Ngành Thuế chủ động phối hợp để quản lý thuế thương mại điện tử

09/06/2019 02:40:13 PM
Trao đổi với báo chí về những biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, ngành Thuế sẽ phối hợp tốt với các bộ, ngành để quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động này.

Tạo cơ sở pháp lý để quản lý thuế TMĐT xuyên biên giới

Đề cập đến giải pháp quản lý dòng tiền trong hoạt động TMĐT theo quy định tại Luật Quản lý thuế sửa đổi (Luật Quản lý thuế số 38), ông Huy cho biết, việc quản lý dòng tiền chỉ là một trong những biện pháp trong quản lý thuế đối với hoạt động này. Để quản lý thuế đối với TMĐT cần phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, bao quát hơn.

Theo ông Huy, hiện tại hoạt động TMĐT diễn ra trong nước đã có quy định. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới mới khó khăn. “Đây là vấn đề nhức nhối, không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu” - ông Huy nói.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, TMĐT xuyên biên giới có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo hai chiều (từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam). Do đó, tùy trường hợp cụ thể để áp dụng các biện pháp về thuế, cũng như quản lý thuế đối với từng hoạt động này cho phù hợp.


bidv

Tổng cục Thuế sẽ phối hợp tốt với các ngân hàng thương mại để quán lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Ảnh: NM.

 

“Đối với việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân chiều từ Việt Nam ra nước ngoài, đối tượng này đã đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam, do đó áp dụng các quy định như các tổ chức, cá nhân bình thường. Riêng chiều từ nước ngoài vào Việt Nam thì cần phải có quy định. Do đó Luật Quản lý thuế số 38 đã đưa vào các quy định đối với hoạt động này” - ông Huy nói.

Hiện nay, đối với việc cung cấp hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam có thể theo hai hình thức là kinh doanh truyền thống, hoặc TMĐT. Đối với hàng hóa thông thường (sản phẩm hiện hữu), khi nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan sẽ thu các khoản thuế gián thu, chẳng hạn như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có).

“Hiện nay Bộ Tài chính đã giao cho Tổng cục Hải quan xây dựng Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó có các quy định nhằm hạn chế việc lợi dụng chính sách hiện có để đưa hàng hóa vào,làm giảm nghĩa vụ thuế (được miễn thuế hàng hóa định mức, quà tặng, hàng xách tay…). Đối với thuế trực thu, còn có các loại thuế như: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) áp dụng đối với doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) áp dụng đối với cá nhân. Các loại thuế này sẽ phải tuân thủ theo các quy định của Luật Thuế TNDN và Luật Thuế TNCN” - ông Huy thông tin.

Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể khai, nộp thuế qua mạng

Đề cập đến vấn đề quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động này không chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, mà chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan thuế. Các hoạt động cung cấp dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam cũng bao gồm các sắc thuế như: GTGT, TNDN, TNCN.

“Để quản lý tốt thuế trực thu đối với nhà cung cấp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam để đăng ký kê khai, nộp thuế theo mô hình truyền thống, Tổng cục Thuế đã báo cáo và đưa vào Luật Quản lý thuế số 38 tại khoản 4 Điều 42” - ông Huy nói.

Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thì nhà cung cấp nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp, hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đăng ký, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam theo quy định.

Luật Quản lý thuế số 38 đã dành hẳn một chương (Chương II) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế, trong đó có các bộ, ngành liên quan, như: Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước để phục vụ tốt cho việc phối hợp thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới. 

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam trong việc đăng ký, khai và nộp thuế, hiện nay Tổng cục Thuế đang nghiên cứu, xây dựng để đưa việc đăng ký này lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Quy trình này đang được Tổng cục Thuế triển khai xây dựng” - ông Huy cho biết.

Đối với trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn. Khi áp dụng quy định này, có hai dạng là người mua là tổ chức và người mua là cá nhân. Với người mua là tổ chức, sẽ áp dụng Thông tư 103/2014/TT-BTC; còn đối với người mua là cá nhân, sẽ phải quản lý qua dòng tiền thanh toán của các cá nhân này.

Để làm được việc này, tại khoản 3, Điều 27 Luật Quản lý thuế số 38 quy định, các ngân hàng thương mại phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Luật quy định là như vậy, tuy nhiên ông Huy cũng thừa nhận, để quản lý thuế đối với trường hợp này quả là rất khó. Tổng cục Thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để xác định được các tiêu trí, từ đó hướng dẫn cho các ngân hàng thương mại khấu trừ các khoản thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới.

“Vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, trong đó có quy định các tổ chức, trong đó có tổ chức kinh doanh TMĐT phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, đồng thời thành lập chi nhánh, văn phòng tại Việt Nam, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào đó để yêu cầu tổ chức đăng ký, khai và nộp thuế theo quy định. Chúng tôi khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam để không phải áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn” - ông Huy nói./.

Theo Thời báo Tài chính