Quá trình thành lập
05/27/2013 05:52:25 PM
1. Tình hình trong nước về hoạt động dịch vụ tư vấn thuế
Hệ thống thuế Việt nam được cải cách toàn diện từ năm 1990. Qua 17 năm thực hiện hệ thống chính sách thuế đã được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế cũng như tương đồng với hệ thống thuế trong khu vực và trên thế giới. Số thu từ thuế ngày càng tăng, chiếm vị trí quan trọng nhất trong tổng số thu ngân sách nhà nước. Những năm gần đây, bộ máy quản lý thuế được nghiên cứu và tiến hành chuyển đổi từ cơ chế cơ quan thuế tính, ra thông báo thuế sang cơ chế đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự tính và nộp thuế. Biện pháp quản lý thuế mới đòi hỏi đối tượng nộp thuế hiểu chế độ chính sách thuế và tự giác kê khai nộp thuế.
Thông thường đối với mỗi một sắc thuế: các văn bản chính sách qui định rõ ràng, cụ thể thì việc thực thi sẽ đảm bảo tính công bằng. Xu hướng cải cách thuế là tiến tới mục tiêu công bằng, minh bạch về nghĩa vụ thuế, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng nộp thuế. Mặt khác, kinh tế thị trường phát triển sự chuyên môn hoá càng cao thì các hình thức dịch vụ càng đa dạng và phong phú. Các Luật thuế qui định càng chi tiết thì đối tượng nộp thuế sẽ tiến tới thay vì tự kê khai bằng hình thức thuê các tổ chức dịch vụ thuế. Sự lựa chọn này chủ yêu với đối tượng cá nhân hoặc doanh nghiệp qui mô nhỏ vì họ không cần bộ máy kế toán hoàn chỉnh, số lượng chứng từ phát sinh không nhiều mà hàng tháng phải kê khai thuế Giá trị gia tăng, kết thúc năm phải lập các báo cáo thuế để nộp cho cơ quan thuế. Vì vậy việc thuê các tổ chức dịch vụ thuế sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc kê khai, đồng thời đảm bảo tuân thủ pháp luật thuế.
Thực tiễn trong thời gian qua các Công ty kiểm toán, tư vấn tài chính, kế toán, văn phòng luật sư có hoạt động kinh doanh dịch vụ về thuế. Các cơ sở này làm dịch vụ khai hộ thuế nhưng lại không đứng tên trên tờ khai thuế của doanh nghiêp nên không chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của tờ khai. Ngoài ra có một số cá nhân tự làm dịch vụ về thuế nhưng không đăng ký kinh doanh trốn, tránh nghĩa vụ thuế.
Về môi trường pháp lý, Luật quản lý thuế được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2007. Điều 20 của Luật qui định: Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có điều kiện được thành lập và hoạt động theo qui định của Luật doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục về thuế theo thoả thuận với người nộp thuế. Luật cũng qui định các tổ chức kinh doanh này phải có ngành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có ít nhất hai nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Tài chính. Hướng dẫn thi hành qui định trên, ngày 3/4/2008 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 28/2008/TT-BTC hướng dẫn việc đăng ký hành nghề và quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Như vậy, dịch vụ làm các thủ tục về thuế là hoạt động chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn về thuế của các cá nhân, chịu sự điều chỉnh của pháp luật và quản lý của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, các cá nhân cần phải được hành nghề trong sự chi phối của 1 tổ chức nghề nghiệp.
2. Tình hình quốc tế về dịch vụ tư vấn thuế
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có tổ chức hội nghề nghiệp về thuế. Hoạt động này ở các nước đã trở thành phổ biến và có lịch sử gần 100 năm. Chẳng hạn như hệ thống đại lý thuế Nhật Bản: năm 1896 khi luật thuế kinh doanh ra đời phát sinh nhu cầu khai thuế nên đến năm 1912 đã ban hành luật giám sát những người làm dịch vụ thuế không cần chứng chỉ. Năm 1951 ban hành Luật Đại lý thuế. Luật này qui định cụ thể về trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của Đại lý thuế; của Hiệp hội đại lý thuế, bắt buộc người làm đại lý thuế phải có chứng chỉ hành nghề. Năm 1956 yêu cầu các đại lý thuế phải đăng ký và gia nhập Hiệp hội đại lý thuế. Ở Nhật bản các đại lý thuế có vai trò lớn trong việc kê khai nộp thuế: Trong số 3 triệu Công ty thì 2,7 triệu (90%) Công ty thuê Đại lý thuế; Tính đến tháng 9.2007 Nhật Bản có 1.443 đại lý thuế pháp nhân và 70.768 cá nhân hành nghề đại lý thuế.
Điển hình trong khu vực là Hiệp hội tư vấn thuế Châu Á – Châu Đại Dương (AOTCA). Hiệp hội này gồm 17 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Pakistan; Trung quốc, Hồng kông, Indonesia; Singapo, Australia; SriLanka; Nhật bản, Hàn quốc, Malaisia, Mông cổ; Đài loan, Philippine, Ấn Độ, Thái Lan, Bănglađet… Hàng năm Hiệp hội tổ chức Hội nghị thường niên nhằm trao đổi giúp đỡ nhau về nghiệp vụ tư vấn, dịch vụ thuế, xúc tiến các vấn đề liên quan đến thuế giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Khi biết Việt nam đang xúc tiến thành lập Hội nghề nghiệp thuế, Hiệp hội tư vấn thuế Châu Á – Châu Đại Dương đã cung cấp các thông tin về tổ chức này và mong muốn Việt nam sớm trở thành Hội viên của Hiệp hội.
3. Sự cần thiết phải thành lập Hội Tư vấn Thuế Việt Nam
Mặc dù cơ quan thuế đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, tuyên truyền chính sách thuế, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu cập nhật chính sách thuế cũng như giải đáp các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nộp thuế. đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân kinh doanh, cá nhân hành nghề độc lập, các đối tượng nộp thuế mới. Để đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách, pháp luật về thuế thì cần có các hoạt động tư vấn, trợ giúp về thuế và nhu cầu này ngày càng trở nên bức thiết đối với các tổ chức, cá nhân nộp thuế.
Theo yêu cầu của Luật quản lý thuế, thực tiễn của hoạt động kinh doanh dịch vụ thuế và đòi hỏi của các tổ chức cá nhân nộp thuế, Bộ Tài chính đã có quyết định công nhận Ban vận động thành lập Hội Tư vấn thuế Việt nam và có chủ trương sau khi Hội được thành lập sẽ giao cho Hội quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ về thuế. Ngoài ra, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình thì việc hình thành các tổ chức tư vấn, kê khai thuế, thay mặt người nộp thuế để làm các thủ tục về thuế là một tất yếu khách quan.
Hội Tư vấn thuế Việt nam ra đời sẽ là cầu nối giữa người nộp thuế với cơ quan thuế. Hội là tổ chức nghề nghiệp của những người làm dịch vụ tư vấn, kê khai thuế; là đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên trong hoạt động nghề nghiệp. Hội cũng sẽ tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, giúp hội viên, người nộp thuế cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết về thuế.
Vì các lý do nêu trên cần phải thành lập một tổ chức Hội nghề nghiệp tự quản, chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ của hội viên là các Đại lý thuế cũng như tuyên truyền phổ biến pháp luật về thuế và hỗ trợ Tổng cục Thuế quản lý hoạt động Đại lý thuế ở Việt Nam.
4. Quá trình vận động thành lập Hội
Thực hiện chủ trương trên, tháng 7 năm 2007, Tổng cục thuế đã có tờ trình Bộ về việc xin phép hình thành tổ chức hội nghề nghiệp dịch vụ thuế. Ngày 04 /10/2007, Bộ tài chính đã có Quyết định số 3259/QĐ-BTC công nhận ban vận động thành lập Hội trong đó có đề cập về tên của hội là Hội đại lý thuế Việt nam. Trưởng ban vận động là bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và 9 thành viên gồm 5 giám đốc, phó giám đốc các công ty Kiểm toán, dịch vụ kế toán 01 phó tổng cục trưởng tổng cục hải quan, 02 chuyên gia thuế và 01 chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp. Thường trực Ban vận động thành lập Hội đã tuyên truyền vận động mọi tổ chức, cá nhân tham gia, chỉ trong thời gian 2 tháng số lượng hội viên đăng ký là 150 hội viên trong đó 20 hội viên là tổ chức.
Thường trực Ban vận động Hội nghiên cứu những văn bản qui định của nhà nước về hội nghề nghiệp, tham khảo kinh nghiệm hoạt động của các hội nghề nghề nghiệp khác, dự thảo Điều lệ Hội, làm các thủ tục, hồ sơ gửi Bộ Nội vụ để xin phép thành lập. Trong quá trình đó còn có ý kiến băn khoăn về tên Hội đại lý thuế là chưa thật phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt nam. Qua nghiên cứu về tên gọi của các hội nghề nghiệp về thuế, Ban Thường trực đã báo cáo lại Bộ tài chính và đã được Bộ cho phép đổi tên Hội là Hội Tư vấn thuế Việt Nam đồng thời đã ban hành Quyết định số 4034/QĐ-BTC ngày 31/12/2007 về việc công nhận Ban vận động thành lập Hội Tư vấn thuế Việt nam thay thế Quyết định số 3259/QĐ-BTC ngày 04/10/2007. Với tên gọi này cũng phù hợp với tên của Hiệp hội tư vấn thuế Châu Á - Châu Đại Dương (viết tắt là AOTCA).
Ban vận động đã có 2 kỳ họp vào tháng 01/2008 để hoàn thiện hồ sơ thành lập Hội. Sau khi có danh sách 200 hội viên chính thức, Ban vận động đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét. Ngày 13/03/2008, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 242/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Tư vấn Thuế Việt Nam.
Đến nay, Hội đã nhận được đơn của gần 70 tổ chức và trên 600 cá nhân xin gia nhập Hội . Đối với Hội viên liên kết sẽ được vận động tham gia sau khi Đại hội thông qua Điều lệ chính thức, trong đó quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm của Hội viên liên kết.
Tuy trong thời gian ngắn, Hội chưa ra đời nhưng đã có nhiều tập thể, cá nhân tham gia đã chứng minh sự ra đời một Hội nghề nghiệp về tư vấn thuế là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung, đảm bảo lợi ích của người nộp thuế đồng thời tuân thủ đúng pháp luật về thuế.