Bà Nguyễn Thị Cúc: Sẽ khó cải cách nếu vẫn còn tâm lý “xin cho em hai chữ bình yên”

08/12/2015 10:05:05 AM
(DĐDN) – Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết doanh nghiệp vẫn còn tâm lý thụ động, e ngại khi được hỏi ý kiến đóng góp về cơ chế chính sách. Do vậy, sẽ khó cải cách nếu vẫn còn tâm lý “Xin cho em hai chữ bình yên”.

 

 

HVS_7478

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam phát biểu

Thông tin này được bà Cúc đưa ra tại buổi công bố Báo cáo “Đánh giá Cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014” vừa được tổ chức sáng 11/8.

Doanh nghiệp còn thờ ơ

“Trong quá trình triển khai, tôi nhận thấy rằng, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ với cái mà chính mình được hưởng lợi. Khi nhà nước kêu gọi doanh nghiệp đóng góp ý kiến, kiến nghị để thay đổi một chính sách, chế độ thì doanh nghiệp chưa quan tâm. Tôi đến nhiều doanh nghiệp tập hợp ý kiến thì doanh nghiệp lại nói là: “xin cho em hai chữ bình yên” – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết.

Ngay cả khi VCCI tiến hành điều tra, khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý, mức phản hồi của các doanh nghiệp vẫn rất thấp. Hà Nội, Tp.HCM, Đồng Nai chỉ đạt 20%. Tỷ lệ thấp như vậy có thể vì DN chưa quan tâm hoặc chưa tin tưởng nhưng theo bà Cúc, nếu cả hai phía, cả doanh nghiệp và cơ quan thuế mà cùng thay đổi thì mục tiêu cải cách có thể thành công. Bà Cúc dẫn chứng: Điều khó nhất trong thủ tục hành chính về thuế là giảm thời gian thực hiện thủ tục thì chúng ta đã đã làm được rồi, từ 532 giờ giảm xuống còn 121 giờ. Việc khó như vậy còn làm được thì những việc khác nếu có nỗ lực, cải cách đồng lòng của cả hê thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ thành công.

Cơ quan quản lý còn nhiều việc phải làm

Theo Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, kết quả bản báo cáo “Đánh giá Cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014” lần này đánh giá các cải cách về thể chế, cải cách quy trình quản lý, đạo đức về nghề nghiệp, trình độ nghiệp vụ của cơ quan thuế tốt hơn so với những kỳ trước. Đặc biệt, cải cách về chế độ cung cấp thông tin gần đạt được mức tuyệt đối. Tuy nhiên, theo bà Cúc, những chỉ tiêu cải cách lại đang có sự cách biệt lớn. Bà Cúc dẫn chứng: “Về cải cách thể chế thì mức độ đánh giá rất cao, tuy nhiên, mức đánh giá về các tiêu thức như văn hóa ứng xử, giao tiếp, trình độ nghiệp vụ của cán bộ, cơ quan thuế thì chỉ đạt 52 – 53%”.

Một điều đáng nói nữa là kết quả của báo cáo mới chỉ dừng lại ở đánh giá của các doanh nghiệp là công ty, doanh nghiệp nhà nước mà chưa có khối dân doanh. “Trong khi đó, số ý kiến phàn nàn về thuế lại nằm nhiều ở các lĩnh vực thu các loại lệ phí, ví dụ như lệ phí trước bạ, các khoản thu đất đai, các khoản thu của cá nhân kinh doanh”…Bà Cúc cho biết, đối tượng cá nhân kinh doanh hiện nay có khoảng 1,6 triệu hộ gia đình nhưng lại chưa thuộc diện điều tra, khảo sát. Vì vậy, trong thời gian tới phải xây dựng được chương trình khảo sát những đối tượng này thì mới có cái nhìn toàn diện.

10

Kết quả khảo sát tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế

Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, nội dung thông tư 92 về kê khai thuế giá trị gia tăng của cá nhân vừa qua được triển khai rất tốt. Những thông tin được công khai minh bạch nên nạn nhũng nhiễu, phàn nàn cũng giảm theo. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn phải tiếp tục giảm tương tác trực tiếp giữa người nộp thuế và cán bộ thuế, các doanh nghiệp có thể thuê các đại lý thuế tư nhân kê khai nộp thuế điện tử. Các công ty khai thuê khi thực hiện hợp đồng sẽ được hưởng một mức phí.“Khi họ đã được hưởng phí rồi thì họ sẽ không thể nào bỏ thêm những khoảng tiền khác để làm những việc không cần thiết. Điều đó sẽ cho chúng ta những kết quả khách quan, đầy đủ, chính xác hơn. Ngoài ra, các cơ quan thuế sẽ có nhiều thời gian hơn để làm những việc khác như thanh , kiểm tra hoặc nâng cấp trình độ tin học, công nghệ thông tin” – bà Cúc nói.

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp