Gia hạn nộp thuế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực hồi phục kinh doanh

03/24/2020 04:05:13 PM
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, Luật sư (LS) Choi Ji Ung - Giám đốc Công ty Luật ASEAN Law Firm cho rằng, các đề xuất và giải pháp như dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 là cực kỳ cần thiết.
Nhu cầu đi lại của người dân trong dịp dịch Covid-19
Nhu cầu đi lại của người dân trong dịp dịch Covid-19 giảm khiến nhiều nhà xe phải tạm dừng hoạt động.

 

Các lợi ích này có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm khó khăn hiện tại của doanh nghiệp. Đồng thời, giải pháp này tạo niềm tin và tâm lý yên tâm cho các doanh nghiệp.

PV: Bộ Tài chính đang xin ý kiến cho dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19. Ông có nhận định gì về động thái này của Chính phủ và Bộ Tài chính? 

LS. Choi Ji Ung: Kể từ khi xuất hiện từ đầu năm cho đến nay, đại dịch Covid-19 đang diễn biến cực kỳ mau lẹ và khó lường. Chính phủ Việt Nam và Bộ Tài chính đang có những động thái điều chỉnh và ban hành các chính sách, quy định mà theo tôi là phù hợp và kịp thời. Đặc biệt là việc ban hành Quyết định số 155/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về danh mục hàng hóa miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Quyết định này đã là một chính sách kịp thời để khuyến khích sản xuất trang thiết bị y tế trong giai đoạn nhạy cảm khi dịch mới khởi phát ra toàn cầu. 

Hiện nay, khi đại dịch đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, bên cạnh các nỗ lực trực tiếp chiến đấu chống dịch bệnh thì việc Chính phủ và Bộ Tài chính tính toán đến các quy định hỗ trợ doanh nghiệp/cá nhân bị ảnh hưởng là cực kì cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực thuế như được quy định tại dự thảo nghị định này. 

PV: Về đối tượng và loại hình kinh doanh được đề xuất gia hạn nộp thuế như trong dự thảo, theo ông có hợp lý không? 

LS. Choi Ji Ung: Căn cứ theo quy định tại Điều 1 của dự thảo nghị định, tôi cho rằng, đối tượng và loại hình kinh doanh được đề xuất gia hạn thời hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đã tương đối bao phủ hết các đối tượng và lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 như: sản xuất nông, lâm, thủy sản, dệt, điện tử, dịch vụ vận tải, lưu trú, du lịch cũng như doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. 

Việc gia hạn thời hạn hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước không những giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn có thể được coi là một biện pháp hỗ trợ phát triển. Do đó, tôi nghĩ Bộ Tài chính có thể nghiên cứu theo hướng tiếp cận ngược lại, bổ sung các ngành nghề cần được trợ giúp phát triển như sản xuất, phân phối trang thiết bị y tế, dược vào đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Từ đó, các doanh nghiệp này sẽ có thêm nguồn vốn để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào công tác phòng chống dịch Covid -19 tại Việt Nam. 

 LS. Choi Ji Ung
LS. Choi Ji Ung


PV: Số tiền thuế được đề xuất gia hạn là hơn 30.000 tỷ đồng, với thời hạn gia hạn là 5 tháng. Theo ông, các giải pháp của cơ quan thuế, Bộ Tài chính sẽ tác động thế nào tới doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?

LS. Choi Ji Ung: Như đã nói ở trên, các doanh nghiệp hiện nay đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid -19 và rất nhiều trong số đó gặp khó khăn tài chính hoặc thanh khoản dòng tiền. Các đề xuất và giải pháp như dự thảo nghị định là cực kỳ cần thiết. Bởi, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ có thêm nguồn vốn hồi phục kinh doanh, hoặc đơn giản hơn là có thêm thời gian thu xếp thực hiện nghĩa vụ tài chính mà không phải chịu lãi, tiền phạt hay tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật. 

Các lợi ích này có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm khó khăn hiện tại của doanh nghiệp. Đồng thời, nó cũng tạo niềm tin và tâm lý yên tâm cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Đó cũng là một “điểm cộng” khi đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

PV: Trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc đến tư vấn luật tại ASEAN Law Firm, có nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19 không thưa ông? Những doanh nghiệp này đánh giá như thế nào về những nỗ lực hỗ trợ  của Chính phủ Việt Nam?

LS. Choi Ji Ung: Ngay từ khi đại dịch bùng phát, chúng tôi đã chứng kiến sự chững lại rõ rệt trong làn sóng đầu tư và hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Rất nhiều khách hàng của chúng tôi chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại và sản xuất điện tử. Chúng tôi luôn tích cực cập nhật và đưa những chính sách, quy định hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng một cách sớm nhất. Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đều đánh giá rất cao nỗ lực từ Chính phủ. 

PV: Vậy theo ông, để giải pháp này thực sự có hiệu quả đối với doanh nghiệp, tránh sự lạm dụng chính sách thì điều quan trọng cần thực hiện là gì?

LS. Choi Ji Ung: Tôi được biết nghị định này sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành và không cần thông tư hướng dẫn. Để tiếp cận chính sách, doanh nghiệp chỉ cần nộp 1 mẫu đơn đăng ký đến cơ quan có thẩm quyền và tự mình thực hiện gia hạn nộp thuế mà không cần đợi văn bản chấp thuận của cơ quan thuế. Cơ quan thuế sau đó sẽ tự mình kiểm tra và xác định các trường hợp không thuộc đối tượng của Nghị định, buộc các doanh nghiệp này nộp thuế và tiền chậm nộp theo quy định. Như vậy, nghị định được xây dựng theo đúng hướng "giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm". 

Tôi cho rằng bên cạnh việc tạo điều kiện để doanh nghiệp hưởng chính sách, Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn "hậu kiểm" chi tiết để chống việc lạm dụng chính sách. Đặc biệt chú trọng vào quy định liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề do các doanh nghiệp này chỉ cần có hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng hưởng chính sách là sẽ được gia hạn toàn bộ số thuế phải nộp.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Bộ Tài chính cũng cần nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn "hậu kiểm" chi tiết để chống việc lạm dụng chính sách. Đặc biệt chú trọng vào quy định liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề do các doanh nghiệp này chỉ cần có hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng hưởng chính sách là sẽ được gia hạn toàn bộ số thuế phải nộp.”  - LS. Choi Ji Ung

 

Theo Thời báo Tài chính