, cá nhân kinh doanh tự lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai, việc chuyển sang hóa đơn điện tử có thể thông qua các đại lý thuế thay vì tổ chức thêm bộ máy kế toán, làm tăng chi phí tốn kém.

Để tiếp tục cải cách và hiện đại hóa, triển khai có hiệu quả Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (NĐ 123) quy định về hóa đơn, chứng từ. Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý Thuế số 38/2019, Nghị định số 123/2020 của Chính phủ quy định về Hóa đơn chứng từ.

Triển khai thực hiện các văn bản pháp quy này, Bộ Tài chính cũng đã phê duyệt lộ trình triển khai thực hiện hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 tại 6 tỉnh, thành phố là TP Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định. Giai đoạn 2 từ 4/2022 đến 7/2022 triển khai cho 57 tỉnh, thành phố còn lại, đảm bảo từ 1/7/2022 hoàn thành áp dụng hóa đơn điện tử theo Luật định.

Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, việc sử dụng hóa đơn điện tử có ý nghĩa rất quan trọng. Đối với doanh nghiệp, hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn,…); giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.

Đối với cơ quan thuế, sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, giảm thiểu chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay. Từ đó, góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.

Chia sẻ về việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, bà Cúc cho hay, trước đây, các doanh nghiệp đã thực hiện hóa đơn điện tử theo Thông tư 32/2011/TT-BTC hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Nhiều tỉnh, thành phố tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử cao như Hà Nội có gần 100% doanh nghiệp; Bình Định có 85% doanh nghiệp; Quảng Ninh có trên 93% doanh nghiệp, Hải Phòng có 72% doanh nghiệp, Phú Thọ 76% doanh nghiệp...

Tuy nhiên, theo bà Cúc, việc thực hiện hóa đơn điện tử theo Thông tư 32 chưa đầy đủ, hoàn thiện, đồng bộ, liên hoàn để kết nối cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế, người nộp thuế.

“Việc áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123, Thông tư 78 thực hiện ở cấp độ cao, hơn, đồng bộ hơn, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phải bảo đảm việc xuất hóa đơn điện tử, truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đồng thời chuyển đến cơ quan thuế theo các phương thức quy định cụ thể”, bà Cúc nhấn mạnh.

Do đó, việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử theo Nghị định 123, Thông tư 78 BTC không phải chuyển đổi đột ngột từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử mà chuyển từ hóa đơn điện tử theo Thông tư 32 sang Nghị định 123, Thông tư 78.

Theo Nghị định 123, từ ngày 1/7/2022 bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Bộ Tài chính mà không có điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử thì được sử dụng hóa đơn giấy thêm tối đa 12 tháng.

Đánh giá về tính khả thi của việc chuyển đổi hóa đơn điện tử, bà Cúc cho biết, hiện toàn quốc có trên 800.000 doanh nghiệp. Họ có đội ngũ kế toán và cơ sở hạ tầng tốt, phần lớn đã áp dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư 32 nên việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử sẽ thuận lợi dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, hiện có trên 1,6 triệu hộ, cá nhân kinh doanh đang thuộc diện nộp, quản lý thuế và khoảng trên 4 triệu hộ, cá nhân kinh doanh dưới mức nộp thuế hoặc chưa nộp, đối tượng này gần như không có người làm kế toán, kê khai nộp thuế chuyên nghiệp, họ thường ghi chép thu chi - sổ chợ. Do vậy, bà Cúc cho rằng sẽ không dễ dàng áp dụng hóa đơn điện tử với đối tượng này vì đòi hỏi có máy tính, kết nối với cơ quan thuế trong khi đó nhiều hộ, cá nhân kinh doanh chưa đủ điều kiện hạ tầng.

Để đảm bảo tất cả các hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử, bà Cúc gợi ý một số giải pháp. Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn nộp thuế theo phương pháp kê khai và các hộ, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai thì phải chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử. Để tiết kiệm chi phí, thuận lợi trong hạch toán doanh thu, nộp thuế, các hộ này có thể thông qua việc ký hợp đồng với các đại lý thuế để đại lý thuế thực hiện luôn kế toán, kê khai nộp thuế, hướng dẫn hóa đơn điện tử thay vì sử dụng bộ máy kế toán, chi phí tốn kém.

Các hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán có thể không xuất hóa đơn nhưng khi người mua yêu cầu xuất hóa đơn điện tử, trường hợp này, theo bà Cúc hộ, cá nhân kinh doanh sẽ thông qua cơ quan thuế xuất cấp hóa đơn điện tử cho họ.

T. Phương

 

 

Theo Tài chính Doanh nghiệp