Nghiên cứu giải pháp gỡ vướng cho doanh nghiệp điện

04/05/2021 09:45:00 AM
Những quy định của chính sách pháp luật chuyên ngành có những điểm chưa thống nhất với chính sách pháp luật thuế khiến nhiều doanh nghiệp (DN) ngành điện đang gặp khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn cần nhiều vốn. Để khắc phục những bất cập này, ngành thuế đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN ngành điện.

 

 

DN ngành điện gặp khó với các quy định chưa thống nhất

Giấy phép hoạt động điện lực chỉ được cấp khi việc xây dựng nhà máy đã hoàn thành (chậm nhất 15 ngày trước khi vận hành thương mại). Trong khi đó, theo quy định để được hoàn thuế đối với các dự án đầu tư, phải có giấy phép này.

Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, các ngành nghề đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực điện gồm có: hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu điện, tư vấn chuyên ngành điện lực.

Chương V Luật Điện lực quy định, các lĩnh vực phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực gồm có: hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Luật Điện lực cũng quy định với các ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực điện lực chỉ được cấp giấy phép hoạt động điện lực, không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thông tư 21/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực phát điện gồm 10 thủ tục và chậm nhất trước 15 ngày làm việc kể từ ngày dự kiến chính thức vận hành thương mại.

Tổng cục Thuế vừa có Công văn số 944/TCT-CS gửi các Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, đối với cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT đầu vào của giai đoạn đầu tư (trừ trường hợp thuộc đối tượng không được hoàn thuế theo quy định). 

Còn theo quy định của Luật số 106/2016/QH13 quy định không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư. Nghị định 100/2016/NĐ-CP quy định cụ thể về việc chưa đủ các điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư khi chủ cơ sở kinh doanh chưa được cấp phép kinh doanh ngành nghề, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề đầu tư có điều kiện; chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc chưa đáp ứng được điều kiện để thực hiện đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không cần có xác nhận, chấp thuận dưới hình thức văn bản theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Đồng thời, Khoản 3 Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghị định quy định chi tiết Luật Thuế GTGT còn quy định rõ, khi dự án đi vào hoạt động, tức là hết dự án đầu tư xây dựng thì không được hoàn thuế.

Từ các quy định trên có thể thấy DN hoạt động trong lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, đang phải chịu sự điều chỉnh của 3 Luật: Luật Đầu tư, Luật Điện lực và Luật thuế GTGT. Trong khi đó, một trong những điều kiện tiên quyết để được hoàn thuế GTGT là phải có Giấy phép hoạt động điện lực.

Tuy nhiên, cái khó đối với các DN điện là các dự án đầu tư ngành điện thường kéo dài và trong quá trình đầu tư chưa đi vào hoạt động thì chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Những quy định của chính sách pháp luật chuyên ngành có những điểm chưa thống nhất với chính sách pháp luật thuế khiến hầu hết các DN đầu tư vào ngành điện đều gặp khó khăn về điều kiện để hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong giai đoạn đầu tư.

Như vậy, nếu không kịp thời tháo gỡ những vướng này, nhiều dự án gặp khó khăn về vốn và các DN khó đảm bảo tiến độ đầu tư. Bởi khi đầu tư các dự án điện, số thuế GTGT được hoàn theo từng giai đoạn đầu tư được các DN tình toán là nguồn lực tài chính quan trọng để thanh toán các chi phí của dự án.

Giải pháp để gỡ khó cho DN điện

Có thể nói mỗi đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn được giao đều có những quy định, hướng dẫn để đảm bảo vừa đơn giản hóa thủ tục hành chính, vừa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nếu phát sinh vướng mắc cần những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Được biết để kịp thời tháo gỡ khó khăn về điều kiện hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư kinh doanh ngành điện, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, xác định DN đã đáp ứng các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư ngành điện (dự án nằm trong quy hoạch phát triển ngành điện, có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, có giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc quyết định thành lập, giấy chứng nhận thành lập, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp...) thì tạm cấp Giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn đến khi dự án đi vào vận hành thương mại. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với các dự án đầu tư đáp ứng được các điều kiện trên thì được giải quyết hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật. Cơ quan nhà nước (có chức năng cấp giấy phép) sẽ thực hiện hậu kiểm. Nếu sau khi dự án đầu tư đi vào vận hành thương mại mà không đáp ứng được các điều kiện để hoạt động thì thu hồi Giấy phép đã tạm cấp và thu hồi số tiền thuế GTGT theo quy định.

Nếu thực hiện theo phương án trên sẽ vừa tạo điều kiện thông thoáng, vừa tháo gỡ khó khăn cho các DN thực hiện dự án đầu tư ngành điện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Thứ hai, đối với dự án đầu tư đang thực hiện, đang trong giai đoạn đầu tư nhưng chưa có giấy phép hoạt động điện lực và chưa được hoàn thuế GTGT, trên cơ sở kết quả làm việc với các cơ quan chức năng, Tổng cục Thuế sẽ xem xét trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết hoàn thuế GTGT.

Thứ ba, đối với các dự án đầu tư tại thời điểm đề nghị hoàn thuế GTGT đã có giấy phép hoạt động điện lực nhưng đã đi vào hoạt động chưa được giải quyết hoàn thuế thì cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai hoặc kê khai điều chỉnh, bổ sung (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để xác định chính xác số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động. Cơ quan thuế sẽ rà soát, kiểm tra và giải quyết việc hoàn thuế GTGT theo quy định./.

 
Theo Chinhphu.vn